Đề thi tham khảo tốt nghiệp PTTH dễ so với đề thi lần 1. Với đề thi này, thí sinh dễ đạt điểm để tốt nghiệp, nhưng các trường ĐH sẽ khó tuyển sinh hơn.
Đề thi tương đối dễ, số câu hỏi khó, kiến thức nâng cao giảm so với đề thi tham khảo lần 1... đó là nhận xét của nhiều học sinh và giáo viên sau khi ôn tập đề thi tham khảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mới công bố ngày 7/5 vừa qua.
Theo ý kiến một số em học sinh, chương trình gồm tầm 70% là cơ bản, 30% nâng cao, so với đề lần 1 thì dễ hơn, phù hợp với khả năng của học sinh.
“Đề thi này rõ ràng là không có những phần giảm tải như Bộ đã công bố trước đó, hoàn toàn tuân thủ đúng cấu trúc mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra. Có đến 70% là câu hỏi nhận biết, thông hiểu và số câu lý thuyết cũng khá nhiều. Như vậy, kỳ thi hướng tới đánh giá bản chất việc hiểu của thí sinh nhiều hơn. 30% câu hỏi thì thuộc mức độ vận dụng và vận dụng cao, áp dụng việc tính toán vào đây”, một học sinh cho hay.
Nhiều ý kiến cho rằng, đề thi tham khảo tốt nghiệp PTTH dễ hơn so với đề thi lần 1.
Nhiều ý kiến cho rằng, đề thi dễ hơn cho học sinh, nhưng sẽ lại là bài toán khó cho tuyển sinh của các trường đại học. Bởi nếu đề của năm trước từ câu hỏi thứ 35 của bài thi 50 câu đã bắt đầu có sự phân hóa và tăng dần về độ khó thì đề thi năm nay phải đến câu thứ 45, tức là độ khó phân hóa gồm 5 câu cuối cùng. Như vậy, đề thi chỉ có từ 5% - 10% để phân loại thí sinh.
Ông Phạm Hữu Cường, giáo viên môn Ngữ văn của Hệ thống Giáo dục Học mãi nhận xét: “Độ phân hóa không thật tốt, nhất là đối với các trường top đầu. Bởi vì đề thi Văn thì hầu như là câu vận dụng rất ít, ngay cả những phần mà để vận dụng cao thì càng ít. Những câu từ dư luận xã hội đến nghị luận văn học thì chủ yếu vẫn chủ yếu là mức độ của nhận biết, thông hiểu và vận dụng và vận dụng cao thì hầu như không có”.
Mức độ phân hóa của đề thi thấp trong khi nhiều trường đại học thậm chí nhiều trường top trên dự kiến vẫn sẽ lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay để xét tuyển, nên nhiều ý kiến e ngại có thể sẽ dẫn đến nguy cơ 29 điểm vẫn không đỗ đại học - tình trạng đã xảy ra vào 4 năm trước.
Thầy Lê Anh Tuấn, giảng viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nêu ý kiến: “Mức độ phân hóa giữa thí sinh khá, học sinh giỏi là không rõ ràng. Thí sinh khá, thí sinh giỏi đều có thể làm được trên 9 điểm. Vì vậy, để có thể xét tuyển được vào những trường ở mức độ mà người ta cần tuyển đầu vào cao thì sẽ rất khó và các trường chắc chắn sẽ phải dùng những tiêu chí phụ rất khắt khe để có thể xét tuyển được”.
Tuy nhiên, nhiều giáo viên cũng khuyến cáo học sinh không vì đề thi tham khảo dễ mà nảy sinh tâm lý chủ quan, thực tế trên tinh thần của nhiều năm, đề thi chính thức vẫn có độ chênh so với đề tham khảo. Vì vậy, học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản và phải luyện tập thêm cả phần nâng cao để đạt được kết quả cao nhất cho kỳ thi sắp tới./.
Theo Minh Hường/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/thi-tot-nghiep-thpt-2020-de-tham-khao-de-tot-nghiep-kho-tuyen-sinh-1046865.vov