Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định không triển khai kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ cho việc tuyển sinh riêng mà sử dụng kết quả thi Trung học phổ thông để xét tuyển.
Giám thị phổ biến quy chế thi cho thí sinh trước giờ làm bài thi đánh giá năng lực môn Ngoại ngữ trên máy tính tại Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Ngày 4/5, Ban Chỉ đạo tuyển sinh đại học của Đại học Quốc gia Hà Nội họp và thảo luận về phương án tuyển sinh đại học năm 2020.
Trên cơ sở phân tích các thông tin mới nhất về kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia cũng như xem xét việc giảm áp lực cho thí sinh do phải tham dự nhiều kỳ thi trong tình hình dịch COVID-19 kéo dài, Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định không triển khai kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ cho việc tuyển sinh riêng mà sử dụng kết quả thi Trung học phổ thông để xét tuyển.
Như vậy, phương án tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội năm nay về cơ bản không thay đổi, vẫn ổn định như năm 2019.
Các phương thức xét tuyển cụ thể gồm mở rộng các đối tượng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Quy định, hướng dẫn của Đại học Quốc gia Hà Nội; xét tuyển dựa trên kết quả thi Trung học phổ thông năm 2020; xét tuyển các thí sinh sử dụng các chứng chỉ quốc tế SAT, A-Level, IELTS và các tiêu chí phụ khác (các đơn vị đào tạo sẽ quy định cụ thể theo yêu cầu của các chương trình đào tạo).
[Đại học Quốc gia Hà Nội công bố phương án tuyển sinh năm 2020]
Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tiếp tục thông tin chi tiết về tổ hợp xét tuyển của các ngành đào tạo trên website: https://www.vnu.edu.vn/home/ và http://tuyensinh.vnu.edu.vn/.
Trong trường hợp dịch COVID-19 kéo dài, cản trở kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020 thì Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức xét tuyển dựa theo kết quả học tập bậc trung học phổ thông kết hợp với hình thức kiểm tra đánh giá từ xa.
Năm 2020, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh 10.320 chỉ tiêu với 131 ngành/chương trình đào tạo, trong đó có 14 ngành đào tạo mới, được thiết kế phục vụ cung cấp nguồn nhân lực liên quan trực tiếp đến cuộc cách mạng chuyển đổi số và các vấn đề mới.
Nhiều ngành học mới được thiết kế phục vụ đào tạo nguồn nhân lực liên quan trực tiếp đến cuộc cách mạng chuyển đổi số và các vấn đề mới như: Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật điện tử và Tin học; Khoa học và Công nghệ thực phẩm; Công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường; Marketing, Nhật Bản học, Điều dưỡng, Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học, Sư phạm Lịch sử và Địa lý, Hàn Quốc học… và nhiều ngành chất lượng cao khác./.
Theo Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-khong-to-chuc-ky-thi-danh-gia-nang-luc/638311.vnp