Nhiều trường tại TP HCM có điều chỉnh, thay đổi trong phương thức xét tuyển. Điều này tác động rất lớn đến việc xét tuyển, chọn ngành, chọn trường của thí sinh
Chương trình tư vấn trực tuyến - truyền hình "Đưa trường học đến thí sinh" lần thứ 19 - 2020, do Báo Người Lao Động tổ chức, Đài Truyền hình TP HCM (HTV) phối hợp thực hiện ngày 16-4, với chủ đề "Thi đánh giá năng lực và xét tuyển ĐH" đã thu hút nhiều câu hỏi hay.
40.000 thí sinh đăng ký thi đánh giá năng lực
Chương trình tổ chức ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) trình Chính phủ phương án thi THPT quốc gia 2020, trong đó xem xét giảm số môn thi phù hợp, đề thi cũng sẽ giảm nhẹ theo yêu cầu nên đã thu hút sự theo dõi của rất nhiều phụ huynh - học sinh.
Trước khi chương trình diễn ra, hàng loạt câu hỏi của phụ huynh, học sinh đã được gửi đến chương trình. Theo các khách mời, những câu hỏi mang đầy tính thời sự, thể hiện sự quan tâm đặc biệt trước những điều chỉnh của mùa thi năm nay.
Tại TP HCM, kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐHQG TP HCM tổ chức từ năm 2018 được xem là thước đo tin cậy để các trường dùng kết quả xét tuyển. Theo TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng Đào tạo, ĐHQG TP HCM - kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TP HCM dự kiến 2 đợt vào ngày 31-5 và 10-7 nhưng hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chưa biết cụ thể ngày học sinh trở lại trường nên chắc chắn kỳ thi sẽ được điều chỉnh lại. ĐHQG TP HCM đã chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức trên nguyên tắc bảo đảm an toàn. Hiện có hơn 40.000 thí sinh đăng ký xét tuyển từ kỳ thi này.
Khách mời trao đổi và trả lời câu hỏi của học sinh, phụ huynh trong chương trình sáng 16-4.Ảnh: TẤN THẠNH
Theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, lẽ ra tại thời điểm này (từ ngày 1 đến 20-4 hằng năm) thí sinh phải đăng ký nguyện vọng nhưng năm nay còn chờ tình hình mới. Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên đây đã là lần điều chỉnh thứ 2 của Bộ GD-ĐT về thời gian thi. Đến thời điểm này, theo hướng dẫn của bộ, nếu kỳ thi diễn ra thì mọi việc sẽ trở lại bình thường như mọi năm. Đối với xét tuyển đã có sự điều chỉnh. Điển hình như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM thu hút thí sinh nhiều hơn. Đối với xét tuyển bằng học bạ, theo đánh giá của các trường qua các đợt xét tuyển, đây là phương thức có độ an toàn, đánh giá được cả quá trình, khắc phục được tình trạng "học tài thi phận", có thể lấy điểm 3 học kỳ, 5 học kỳ.
Cũng theo TS Nguyễn Quốc Chính, năm nay do ảnh hưởng dịch, chương trình phổ thông có điều chỉnh và giảm tải, theo thông báo gần nhất, đề thi cũng có giảm tải tương ứng. Năm 2020, các bài thi ĐGNL vẫn giữ độ khó ổn định, song quá trình xây dựng đề cũng bám theo chương trình thực tiễn, đặt câu hỏi dựa vào kiến thức đã được học, độ khó không thay đổi nhưng kiến thức trong chương trình giảm tải sẽ hạn chế sử dụng.
Năm nay, dự kiến giữa tháng 5, ĐHQG TP HCM sẽ mở cổng đăng ký xét tuyển nguyện vọng các trường thành viên. Điểm mới năm 2020 là cổng đăng ký xét tuyển có khả năng mở cho các trường ĐH ngoài, hiện tại đã có 15 trường ĐH, CĐ đồng ý cùng tham gia xây dựng hệ thống xét tuyển chung, việc này dễ dàng hơn cho thí sinh đăng ký xét tuyển. Dự kiến kỳ thi đánh giá năng lực sẽ tổ chức ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Quan tâm các ngành vực dậy nền kinh tế
Một thí sinh khác hỏi muốn học cơ khí hoặc ngành liên quan đến sửa chữa ôtô, liệu ngành này có tương lai? TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết: khối ngành kỹ thuật công nghệ trường đã đào tạo từ rất lâu, trường có các phòng thí nghiệm đạt chuẩn. Trường đi theo hướng kiểm định chương trình theo chuẩn quốc tế, trong nước. Đối với ngành ôtô, thí sinh hãy ghi ra hàng loạt trường có đào tạo ngành này rồi tham khảo điểm chuẩn các năm để đặt nguyện vọng. Ngành ôtô nhiều năm nay được học sinh rất quan tâm và điểm chuẩn cũng rất cao. Mỗi trường có thế mạnh riêng nên học sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin để chọn trường yêu thích.
Trong khi đó, thí sinh Diệu Ánh đến từ quận 7 - TP HCM, hỏi: các môn toán, hóa, sinh chỉ tầm 6,5 - 7 điểm vậy xét tuyển vào ngành nào khối y dược của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là phù hợp? ThS Nguyễn Quỳnh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết đây là lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe và tính mạng con người nên để học tốt cần năng lực học tập tốt. Đối với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, yêu cầu với nhóm 1 (y khoa, dược) học sinh phải có học lực giỏi năm lớp 12 và học lực khá đối với nhóm 2 (y tế dự phòng, điều dưỡng). Với mức điểm trung bình các môn 7 điểm thì có thể đăng ký xét tuyển vào nhóm 2, đối với nhóm 1 thì cần phải cố gắng hơn.
Chương trình sẽ được phát sóng trên kênh HTV Key vào lúc 11-12 giờ thứ bảy (18-4), phát lại vào 9-10 giờ chủ nhật (19-4).
Nên đăng ký hết các phương thức Theo TS Nguyễn Quốc Chính, năm nay ĐHQG TP HCM vẫn có 5 phương thức tuyển sinh. Đối với ngành nghề mình quan tâm, nếu đủ điều kiện xét tuyển bằng phương thức nào thì đăng ký tham dự. Hoặc nên đăng ký xét tuyển bằng tất cả các phương thức. Cách đặt nguyện vọng thì rất đơn giản, ngành nào muốn học nhất thì đặt đầu tiên, tiếp sau đó là những nguyện vọng khác. Thí sinh nên sử dụng tối đa các phương thức xét tuyển để khả năng trúng tuyển được cao nhất. |
Cách thức tổ chức chương trình phù hợp Sau khi chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2020 được phát sóng trên HTV Key của Đài Truyền hình TP HCM, nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng sự thay đổi của chương trình có chuyển biến tốt và phù hợp với mùa dịch Covid-19. TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, nhận xét kỹ thuật thu hình, ghi hình chuyên nghiệp, rất tốt. Hình ảnh phát trên HTV Key rõ nét. Sân khấu thu hình đẹp, đạt các yêu cầu về giãn cách. Về nội dung kịch bản tốt, bảo đảm các nội dung học sinh quan tâm. Thời lượng một chương trình ở mức thích hợp 60 - 90 phút (hiện nay có một số chương trình 120 phút thì hơi dài nhưng nếu chỉ 45 phút thì lại ngắn so với yêu cầu cung cấp thông tin cho học sinh). TS Nghĩa cho rằng cần tổ chức thêm nhiều chương trình để đem lại thông tin bổ ích cho học sinh. TS Trần Đình Lý cho rằng việc Báo Người Lao Động phối hợp với Đài Truyền hình TP HCM tổ chức "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2020 trong thời gian học sinh nghỉ học vì Covid-19 là cách thức hiệu quả cho thí sinh vì "nhiều thông tin - ít di chuyển". Đặc biệt, chương trình vẫn giữ nét riêng, xuyên suốt đó là dành phần lớn thời lượng để hướng nghiệp cho học sinh, giúp các em chọn ngành, nghề phù hợp. |
https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/dua-truong-hoc-den-thi-sinh-nam-2020-ban-khoan-chon-nganh-sau-dai-dich-covid-19-20200416213834393.htm