Các trường đại học và thí sinh mong muốn Bộ GD&ĐT không tính toán theo kiểu “ăn đong” như hiện nay mà sớm quyết định về việc có hay không tổ chức thi THPT quốc gia 2020 để họ còn kịp thời gian chuẩn bị.
Nếu Bộ GD&ĐT không quyết định sớm số phận kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhấtẢnh: Như Ý
Việc không thi THPT quốc gia không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch tuyển sinh của các trường ĐH nhưng lại tác động rất lớn đến thí sinh.
Xáo trộn mạnh ở các trường tốp trung bình và dưới
GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng ĐH Lâm nghiệp, cho hay, nếu dịch bệnh COVID-19 tiếp tục kéo dài, Bộ GD&ĐT không thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thì trường sẽ điều chỉnh các phương án tuyển sinh đã được thực hiện từ những năm trước. Đối với phương thức xét tuyển dựa vào học bạ, sẽ sử dụng kết quả của 5 kỳ học (lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12) thay vì dùng kết quả học tập của 6 học kỳ như các năm trước. Trường sẽ bổ sung phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của các trường, nhóm trường có tổ chức kỳ thi riêng.
Theo ông Chứ, nếu năm nay không có kỳ thi THPT quốc gia thì công tác tuyển sinh của các trường tốp trung bình và tốp dưới sẽ bị xáo trộn rất mạnh do có sự canh tranh không bình đẳng giữa các trường. Vì vậy, ĐH Lâm nghiệp rất mong muốn Bộ GD&ĐT sớm quyết định về phương án xét hoặc thi tốt nghiệp THPT để các trường có thể xác định được các giải pháp sớm và phù hợp nhất.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng ĐH Giao thông vận tải, nói rằng, nếu không có kỳ thi THPT quốc gia, trường sẽ tổ chức xét tuyển kết quả học bạ, dù phương thức này có một số bất cập, hạn chế, như không tuyển sinh được chất lượng đầu vào như mong muốn. “Tổ chức thi THPT quốc gia vẫn là giải pháp tốt nhất vì cách đánh giá công bằng hơn. Tính khách quan trong kết quả học bạ của thí sinh không cao, không đồng đều giữa các trường THPT trên cả nước. Thực sự, trường đang rất lúng túng về phương án tuyển sinh trước bối cảnh hiện nay”, ông Chương nói.
Thí sinh rối như tơ vò
PGS.TS Bùi Quốc Triệu, Trưởng phòng Đào tạo - ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng, các quyết định về thi cần tính đến quyền lợi của người học, không nên quá coi trọng quyền lợi của các trường ĐH hay của Sở GD&ĐT. “Không thi, các trường ĐH hoàn toàn khắc phục được, nhưng thí sinh sẽ rối như tơ vò, học một kiểu thi một kiểu. Tôi dự đoán, nếu thi riêng, mỗi học sinh sẽ thi không dưới 5 trường dẫn đến rất nhiều hệ lụy”, ông Triệu nói.
Nguyễn Thu Hiền, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình), cho rằng, nếu mỗi trường đại học tổ chức thi riêng sẽ rất khó cho nhiều thí sinh. “Như thế sẽ rất áp lực và chắc chắn sẽ khó hơn tham gia kỳ thi chung”, Hiền nhận định. Nhiều bạn trẻ nói rằng, nếu thi riêng, những trường ĐH lấy điểm cao sẽ ra đề thi khó hơn thi THPT quốc gia, nên rất mong Bộ GD&ĐT sớm quyết định phương án thi hay không để học sinh chủ động ôn tập.
Ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn, cho rằng, nhiều học sinh hiện băn khoăn, lo lắng không biết các trường ĐH, cao đẳng sẽ tuyển sinh theo phương án nào, trong thời gian ngắn, các em có đáp ứng được yêu cầu hay không. Lãnh đạo một trường ĐH tại Hà Nội cho rằng, nhiều nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 đã có quyết định rất cụ thể để học sinh, phụ huynh và các trường ĐH chủ động kế hoạch. Bộ GD&ĐT cũng cần sớm đưa ra quyết định cuối cùng, vì nếu cứ tính “ăn đong”, “nếu-thì” như hiện nay sẽ gây ra nhiều hệ lụy, nhất là với thí sinh.
Theo Nghiêm Huê/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/giao-duc/thi-thpt-quoc-gia-2020-bo-thieu-quyet-doan-cac-truong-thi-sinh-bi-dong-1641486.tpo