Việc Bộ GD&ĐT tính đến kịch bản không tổ chức thi THPT quốc gia năm 2020 nếu dịch COVID-19 kéo dài dẫn đến hai luồng dư luận trái chiều nhau.
Bộ GD&ĐT đang cân nhắc hai phương án - tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 hoặc xét tốt nghiệp Ảnh: PV
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT đang cân nhắc hai kịch bản. Nếu dịch COVID-19 kéo dài, sẽ tổ chức xét tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020, không tổ chức thi. Còn nếu dịch kết thúc sớm, Bộ vẫn sẽ tổ chức thi.
Trên mạng xã hội, các thầy cô dạy THPT có hai luồng ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng, nhất thiết phải tổ chức kỳ thi vì công bố phương án tuyển sinh khác thời điểm này là gấp gáp, gây hoang mang cho học sinh. Ngoài ra, kỳ thi THPT quốc gia có sự giám sát chung của xã hội nên sẽ minh bạch hơn các trường tự thi tuyển. Các trường “vừa đá bóng vừa thổi còi” dễ xảy ra nhiều vấn đề, như năng lực tuyển sinh không đảm bảo, tiêu cực… Một số người khác lại cho rằng, phương thức học trực tuyến, học qua truyền hình không hiệu quả, vì thế nên bỏ thi, xét tốt nghiệp THPT để giảm áp lực cho học sinh.
Ông Tuấn cho rằng, nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát tốt, Bộ GD&ĐT phải tính đến phương án lùi thời điểm khai giảng năm học mới thì không nên tổ chức thi THPT quốc gia mà xét tốt nghiệp cho các em hoàn thành chương trình. Như vậy, Bộ có thể giao cho địa phương tổ chức thi để xét tốt nghiệp, giao bằng. Các trường đại học, học viện sẽ căn cứ điểm học bạ và có phương án tuyển sinh riêng như xét tuyển, thi tuyển theo đặc thù của từng trường.
Tuy nhiên, “việc có thể tổ chức một kỳ thi chung để học sinh chủ động học, ôn tập sẽ đảm bảo kiến thức nền hơn là không thi”, ông Tuấn nói. Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh chương trình khung năm học đến ngày 15/7, lùi thi THPT quốc gia đến 8-11/8. Do đó, nếu học sinh quay lại trường học trong tháng 5 thì vẫn đủ thời gian để thực hiện chương trình và tiến tới kỳ thi.
Ông Nguyễn Văn Huyến, Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, cho biết, vài tuần nữa, tỉnh mới tổ chức đợt kiểm tra, đánh giá hiệu quả phương pháp học trực tuyến, học qua truyền hình. Việc dạy và học trực tuyến hiện nay có chỗ triển khai tốt, có chỗ chưa dạy được nên chất lượng không đồng đều giữa các địa phương. Tuy nhiên, ông Huyến cho rằng, nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, trong đó điều chỉnh đề thi hợp lý với các câu hỏi 4 cấp độ ở nội dung, kiến thức học kỳ I, các câu hỏi cơ bản ở học kỳ II.
Chất lượng dạy và học không đồng đều?
Hiệu trưởng Trường THPT Tiền Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội), ông Dương Văn Thuần, cho biết, 100% học sinh của trường đã được học qua truyền hình, trực tuyến. Nhà trường căn cứ lịch dạy học trên truyền hình để sắp xếp thời khoá biểu dạy học trực tuyến, phối hợp hệ thống giáo dục Study của Sở GD&ĐT Hà Nội để ra câu hỏi kiểm tra, đánh giá học sinh. Như vậy, hiện nay học sinh học cả ngày.
Tuy nhiên, nhiều học sinh phản ánh, dạy học trên truyền hình, giáo viên giảng bài theo kiểu thuyết trình, chưa đi sâu giải thích vướng mắc nên những em có năng lực trung bình, yếu khó tiếp thu, không hiểu bài. “Các em có hỏi lại giáo viên khi học trực tuyến nhưng lớp đông, thời gian học ngắn nên cũng có những hạn chế”, ông Thuần nói. Ông cho rằng, nếu học sinh sớm được quay lại trường học, Bộ giữ phương án thi THPT quốc gia thì đề thi chỉ nên dừng lại ở mức độ giảm tải, nhẹ nhàng hơn so với năm trước, những câu hỏi khó dồn cho học kỳ I sẽ không là vấn đề với học sinh thủ đô. Tuy nhiên, đây là kỳ thi chung cho học sinh toàn quốc, những địa phương có học sinh vùng sâu vùng xa không dạy học trực tuyến được sẽ rất thiệt thòi. Nếu lấy điểm thi THPT quốc gia năm nay để xét tuyển vào các trường thì cũng khó đảm bảo yếu tố công bằng.
PGS. TS Vũ Trọng Rỹ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia vẫn có giá trị, nếu bỏ gấp gáp lúc này, khi mà các trường đại học, học viện chưa kịp chuẩn bị phương án tuyển sinh thì tình trạng hỗn loạn có thể xảy ra. Nếu xét tuyển dựa vào học bạ thì sẽ có nhiều trường hợp “cấy” điểm cho đẹp học bạ. “Vì thế, nếu kiểm soát được dịch bệnh, tháng 5 học sinh đi học được thì vẫn nên giữ phương án thi sẽ tốt hơn”, ông nói.
Tuy nhiên, ông Rỹ cũng không đánh giá cao hiệu quả của phương pháp dạy học qua truyền hình, trực tuyến. Ông gọi đây là giải pháp “méo mó có hơn không” hay “cực chẳng đã” phải thực hiện, bởi đây là phương thức dạy học mà Bộ GD&ĐT không thể đảm bảo 100% học sinh có đủ phương tiện để học. Ông Rỹ cho rằng, nếu các trường đại học thực hiện theo Luật Giáo dục đại học, mạnh dạn có phương án tuyển sinh, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong điều kiện học sinh không sớm quay lại trường học thì mới tính đến chuyện không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà giao cho các địa phương làm. Điều quan trọng là hiện nay, các trường đại học có đủ năng lực để tuyển sinh riêng hay không.
Báo cáo Thủ tướng phương án thi THPT quốc gia, tuyển sinh ĐH năm 2020
Đó là một trong những yêu cầu được Chính phủ nêu trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa được ban hành. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT đẩy mạnh hình thức dạy học qua truyền hình và Internet, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong dạy và học; khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 phù hợp tình hình thực tế. Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Bộ Tài chính và các địa phương tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng, có giải pháp phòng ngừa trục lợi chính sách…
Văn Kiên
Theo Hà Linh/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/giao-duc/y-kien-trai-chieu-ve-ky-thi-thpt-quoc-gia-1639094.tpo