Khi cuộc sống đang “đảo lộn” vì dịch bệnh Covid-19 thì những giảng đường online đang sáng đèn mỗi tối lúc này mang yếu tố thích ứng. Về lâu dài, đó là sự chuyển động của một nền giáo dục.
Sút cân… chuẩn bị dạy online
Từng học vài khóa học online, PGS TS Ngô Thị Phượng chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có lúc mình trải nghiệm tương tự với tư cách là người dạy.
Khoa Triết học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV), là nơi cô Phượng công tác, dạy môn Triết học và Chủ nghĩa xã hội khoa học cho toàn ĐHQG Hà Nội.
Hiện tại, cô Phượng dạy 2 lớp, một lớp cho Trường ĐH KHXH&NV, một lớp cho Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, với hai nền tảng khác nhau. Số sinh viên mỗi lớp khoảng 80. Từ ngày 13/4, số lớp sẽ tăng lên, do có môn học nhà trường bố trí dạy vào 7 tuần sau. Các cán bộ khác trong khoa còn dạy nhiều lớp hơn cô Phượng.
Một giờ giảng của PGS TS Ngô Thị Phượng
Mỗi tiết dạy online tương ứng với một tiết dạy trực tiếp. Để tránh nhàm chán, trong một buổi lên lớp (3 tiết), thời gian giảng viên thuyết trình giảm đi, tăng thời gian để sinh viên tương tác.
Ngoài thời gian trực tiếp lên lớp, cô Phượng còn phải thực hiện nhiều việc trên khóa học như tạo ra các diễn đàn để giao bài tập, chủ đề thảo luận; thường xuyên kiểm tra các diễn đàn đó và trao đổi lại với sinh viên.
“Khó khăn lớn nhất khi chuyển đổi là tâm lý e ngại, sợ không tiếp thu được công nghệ này. Các cô có tuổi nên tiếp thu chậm hơn các bạn trẻ”, PGS Ngô Thị Phượng chân tình.
Để theo kịp tiến độ chung, để sinh viên không phải nghỉ học nhiều, cô đã dành trọn hai tuần chuẩn bị, vừa đi tập huấn, vừa tự đọc tài liệu hướng dẫn, rồi mày mò, không hiểu chỗ nào là gọi hỗ trợ luôn.
Một nhóm giáo viên, cùng vào lớp của nhau, vừa làm trò, vừa làm thầy, tập nói trước máy tính và thực tập các tương tác trên phần mềm.
Không chỉ cô Phượng sút 2 kg trong 2 tuần, mà hầu hết thầy, cô đều bơ phờ. Bù lại, nỗ lực, quyết tâm của các giảng viên đã được đền đáp. Các khóa học online được thiết lập, giáo áo được thiết kế, hệ thống bài tập, câu hỏi hoàn tất, hệ thống học liệu sẵn sàng.
“Buổi đầu tiên dạy sinh viên cũng hơi ngượng một chút. Sau đó, mọi việc đều rất ổn”, PGS Phượng chia sẻ.
“Ưu điểm của dạy trực tuyến là xa mà lại rất gần. Tôi gần các em hơn, tương tác nhiều hơn, có thể chữa bài tập và chuyển cho từng sinh viên nhanh hơn", cô Phượng cho biết.
Sau hơn 3 tuần dạy online, thái độ của sinh viên rất tốt, vào học đầy đủ, đúng giờ, ai vào muộn không điểm danh được. Một số thăm dò trong quá trình dạy cho thấy sinh viên học khá nghiêm túc, chứ không phải điểm danh rồi làm việc khác.
PGS Ngô Thị Phượng đánh giá, với công cụ và quy trình của trường, kết quả học tập của sinh viên là khách quan, chính xác. “Tuy nhiên, với những môn chung, nhiều thầy dạy một môn học, cần có sự thống nhất của bộ môn trong đánh giá kết quả, tránh trường hợp mỗi thầy, cô đánh giá một kiểu, thì sẽ không công bằng giữa các sinh viên”.
PGS Ngô Thị Phượng nhận xét việc dạy học trực tuyến khiến "Tôi gần sinh viên hơn, tương tác nhiều hơn".
Nguyễn Nam, sinh viên năm thứ nhất ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành học 6 môn online trong học kỳ II. Đối với môn Triết học, sau 3 tuần học trên giảng đường và 3 tuần học online, Nam cho rằng môn học này đòi hỏi sự tập trung cao. Đôi khi đường truyền bị lỗi do quá tải, Nam có thể xem lại bài giảng nhờ chức năng ghi lại bài giảng trên ứng dụng.
Còn với Ngô Hồng Ngọc, sinh viên năm thứ hai Khoa Triết học, việc học tập trực tiếp hay online không khác nhau nhiều ngoài nơi các bạn đang ngồi.
Nam và Ngọc đều nhớ trường, nhớ thầy, cô và các bạn, cùng mong muốn nhanh hết dịch bệnh để trở lại giảng đường. Tuy vậy, trong tình thế hiện tại, Ngọc cho biết, “học online khiến em cảm thấy thoải mái, để ý bài giảng và tích cực phát biểu hơn. Chúng em vẫn thuyết trình và học như bình thường”.
Đến sinh viên nhanh hơn đi lại trên giảng đường truyền thống
00h00 ngày 1/4/2020 trở thành dấu mốc đáng nhớ trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”. Việt Nam bắt đầu cách ly toàn xã hội trong 15 ngày.
20h00 tối hôm trước, 31/3, học phần “Những khía cạnh kinh tế của quyền sở hữu trí tuệ” của PGS TS Trần Văn Hải với lớp chuyên ngành Khoa học Quản lý tiếp tục diễn ra y thời khóa biểu.
Không gian căn phòng như thu hẹp lại nơi bàn làm việc, màn hình máy tính và người thầy 63 tuổi đang say sưa giảng bài. Thầy ở nhà một mình từ khi con gái cần mẹ sang giúp trông cháu nghỉ học, như hàng triệu học sinh khác trên cả nước.
Giọng thầy Hải vang, rõ như trên giảng đường truyền thống. Khoảng cách giữa thầy với từng sinh viên như nhau, tuy xa nhưng rất gần. Ai cũng nghe rõ và thảo luận kĩ, bất kể sinh viên đang ở Hà Nội, Nghệ An hay Lào Cai.
Nếu không được gọi tên chỉ định, sinh viên có thể “giơ tay” trả lời hoặc đặt câu hỏi bằng thao tác trên máy tính.
Quá trình giảng giải, trao đổi giữa giảng viên với sinh viên đan xen vài cuộc thảo luận nhóm. Trong khi sinh viên vô tư thảo luận, thầy Hải thao tác tham gia “ẩn danh” vào các nhóm. Chỉ mươi phút, thầy có thể nắm được tình hình trao đổi của từng nhóm, từng cá nhân, “tất nhiên, nhanh hơn cả việc di chuyển bằng đôi chân trên giảng đường truyền thống”.
Giảng đường online của PGS Trần Văn Hải
PGS Trần Văn Hải tâm đắc: “Trên giảng đường truyền thống, sinh viên thấy giảng viên đến thì thảo luận rất sôi nổi, còn khi giảng viên rời đi thì... Hiện tượng này không thể diễn ra đối với giảng đường online”.
Chuẩn bị cho mỗi buổi học online, thầy thường tốn nhiều thời gian hơn. Bao gồm, soạn bài giảng, tải lên hệ thống cho sinh viên tham khảo trước; chuẩn bị các tài liệu khác để bổ sung trong quá trình giảng; soạn trước phần điểm danh cho từng tuần; mở hệ thống trước giờ giảng để sinh viên điểm danh; kiểm tra số lượng sinh viên có mặt; mở giảng đường online; kiểm tra kết nối âm thanh, hình ảnh…
Để đảm bảo chất lượng dạy-học và kiểm tra, thầy Hải áp dụng rất nhiều “bí kíp”. Thầy hướng dẫn sinh viên hạn chế chia sẻ hình ảnh, giúp hệ thống thông suốt. Để đảm bảo sinh viên theo dõi liên tục buổi học, thầy thường hỏi ngẫu nhiên sinh viên bất kỳ về vấn đề vừa giảng. Các nhóm thảo luận cũng được tạo ra một cách ngẫu nhiên và không lặp lại đối với các tình huống thảo luận khác nhau, giảm sự nhàm chán cũng như hạn chế hiện tượng sinh viên ỷ lại, lơ là thảo luận.
Đánh giá về lớp học, thầy cho rằng sinh viên tiếp thu và làm chủ rất nhanh phần mềm nghe giảng online, thái độ và tinh thần làm việc tốt.
“Cho đến thời điểm này, 100% số sinh viên do tôi giảng online đều nộp bài đúng hạn. Tôi rất khắt khe trong việc đánh giá sự trùng lặp giữa các bài của các sinh viên khác nhau. Cách đây ít phút, vừa chấm bài tập của một lớp, tôi nhận thấy họ không sao chép bài của nhau”, PGS Trần Văn Hải khẳng định.
Thầy Hải và các thầy, cô đều phải chấm số lượng bài tập nhiều hơn khi giảng dạy truyền thống. Chưa kể, việc chấm bài online công phu, tỉ mỉ, phải để lại phần bình luận trên hệ thống, chứ không theo kiểu “lời nói gió bay” khi nhận xét bài tập của một sinh viên như ở trên lớp truyền thống.
Theo thầy Hải, với công cụ và quy trình đang có, kết quả học tập của sinh viên, về cơ bản có thể được đánh giá khách quan. “Nếu quy mô của một lớp nhỏ, khoảng 20-30 sinh viên thì kết quả được đánh giá một cách chính xác hơn”, thầy Hải nhận định.
“Thầy nghiêm khắc nhưng có phong cách dạy riêng và cuốn hút, không khác gì so với học trên giảng đường. Yêu kính và trân quý cái tâm của thầy với nghề giáo và sinh viên, nên các thế hệ học trò chúng em thường gọi thầy là “Bố Hải”", Lê Thị Phương Thảo, sinh viên năm ba Khoa học Quản lý kể.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV cho hay, khi các trường bắt đầu triển khai đào tạo trực tuyến một cách quy mô từ ngày 9/3, các văn bản hướng dẫn về tổ chức thực hiện và công nhận kết quả còn chưa đồng bộ, nên một số đơn vị gặp khó khăn nhất định. “Tuy nhiên, các văn bản 795 (ngày 13/3) và 988 (ngày 23/3) của Bộ GD-ĐT đã kịp thời hỗ trợ cho các đơn vị đào tạo. Đặc biệt, văn bản 988 đã phân định rất rõ các nền tảng dạy học trực tuyến khác nhau, đồng thời khẳng định yêu cầu tiếp tục triển khai công tác đào tạo từ xa và đào tạo trực tuyến trong thời gian tới”, thầy Tuấn nhận định. Tính đến đầu tháng 4/2020, sau hơn 3 tuần triển khai, Trường ĐH KHXH&NV có khoảng 300 giảng viên tham gia dạy trực tuyến ở gần 800 lớp môn học; khoảng 40.000 lượt sinh viên học tập hàng tuần. Con số này sẽ tăng nhẹ trong những tuần tới vì một số lớp sau đại học bắt đầu được triển khai. Đến nay, số lớp môn học và lượt người học đạt khoảng 90% so với đăng ký vào đầu học kỳ. |
Theo Khánh Linh/VietNamNet
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/ghi-tu-giang-duong-online-mua-dich-630800.html