11
/
86884
Hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm: “Cuộc đua” công bằng
ho-tro-hoc-phi-sinh-hoat-phi-cho-sinh-vien-su-pham-cuoc-dua-cong-bang
news

Hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm: “Cuộc đua” công bằng

Thứ 6, 21/02/2020 | 13:25:36
516 lượt xem

Người học được hỗ trợ kinh phí kèm theo “điều kiện”, để học xong không đi làm việc khác. Còn các trường sư phạm bắt buộc phải đổi mới để có các “đơn đặt hàng” từ địa phương cũng như thu hút sinh viên. Chất lượng đào tạo cũng công khai, sòng phẳng giữa các trường. 

Hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm là động lực đề nhà trường cũng như người học nâng cao vai trò và vị thế. Ảnh: NT Hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm là động lực đề nhà trường cũng như người học nâng cao vai trò và vị thế. Ảnh: NT

 Thay đổi chính sách

“Chính sách không thu học phí (quy định tại Điều 77, Luật Giáo dục 1998, Điều 89 của Luật Giáo dục 2005) được thực hiện hơn 20 năm qua góp phần tích cực trong việc thu hút SV đăng ký vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, thực tế nhiều sinh viên ra trường không làm đúng ngành gây lãng phí ngân sách Nhà nước” - ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) nêu vấn đề.

Theo ông Trần Tú Khánh, kết quả điều tra cho thấy chỉ có khoảng 70% SV sư phạm ra trường làm đúng ngành nghề được đào tạo. Bên cạnh đó, kinh phí cấp chi thường xuyên cho cơ sở đào tạo sư phạm còn hạn chế, trong khi các trường không được thu học phí, dẫn đến thiếu nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, đặc biệt trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.

Để khắc phục những hạn chế của chính sách đã áp dụng suốt thời gian dài, cùng với việc Quốc hội thông qua Luật Giáo dục 2019, đã đến lúc cần thay đổi phương thức hỗ trợ tiền học phícho HS, SV sư phạm. Bên cạnh đó, Luật cũng đã quy định SV tốt nghiệp ra trường không công tác trong ngành GD phải bồi hoàn kinh phí. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính nhấn mạnh.

Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ tháng 7/2020. Để triển khai các quy định tại Luật Giáo dục 2019, ngày 26/7/2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 936/QĐ-TTg giao Bộ GD&ĐT xây dựng dự thảo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với HS, SV sư phạm.

Nội dung chính tại dự thảo nghị định quy định chính sách hỗ trợ HS, SV sư phạm. Theo đó, các em sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí (học phí và sinh hoạt phí). Mức hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo GV nơi HS, SV sư phạm theo học, nhưng tối đa không vượt mức trần học phí theo quy định của Chính phủ. Mức hỗ trợ sinh hoạt phí là 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí trong thời gian học tập tại trường tương đương với mức hỗ trợ sinh hoạt phí của lưu HS Lào, Campuchia đang theo học tại Việt Nam.

Đặc biệt, để việc đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng, dự thảo Nghị định quy định về đặt hàng giao nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và các quy định cụ thể tại Nghị định này, nhằm mục đích gắn trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý từ đặt hàng đào tạo đến khâu tuyển dụng, bố trí việc làm sau khi SV tốt nghiệp. Quy định này giúp hạn chế việc đào tạo tràn lan, đào tạo vượt nhu cầu sử dụng, khắc phục tình trạng GV thiếu, thừa cục bộ tại các địa phương. Thêm nữa, gắn trách nhiệm của địa phương sẽ giúp cho phương án thu hồi, hoàn trả kinh phí bồi hoàn thuận lợi, khả thi.

Đổi mới chính sách học phí cho SV sư phạm tác động đến cả tâm lý xã hội. Ảnh:  NVCC

Công khai, minh bạch chất lượng

Dưới góc nhìn người trong cuộc, PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội chia sẻ: “Chính sách hỗ trợ tiền học phí, chi phí sinh hoạt cho SV sư phạm có ảnh hưởng đến nhiều phương diện. Trong đó, tác động lớn nhất gồm: Hỗ trợ sinh viên có điều kiện học tập tốt hơn; giảm gánh nặng tài chính cho sinh viên và gia đình. Bên cạnh đó, ở khía cạnh tâm lý xã hội, chính sách này có thể khiến những người học sư phạm cảm thấy nghề nghiệp mình lựa chọn được xã hội coi trọng”.

PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền cũng cho biết: Khảo sát gần 700 SV, cha mẹ SV, giảng viên về mức hỗ trợ chi phí sinh hoạt cần thiết dành cho SV sư phạm, có tới 80% cho rằng chính sách hỗ trợ chi phí sinh hoạt cần thiết dao động ở mức 4 - 5 triệu đồng/tháng. Việc hỗ trợ như vậy sẽ giúp HS, SV yên tâm học tập, có cơ hội trau dồi kiến thức, kỹ năng, trách nhiệm, thái độ và gắn kết với nghề sư phạm lâu dài.

“Một điểm quan trọng cần nhấn mạnh đó là sự hỗ trợ này từ Nhà nước, có thể giúp các thí sinh khi đăng ký theo học ngành sư phạm sẽ cân nhắc, lựa chọn tốt hơn trường sư phạm muốn theo học, dựa trên các yếu tố chất lượng đào tạo, khả năng có việc làm và cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai” - PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền bày tỏ.

Xu hướng phát triển hiện nay cho thấy các trường ÐH đang đối diện với vấn đề cạnh tranh, thu hút SV. Do đó, các trường ĐH sư phạm để có SV theo học cũng phải nâng cao chất lượng, tạo uy tín và thương hiệu. Trên thực tế, mỗi trường sư phạm có hình ảnh và thương hiệu khác nhau. Sự đầu tư bằng công sức, trí tuệ và cả vật chất để phát triển, duy trì thương hiệu là cả một quá trình dài lâu.

PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền nhìn sâu hơn vào vấn đề: “Chính sách đào tạo theo đơn đặt hàng dựa trên chi phí đào tạo được các nhà trường xây dựng nếu xét theo cơ chế cạnh tranh, các trường ĐH nói chung và các trường sư phạm nói riêng sẽ phải cạnh tranh về mức học phí tương quan với chất lượng đào tạo, nhằm thu hút SV.

Việc cạnh tranh để thu hút các “đơn đặt hàng” đào tạo nhân lực sẽ giúp các cơ sở đào tạo GV nâng cao chất lượng, tập trung phát triển cơ sở vật chất, đồng thời thúc đẩy quá trình tự chủ và phát triển của nhà trường. Và một khi đã có cạnh tranh trong giáo dục ÐH, cũng cần có những cơ chế, chính sách thắt chặt trách nhiệm giải trình trong quản lý chất lượng giáo dục, nhằm bảo đảm tạo nên “cuộc đua” công bằng giữa các trường trong nâng cao chất lượng”.

Nghị định mới sẽ giúp HS, SV sư phạm yên tâm học tập, không phải lo tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt, thu hút được người giỏi vào học ngành sư phạm, xây dựng cơ chế đào tạo gắn với việc sử dụng SV sau tốt nghiệp. Khắc phục cơ bản tình trạng thừa thiếu giáo viên, tăng hiệu quả sử dụng ngân sách, gắn nhu cầu đào tạo với nhu cầu sử dụng, đảm bảo được nguồn kinh phí thực hiện chính sách đồng thời sử dụng nguồn ngân sách hỗ trợ đúng mục đích, hiệu quả. - ông Trần Tú Khánh 

Theo An Nhiên/Giáo dục và Thời đại

https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/ho-tro-hoc-phi-sinh-hoat-phi-cho-sinh-vien-su-pham-cuoc-dua-cong-bang-4066206-b.html

  • Từ khóa

Trường đại học Y Hà Nội dự kiến mở ngành công tác xã hội

Năm 2025, Trường đại học Y Hà Nội dự kiến sẽ mở thêm 2 ngành đào tạo mới, gồm ngành công tác xã hội và ngành kỹ thuật hình ảnh y học.
10:47 - 13/01/2025
51 lượt xem

Truyền thông quốc tế quan tâm đến chiến lược giáo dục mới của Việt Nam

Các chính sách mới đây của Đảng và Nhà nước về giáo dục ĐH và khoa học công nghệ đã thu hút sự quan tâm của các kênh truyền thông quốc tế, được đánh giá...
09:48 - 13/01/2025
65 lượt xem

Liên thông trong đào tạo: Tuyển sinh thế nào?

Theo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, tuyển sinh liên thông được thực hiện theo một trong hai hình thức...
07:41 - 13/01/2025
140 lượt xem

Vì sao giải thể Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục ĐH?

Ban chỉ đạo đổi mới giáo dục ĐH được thành lập ngày 6.2.2006, đến nay đã chính thức giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ...
13:16 - 12/01/2025
586 lượt xem

Quản lý dạy thêm, phải trị bệnh tại căn

Thông tư số 29/2024 tập trung các biện pháp hành chính như kiểm soát số lượng giờ dạy thêm, yêu cầu giáo viên đăng ký lớp học thêm với cơ quan chức năng,...
09:21 - 12/01/2025
688 lượt xem