Các chuyên gia giáo dục cho rằng, đề xuất cho học sinh nghỉ 4 kỳ/năm là ý tưởng hay phù hợp với chương trình GDPT mới, nhưng cần đánh giá thận trọng.
Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 ngày 14/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở GD-ĐT đề xuất Bộ GD-ĐT về việc xây dựng kế hoạch tổ chức 4 kỳ nghỉ/năm cho học sinh như ở nhiều quốc gia khác.
Theo ý kiến của ông Chung, nếu cho học sinh nghỉ 4 kỳ/năm thì tổng thời gian nghỉ vẫn là 3 tháng, trong đó nghỉ hè 35 ngày, nghỉ Tết khoảng 1 tháng, 2 kỳ nghỉ còn lại mỗi kỳ kéo dài 2 tuần.
Ông Chung cho rằng, việc này đảm bảo kích cầu tiêu dùng và phân luồng, bố trí lại tình hình giao thông của thành phố tốt hơn.
Theo đề xuất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, mỗi năm học sẽ có 4 kỳ nghỉ. (Ảnh minh họa)
Hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới?
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án nghỉ 4 kỳ trong năm. Thầy Bình cho rằng, hiện nay năm học được chia ra làm 2 kỳ, học sinh học liên tục trong 9 tháng rồi nghỉ 3 tháng hè, tạo ra áp lực trong việc học hành. Việc nghỉ dài ngày khiến học sinh cảm thấy khó khăn khi bắt lại nhịp học tập ở năm học mới. Hơn thế, nhiều học sinh cũng không được nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng mà thường phải tham gia các lớp học hè, học thêm...
“Việc này phù hợp với xu thế của nhiều nước trên thế giới hiện nay, một năm học chia ra làm nhiều kỳ nghỉ khác nhau. Học một thời gian, học sinh được nghỉ, điều này không có nghĩa là học sinh nghỉ hẳn, mà các em được tham gia các hoạt động trải nghiệm, tăng cường kỹ năng sống, thầy cô cũng có thời gian tập huấn. Như hiện nay, toàn bộ thời gian nghỉ dồn vào dịp hè, việc tập huấn giáo viên cũng không hiệu quả. Nếu chia ra làm 4 đợt nghỉ, thời gian tập huấn sẽ rải đều ra các thời điểm trong năm, tránh tình trạng no dồn đói góp”, thầy Bình nêu ý kiến.
Thầy Nguyễn Quốc Bình cho rằng, cần thay đổi quan điểm, nghỉ không có nghĩa là học sinh không tham gia bất cứ hoạt động nào. Các trường, phụ huynh có thể tận dụng thời gian này để học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm, thực hành những kỹ năng, kiến thức đã được học vào thực tế, hoặc giáo viên giao cho học sinh những dự án nhỏ để hoàn thành. Như vậy, học sinh vẫn được học, nhưng học một cách nhẹ nhàng, không áp lực, rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, học đi đôi với hành. Theo quan điểm của thầy Bình, điều này cũng rất phù hợp với mục tiêu và tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới. Vừa giảm những áp lực học tập cho học sinh, vừa tăng cường thời gian thực hành, trải nghiệm trong cuộc sống.
Theo thầy Bình, nếu chia ra làm 4 kỳ nghỉ trong năm, việc thi cử của học sinh cũng không bị ảnh hưởng, bởi theo chương trình giáo dục phổ thông mới, hướng tới tổ chức nhiều kỳ thi đánh giá một năm, như vậy các trường, các địa phương có thể chủ động chọn lựa, sắp xếp tùy vào thực tế.
Đánh giá đây là ý tưởng hay, song thầy Nguyễn Quốc Bình cho rằng, để hiện thực hóa, cần có những bước đi cụ thể, sự tính toán cẩn trọng. Bộ GD-ĐT cần đưa ra khung chương trình chung, các mốc thời gian quan trọng như thời điểm bắt đầu, kết thúc năm học..., còn việc phân bổ thời gian cụ thể tùy vào điều kiện của từng địa phương. Đơn cử như ở khu vực miền núi phía bắc, mùa đông khắc nghiệt hơn, thì có thể kéo dài thời gian nghỉ vào những tháng mùa đông hơn so với các địa phương khác.
Còn theo TS Vũ Thu Hương, (ĐH Sư phạm Hà Nội), người có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục, thực tế từ năm 1956, khi Việt Nam có nền giáo dục thống nhất, học sinh đã có 4 kỳ nghỉ trong năm. Thời gian nghỉ hè vẫn kéo dài 3 tháng, những kỳ nghỉ còn lại chỉ dài từ 1-2 ngày.
TS Vũ Thu Hương cho rằng, việc chia ra nhiều kỳ nghỉ khác nhau trong năm với thời gian mỗi đợt nghỉ ngắn hơn sẽ giúp giảm tình trạng học thêm tràn lan.
“Vừa bắt đầu nghỉ hè, nhiều bố mẹ lo con nghỉ dài ngày, sốt ruột nên tìm đủ lớp học thêm để bắt con học nhiều hơn. Nghỉ hè, nhiều học sinh vẫn phải học miệt mài trong các lớp học thêm, các trung tâm ngoại ngữ, các lớp học kỹ năng. Thậm chí, bố mẹ cũng không có nhiều thời gian trò chuyện, giao lưu với con trong thời gian nghỉ hè, trẻ phải chạy hết từ lớp nọ sang lớp kia. Nếu nghỉ với thời gian ngắn hơn, bố mẹ sẽ không thể gửi con đến các lớp học thêm, buộc phải có sự quan tâm hơn đối với con”, cô Hương nêu ý kiến.
Chuyên gia giáo dục này cũng đồng quan điểm cho rằng việc phân chia nhiều kỳ nghỉ sẽ phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai trong năm học tới, giúp học sinh có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động trải nghiệm.
Về góc độ tâm lý, TS Vũ Thu Hương nhận định phương án này giúp giảm những áp lực, căng thẳng cho học sinh, thay vì học liền trong 9 tháng. “Tâm lý trẻ sẽ cảm thấy hào hứng với việc học hơn là bị dồn hết vào cùng một lúc. Các con sẽ nghĩ, chỉ cần cố học 1 chút nữa sẽ đến kỳ nghỉ, điều này cũng tạo ra những hứng thú và động lực học tập, khiến trẻ cảm thấy dễ chịu hơn”.
Cần nghiên cứu phù hợp với thực tế
Song bên cạnh đó, TS Vũ Thu Hương cũng cho rằng, nếu năm học có 4 kỳ nghỉ, cần có sự thống nhất và xây dựng lại chương trình giảng dạy cho phù hợp với thời gian năm học. Đối với giáo viên, việc thay đổi các kỳ nghỉ cũng dễ xảy ra sự mất ổn định, do đó cần nghiên cứu kỹ trước khi áp dụng.
“Đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ, có lộ trình thực hiện rõ ràng, không phải cứ thấy hay là làm”, TS Hương nhấn mạnh.
Còn theo TS Nguyễn Tùng Lâm, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, đề xuất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội hay nhưng cần nghiên cứu kỹ, đánh giá thực tiễn. Bởi thực tế, khí hậu của Việt Nam có sự khác biệt rõ rệt giữa 2 miền. Miền Nam có khí hậu tương đối ôn hòa hơn, học sinh có thể đi học bất kỳ tháng nào trong năm, nhưng miền Trung và miền Bắc những tháng mùa hè thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nhiều tháng nhiệt độ cao hơn 40 độ C, nếu phải đi học sẽ vất vả cho cả thầy cô giáo và học sinh./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/cho-hoc-sinh-nghi-4-ky-1-nam-y-tuong-hay-nhung-can-than-trong-1012376.vov