Khi trẻ nghỉ học dài ngày, cha mẹ thường lo lắng rằng trẻ sẽ quên đi những kiến thức mà chúng đã được học ở trường. Những cách sau đây sẽ giúp thu hút trẻ vào việc trau dồi khả năng ngôn ngữ ngay cả trong kỳ nghỉ.
Tạo một cuốn sổ lưu niệm cho kỳ nghỉ
Chụp những bức ảnh gia đình và lưu vào trong một cuốn sổ lưu niệm. Trẻ có thể tự viết chú thích cho những bức ảnh bằng tiếng Anh, thậm chí chia sẻ thêm những cảm xúc, kỷ niệm cần lưu lại về bức ảnh ấy.
Đối với trẻ lớn hơn có thể ghi lại những khoảnh khắc của mọi người trong gia đình và dựng lại thành một video phim ngắn. Đây có thể là một cách ý nghĩa để lưu lại những kỷ niệm vô giá.
Nhận xét sách và phim
Cha mẹ có thể đưa trẻ đến thư viện để mượn những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi, sau đó lên kế hoạch đọc sách trong kỳ nghỉ. Khi đọc xong, cha mẹ có thể khuyến khích chúng tóm tắt ngắn gọn câu chuyện, nêu cảm nghĩ của bản thân về một nhân vật yêu thích hoặc đưa ra một đề xuất ngắn gọn nào đó. Tất cả những điều này đều được viết bằng tiếng Anh. Cha mẹ có thể áp dụng cách này tương tự với những bộ phim trẻ đã xem.
Cha mẹ có thể khuyến khích trẻ tóm tắt ngắn gọn câu chuyện, nêu cảm nghĩ của bản thân về một nhân vật yêu thích bằng tiếng Anh.
Chơi trò chơi ngôn ngữ
Dịp nghỉ là thời gian tuyệt vời để trẻ trau dồi khả năng ngôn ngữ. Cha mẹ có thể dạy trẻ học thông qua các trò chơi. Ví dụ, đối với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể in hình những sự vật, đồ dùng hằng ngày gần gũi trong cuộc sống, bên dưới mỗi hình là một ô trống để trẻ điền từ vựng tiếng Anh thích hợp vào.
Đối với trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể kẻ một bảng có rất nhiều ô, trong mỗi ô là một chữ cái để trẻ tìm ra các từ vựng có nghĩa. Các từ có thể được giấu theo chiều dọc, chiều ngang và đường chéo. Khi trẻ tìm ra những từ đó, cha mẹ hướng dẫn trẻ đọc to, đúng và khoanh từ đó lại. Trò chơi này sẽ rèn luyện cho trẻ sự tinh mắt, nhanh tay và giúp tăng vốn từ trong tích tắc.
Sáng tác truyện
Các thành viên trong gia đình có thể tham gia vào hoạt động này bằng cách lựa chọn những thẻ hình ảnh để kể thành một câu chuyện. Với mỗi hình ảnh lựa chọn, các thành viên phải thêm 1-2 câu kể bằng tiếng Anh nối tiếp người đằng trước để tạo thành một câu chuyện hoàn chỉnh.
Cùng nhau tạo ra những câu chuyện là cách tuyệt vời để trẻ học từ vựng cũng như xây dựng cấu trúc truyện. Đồng thời, điều này cũng kích thích sự sáng tạo trong trẻ để tạo ra những cốt truyện thú vị, thậm chí có chút khác thường.
Viết nhật ký
Cha mẹ có thể khuyến khích trẻ quan sát mọi thứ xung quanh – những gì có thể nhìn, nghe và cảm nhận được, sau đó viết ra một cuốn sổ nhật ký bằng tiếng Anh.
Đối với trẻ lớn hơn có thể viết blog, thậm chí là sáng tác một bài thơ để ghi lại những trải nghiệm của chính mình.
Tạo một bản tin
Cha mẹ có thể khuyến khích con bắt kịp những vấn đề thời sự bằng cách đọc báo hay xem TV. Từ những gì nghe được, trẻ có thể tự tạo ra một bản tin riêng, ngắn gọn được viết bằng tiếng Anh, sau đó trình bày chúng lên khổ giấy A4.
Đối với trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ diễn đạt lại những tin tức ấy bằng một đoạn văn, đồng thời có thể bày tỏ quan điểm hay bài học rút ra được sau những thông tin ấy.
Theo Trường Giang/VietNamNet (nguồn Young Parents)
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/nhung-cach-thu-vi-de-cai-thien-tieng-anh-cua-tre-khi-nghi-hoc-dai-ngay-617860.html