Một số nhà nghiên cứu, giáo viên cho rằng thay vì cho học sinh nghỉ 3 tháng hè như hiện nay, phương án học 2 kỳ với nhiều lần nghỉ trong năm có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, thay vì áp dụng ngay thì cần phải nghiên cứu kĩ.
Nhiều nước trên thế giới đã sắp xếp năm học với 4 kỳ nghỉ.
Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chiều 14/2, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Sở GD&ĐT nghiên cứu xây dựng đề án để thời gian tới có ý kiến đề xuất Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ tính toán lại lịch năm học.
Theo ông Chung, nhiều nước trên thế giới đã sắp xếp năm học với 4 kỳ. Họ đã nghiên cứu kỹ, chúng ta cũng nên xem xét để có điều tiết lại việc này không? Nếu có thể, chúng ta cho nghỉ hè từ 35 ngày, nghỉ Tết khoảng 1 tháng, 2 kỳ còn lại mỗi kỳ nghỉ 2 tuần. Cuối cùng, học sinh vẫn được nghỉ 3 tháng.
Theo TS Vũ Thu Hương, nhà nghiên cứu giáo dục độc lập cho rằng, việc cho học sinh nghỉ hè 3 tháng như ở Việt Nam cũng được nhiều nước áp dụng. Về ý kiến của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, theo TS Hương có thể nói rất nhiều ưu điểm.
Theo TS Hương, các phụ huynh không thể ép con đi học thêm nhiều được nữa vì mỗi kì nghỉ đều quá ngắn. Học thêm hết thì các con không còn thời gian nghỉ ngơi gì. Vì thế, nạn học thêm tràn lan sẽ chấm dứt.
Mặt khác theo bà Hương, các con được cắt ngắn bớt thời gian học. Điều đó giúp các con giảm áp lực học tập, hào hứng và kiên trì học hơn.
Cũng theo bà Hương, các phụ huynh có được kĩ năng giáo dục và chăm sóc khi con nghỉ học ở nhà. Chắc chắn các phụ huynh không phải kêu ca nhiều về chuyện phải lo kiếm người trông con nữa. Mọi việc sẽ phải có kế hoạch cụ thể và chi tiết cho từng gia đình.
“Một ưu điểm của đề xuất này nữa các con sẽ có thêm thời gian trải nghiệm thực tế, phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới 2020 sắp áp dụng”- TS Hương nhấn mạnh.
Nói về đề xuất thay đổi lịch các kỳ nghỉ trong năm, cô Đỗ Thị Dung, giáo viên trường THCS Dương Liễu, Hà Nội, cho rằng một năm 2 học kỳ và nhiều lần nghỉ nhỏ sẽ hợp lý hơn là nghỉ một lần vào 3 tháng hè.
Với bối cảnh hiện nay, theo cô Dung, chúng ta cần điều chỉnh kỳ nghỉ cho hợp lý. Hiện, nghỉ hè thì quá dài trong khi giữa hai học kỳ không có thời gian nghỉ.
Không thể làm ngay, cần tính toán kĩ
“Có 1 điều nữa là khi trẻ nghỉ quá nhiều, làm sao để các con vẫn giữ được niềm say mê học tập và khám phá cũng là câu hỏi đặt ra cho các thầy cô”- TS Hương băn khoăn.
Cô Đỗ Ngọc Dung cũng cho rằng, việc thay đổi luôn thành 4 kì nghĩ cần tính toán kĩ. Bởi lẽ, theo cô Dung, học sinh vùng ngoại thành Hà Nội nơi cô đang dạy, sau kỳ nghỉ Tết có 8 ngày đã tổ ra uể oải, giáo viên thường mất 1-2 tuần để lập lại nề nếp học cho học sinh.
“Nay thay vì thế, giáo viên và học sinh có thêm 3 kì nghỉ nữa, đặc biệt là kì nghỉ Tết đến 35 ngày thì sức ì của học sinh quá lớn. Trong khi đó, phần lớn học sinh ở nông thôn, ngoại thành của Hà Nội đều chưa có tính tự giác học cao như ở các nước phát triển. Vì thế, thay bằng cho thành 4 kì nghỉ thì chỉ tăng chút một. Chẳng hạn, thêm ở kì nghỉ đông là phù hợp”- cô Dung chia sẻ.
Mặt khác, theo cô Dung, nếu có thêm kì nghỉ, thì các trường cần được phép triển khai các hoạt động trải nghiệm trong thời gian nghỉ, học sinh vẫn có thể đến trường và phụ huynh không cần quá lo đến việc thuê người trông con", cô Dung đề xuất.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM cho rằng, từ trước đến nay chúng ta chỉ quen với kì nghỉ hè dài cho nên việc đề xuất thành nhiều kì nghỉ cần tính toán phải chi tiết và lên kế hoạch kỹ lưỡng.
Ông Phú ý kiến, các bộ ngành cần họp bàn kĩ, phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể vì học sinh cả nước có những kỳ thi chung. Hơn nữa, phải tính nghỉ làm sao để việc chuyển cấp từ tiểu học lên THCS, từ THCS lên THPT rồi kế hoạch tuyển sinh đại học không bị xáo trộn.
Theo Đỗ Hợp/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/giao-duc/rut-ngan-thoi-gian-nghi-he-tang-them-ky-nghi-lieu-co-kha-thi-1520377.tpo