11
/
86583
Thay đổi kế hoạch thời gian năm học hướng tới quyền lợi của học sinh
thay-doi-ke-hoach-thoi-gian-nam-hoc-huong-toi-quyen-loi-cua-hoc-sinh
news

Thay đổi kế hoạch thời gian năm học hướng tới quyền lợi của học sinh

Thứ 7, 15/02/2020 | 14:22:32
422 lượt xem

Trao đổi cụ thể về việc thay đổi kế hoạch thời gian năm học do học sinh phải nghỉ học vì dịch bệnh COVID-19, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, khẳng định tinh thần hướng tới lợi ích của người học; cơ quan quản lý giáo dục địa phương, thầy cô có thể vất vả hơn để dành thời gian cho học sinh ôn tập, có kiến thức vững chắc để đạt kết quả tốt hơn.

PGS Nguyễn Xuân Thành. 

Điều chỉnh nhưng không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch năm học sau

- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh covid-19, Bộ GD&ĐT sẽ lùi thời điểm kết thúc năm học. Ông có thể cho biết cụ thể hơn việc này?

Bộ GD&ĐT sẽ căn cứ vào tình hình thực tiễn diễn biến của dịch bệnh để điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học; có thể từ 1 đến 2, thậm chí là 3 tuần nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp và thời gian học sinh tạm nghỉ học tại địa phương kéo dài, để các địa phương xây dựng kế hoạch học bù bảo đảm khả thi và thực hiện chất lượng, hiệu quả. Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để địa phương, cơ sở giáo dục điều chỉnh kế hoạch năm học, bố trí việc dạy học bù, bảo đảm yêu cầu kiến thức cho học sinh trước khi học sinh đi học trở lại.

- Nếu thời gian kết thúc năm học lùi lại, thời điểm thi THPT quốc gia liệu có muộn hơn so với năm trước?

Hiện nay, Bộ GD&ĐT vẫn chưa có hướng dẫn về tổ chức thi THPT quốc gia. Tùy tình hình diễn biến dịch bệnh và thời gian học sinh tạm nghỉ học tại các địa phương, Bộ GD&ĐT sẽ xác định thời điểm tổ chức kỳ thi phù hợp với thời điểm kết thúc năm học đã được điều chỉnh.

Trong Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT ban hành khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng từ năm học 2017 - 2018 trong toàn quốc có quy định một số mốc thời gian như: kết thúc năm học trước ngày 31/5 hằng năm; xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 15/6 hằng năm; hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 31/7 hằng năm. Nếu lùi thời điểm kết thúc năm học thì những mốc thời gian trên cũng phải điều chỉnh, trên nguyên tắc làm sao để mốc cuối cùng không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch năm học tiếp theo.

Khi điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học, với tinh thần hướng tới lợi ích của người học, thời gian để chuẩn bị và tổ chức các kỳ thi chuyển cấp có thể ngắn hơn, các cơ quan quản lý giáo dục, thầy cô có thể vất vả hơn để dành thời gian cho học sinh ôn tập, có kiến thức vững chắc để đạt kết quả tốt hơn.

Có nên cho nghỉ để học thay 3 tháng hè?

- Có ý kiến cho rằng, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nên chăng cho học sinh nghỉ dài và để các con học bù trong 3 tháng hè. Ông nghĩ sao?

Không đơn giản như vậy vì còn thời điểm chuyển cấp với các học sinh cuối cấp, mà việc chuyển cấp thì không thể chuyển sang năm học sau. Do đó, khi điều chỉnh thời gian năm học, Bộ GD&ĐT cũng phải tính chuyện này. Cụ thể, như thời điểm tổ chức thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT cũng phải tính toán lùi hơn các năm học trước tương ứng với việc lùi thời điểm kết thúc năm học, nhưng phải làm sao không ảnh hưởng lớn đến kế hoạch năm học tiếp theo.

Trong công văn số 335/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT hướng dẫn chuẩn bị các điều kiện khi học sinh trở lại trường sau thời gian tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh nCoV cũng ghi rõ: Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, các sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh, thành phố việc quyết định thời gian cho các đối tượng học sinh được nghỉ học hoặc đi học trở lại phù hợp với lứa tuổi và khu vực; đồng thời, xây dựng kế hoạch học bù cho học sinh tại địa phương theo nguyên tắc phải bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục theo quy định.

Bố trí thời gian học bù hợp lý, không khiến học sinh quá căng thẳng

- Có thể bố trí thời gian học bù như thế nào khi học sinh các địa phương đều phải nghỉ học dài vì dịch bệnh?

Trong khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD&ĐT, mỗi học kỳ đều có một tuần đệm, như là tuần dự phòng để đảm bảo có thể linh hoạt trong xây dựng kế hoạch thời gian năm học tại địa phương (khung thời gian năm học của Bộ là 37 tuần, trong khi chương trình học thì được thiết kế chỉ 35 tuần). Do đó, các địa phương, nhà trường có thể sử dụng quỹ thời gian này và thời gian kéo dài năm học để bố trí dạy học bù.

Bên cạnh đó, chương trình 35 tuần được thiết kế học 1 buổi/ngày. Đối với các trường có đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày thì việc bố trí dạy bù sẽ thuận lợi hơn vì nhà trường có đủ phòng học cho tất cả học sinh học cả ngày. Đối với các trường dạy 1 buổi/ngày, tuỳ điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, có thể bố trí lần lượt cho mỗi lớp học sinh được học bù một số buổi mỗi tuần để bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình học.

- Nếu vì quỹ thời gian ít, trường hợp nhà trường phải bố trí học sinh học bù vào cả thứ 7, chủ nhật liệu quá căng thẳng với học sinh?

Quan điểm của tôi là học bù nhưng cũng phải có thời gian hợp lý để học sinh nghỉ ngơi. Địa phương, nhà trường cần tính toán thời gian học bù phù hợp, hài hòa giữa việc học và nghỉ ngơi. Trong thời gian học bù, các em có thể phải học vất vả hơn bình thường nhưng cũng không nên quá sức; vì nếu ép quá cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả việc học.

Trường hợp đặc thù sẽ có phương án đặc thù

- Với địa phương tâm dịch như Vĩnh Phúc, học sinh có thể phải nghỉ dài hơn các tỉnh khác thì sao, thưa ông?

Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng của học sinh, thầy cô giáo. Như trường hợp Vĩnh Phúc, học sinh có thể phải nghỉ dài hơn thì địa phương phải nỗ lực hơn; đến thời điểm đi học, học sinh sẽ phải cố gắng hơn so với các địa phương khác để bù lại thời gian đã nghỉ.

Bộ GD&ĐT cũng đã có đề nghị, trong thời gian cho học sinh tạm nghỉ học, các sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình và sự liên lạc giữa giáo viên (nhất là giáo viên chủ nhiệm) với học sinh để giao nhiệm vụ học tập và hướng dẫn học sinh tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường; khuyến khích giáo viên giao cho học sinh các nhiệm vụ học tập có sự kết hợp giữa việc ôn tập, hệ thống hóa kiến thức và việc vận dụng kiến thức trong phòng, chống bệnh dịch COVID-19.

Trong trường hợp cá biệt, học sinh phải nghỉ quá dài, Bộ GD&ĐT sẽ có phương án đặc thù theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền, Bộ sẽ xin ý kiến cơ quan cấp trên để giải quyết.

- Xin cảm ơn PGS!

- Nhiều ý kiến vẫn thắc mắc về việc Bộ GD&ĐT không quyết định cho học sinh nghỉ học. Ông có thể giải thích thêm, dù Bộ đã đã từng có ý kiến về nội dung này?

Điều này phải thực hiện theo quy định của pháp luật mà cụ thể ở đây là Nghị định số 127 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục. Một trong những trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của UBND cấp tỉnh (được quy định tại khoản 3, Điều 6, Nghị định 127) là: Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; bảo đảm đủ biên chế công chức quản lý giáo dục, đủ số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm được phê duyệt, đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, tiến tới tổ chức học 2 buổi/ngày ở giáo dục phổ thông; chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động giáo dục, chất lượng giáo dục, quản lý đội ngũ công chức, viên chức, người lao động và người học thuộc phạm vi quản lý.

Căn cứ vào đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT ban hành khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng từ năm học 2017 - 2018 trong toàn quốc.

Điều 4 của Quyết định 2071 ghi rõ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định: Kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp với thực tiễn của địa phương; Thời gian nghỉ học và thời gian kéo dài năm học trong trường hợp đặc biệt. Dịch bệnh COVID-19 là trường hợp đặc biệt, nên Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thời gian nghỉ học của học sinh trên địa bàn.

Theo Hiếu Nguyễn/ GD&TĐ

https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/thay-doi-ke-hoach-thoi-gian-nam-hoc-huong-toi-quyen-loi-cua-hoc-sinh-4065205-v.html

  • Từ khóa

Trường đại học Y Hà Nội dự kiến mở ngành công tác xã hội

Năm 2025, Trường đại học Y Hà Nội dự kiến sẽ mở thêm 2 ngành đào tạo mới, gồm ngành công tác xã hội và ngành kỹ thuật hình ảnh y học.
10:47 - 13/01/2025
40 lượt xem

Truyền thông quốc tế quan tâm đến chiến lược giáo dục mới của Việt Nam

Các chính sách mới đây của Đảng và Nhà nước về giáo dục ĐH và khoa học công nghệ đã thu hút sự quan tâm của các kênh truyền thông quốc tế, được đánh giá...
09:48 - 13/01/2025
54 lượt xem

Liên thông trong đào tạo: Tuyển sinh thế nào?

Theo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, tuyển sinh liên thông được thực hiện theo một trong hai hình thức...
07:41 - 13/01/2025
124 lượt xem

Vì sao giải thể Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục ĐH?

Ban chỉ đạo đổi mới giáo dục ĐH được thành lập ngày 6.2.2006, đến nay đã chính thức giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ...
13:16 - 12/01/2025
571 lượt xem

Quản lý dạy thêm, phải trị bệnh tại căn

Thông tư số 29/2024 tập trung các biện pháp hành chính như kiểm soát số lượng giờ dạy thêm, yêu cầu giáo viên đăng ký lớp học thêm với cơ quan chức năng,...
09:21 - 12/01/2025
676 lượt xem