Trong xã hội hiện đại, việc giáo dục giá trị và hành vi ứng xử của giới trẻ đang bị phê phán là quá cứng nhắc và hạn hẹp bởi bị giới hạn trong 4 bức tường và 8 tiếng. Do đó, cha mẹ cần tận dụng những khoảng thời gian ý nghĩa như dịp nghỉ Tết cổ truyền để giáo dục giá trị và hành vi ứng xử cho trẻ.
Ngày Tết trong ký ức của nhiều người lớn là dịp đoàn viên, không khí những ngày giáp Tết thường thật rộn ràng, náo nức. Trong gia đình, từ già trẻ, gái trai đều hào hứng lau dọn trang hoàng nhà cửa, đi chợ mua sắm cây quất, cành đào cùng nhau.
Cảm giác thích nhất của Tết là được ngồi canh nồi bánh chưng, vừa lùi khoai, nướng ngô và nghe ông bà kể chuyện về bố mẹ ngày xửa ngày xưa.
Tết của những ngày xưa cũ là khi cả gia đình quây quần bên nhau cắn hạt dưa và chuyện trò rôm rả, là ngồi xem bà hay mẹ xào mứt dừa, mứt táo…
Cuộc sống hiện đại làm cho con người ngày càng trở nên vội vã, không khí Tết truyền thống vì thế mà cũng trở nên phai nhạt hơn.
Tác giả bài viết - PGS.TS Trần Thành Nam
Áp lực học tập và hoạt động trong năm quá nhiều nên những ngày lễ Tết ai cũng muốn được nghỉ ngơi, vui chơi và không phải làm gì.
Trong những ngày nghỉ Tết, trẻ vẫn được các thầy cô giao nhiều bài tập để khỏi bị bánh chưng làm xao lãng thói quen học tập.
Chính vì vậy, những giá trị ngày Tết truyền thống, những hoạt động trong ký ức người lớn xưa chỉ còn được phản ánh mơ hồ trong sách vở chứ ít khi được đắm mình trong bầu không khí ấy.
Trong xã hội hiện đại, việc giáo dục giá trị và hành vi ứng xử của giới trẻ đang bị phê phán là quá cứng nhắc và hạn hẹp.
Chúng bị giới hạn trong hai thứ: Đó là 4 bức tường và 8 tiếng. Nội dung giáo dục giá trị và hành vi ứng xử bị giới hạn trong chương trình và sách giáo khoa, giới hạn trong 4 bức tường của lớp học và 8 tiếng mà đứa trẻ hoạt động ở trường.
Dường như chưa có nhiều sự kết nối giữa kiến thức nhà trường và cuộc sống. Sự tiếp nối và phối hợp các bài học ngoài không gian lớp học chưa được gia đình và phụ huynh chú ý nhiều.
Học sinh Hà Nội gói bánh chưng ngày Tết. (ảnh minh họa)
Trong bối cảnh như vậy, cha mẹ cần tận dụng những khoảng thời gian ý nghĩa như dịp nghỉ Tết cổ truyền để giáo dục giá trị và hành vi ứng xử cho trẻ.
Cần thay đổi quan niệm xưa cũ là cứ học để biết đã rồi mới cho làm. Với Tết, cần tạo điều kiện để con trẻ được làm, được trải nghiệm trước qua đó chú tâm và tự ngấm những giá trị của cái Tết truyền thống.
Cha mẹ cần chú ý để tổ chức cho con có thể tham gia cùng vào các hoạt động gói bánh chưng, sắp xếp mâm ngũ quả, viết lời chúc tốt đẹp để gửi đến người khác.
Trao cho con trẻ những cơ hội để được tự tay giúp bố mẹ một số công việc vừa sức chuẩn bị Tết là cách tự nhiên và gần gũi nhất để giúp trẻ hiểu sâu sắc hơn những giá trị truyền thống của Tết Việt Nam.
Nếu có kế hoạch đưa trẻ về quê ăn Tết với ông bà, cha mẹ hãy nói về nó một cách đầy hứng thú.
Nói với trẻ như đây là một cơ hội để con có thể khám phá được những thông tin thú vị về ông bà, bố mẹ và cả cô chú của con nữa.
Hãy để Tết là cơ hội để giúp trẻ hiểu được ý nghĩa đoàn viên và những giá trị của gia đình. (Ảnh: Minh hoạ).
Ví dụ như bố mẹ và cô chú hồi nhỏ thế nào. Hồi con mới chào đời mọi thứ ra sao? Ông bà có tài lẻ đặc biệt nào không mà "cưa đổ" được nhau. Hỏi xem ông bà có bí quyết gì mà sống với nhau lâu thế mà không cãi nhau…
Cha mẹ cũng có thể suy nghĩ đến những dạng lì xì thật độc đáo, ý nghĩa mà không quá gắn với tiền để nhân cơ hội giáo dục cho trẻ về ý nghĩa chúc nhau may mắn, chúc ông bà sống khỏe trong phong tục lì xì.
Thay vì lì xì tiền, bố mẹ có thể lì xì sách, lì xì những voucher phần thưởng hoạt động mà con thích (như được tham gia câu lạc bộ nhảy) hay những phần thưởng tinh thần (như được cùng bố mẹ đi xem một bộ phim, chơi đá bóng cùng bố, mời bạn đến nhà chơi…).
Hãy để Tết với trẻ không chỉ đơn giản là thời điểm được nghỉ học, được mặc quần áo đẹp hay nhận phong bao lì xì. Hãy để Tết là cơ hội để giúp trẻ hiểu được ý nghĩa đoàn viên và những giá trị của gia đình.
PGS. TS Trần Thành Nam
(Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội)
https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/giao-duc-tre-dieu-gi-qua-ngay-tet-20200120125709077.htm