Thi tuyển lớp 10 với môn thi tổ hợp đang là xu hướng được nhiều tỉnh, thành lựa chọn nhằm đổi mới phương thức đánh giá học sinh. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, nhiều giáo viên cho rằng thực tế hình thức này đang tăng thêm áp lực cho cả học sinh lẫn đội ngũ nhà giáo. Việc thi tuyển sinh lớp 10 vốn dĩ nên được coi là “phổ thông” lại khốc liệt hơn cả vào đại học.
Nhiều thay đổi trong thi tuyển sinh lớp 10 đang khiến cho cuộc đua 1 suất vào Trung học phổ thông căng thẳng hơn cả thi đại học. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn
Nhiều tỉnh chọn thi tổ hợp
Các địa phương đang bắt đầu công bố phương án chính thức cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2020. Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết kỳ thi vào lớp 10 trung học phổ thông năm 2020 về cơ bản sẽ giống năm 2019. Theo đó, kỳ thi gồm 3 bài thi: Toán, Ngữ văn và tổ hợp kiến thức 2 môn (gồm tiếng Anh và một trong số các môn còn lại: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân). Môn thứ 4 sẽ được Sở Giáo dục và Đào tạo bốc thăm và công bố vào đầu tháng 4.2020.
Theo kế hoạch tuyển sinh vừa công bố, tỉnh Nghệ An tổ chức thi tuyển vào lớp 10 trong 2 ngày 6 và 7.6 bằng 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn) và 1 bài thi tổ hợp. Thay vì 3 môn thi trong bài thi tổ hợp như năm học 2019-2020 thì năm 2020-2021 chỉ còn 2 môn thi. Bài thi tổ hợp sẽ gồm ngoại ngữ và 1 môn thành phần khác sẽ chọn và công bố vào tuần đầu tháng 4.2020.
Các thí sinh của tỉnh Vĩnh Phúc cũng dự thi 3 môn thi bắt buộc là Toán, Văn và bài thi tổ hợp. Bài thi tổ hợp sẽ vẫn gồm kiến thức 3 môn: Tiếng Anh, môn Khoa học xã hội (chọn 1 trong các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân) và môn Khoa học tự nhiên (chọn 1 trong các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học). Như vậy học sinh Vĩnh Phúc sẽ phải làm 5 bài thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Số lượng câu hỏi và thời gian cũng tăng hơn so với năm 2019.
Thêm áp lực?
Về những đổi mới trong thi tuyển, thạc sĩ Nguyễn Hương – giáo viên một trường tại Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho rằng thi nhiều môn sẽ buộc học sinh phải học một cách toàn diện, tránh việc học tủ, học lệch. Nữ giáo viên cũng mong rằng việc đổi mới thi đánh giá toàn diện hơn học sinh, thay đổi tư tưởng thi gì học nấy vẫn tồn tại nhiều năm qua.
Ở góc nhìn khác, cô giáo Phạm Thái Lê (giáo viên môn Ngữ văn, Trường Marie Curie, Hà Nội) cho rằng: Việc thay đổi thi tuyển 2 môn rồi 3 môn, 5 môn khiến tình hình “loạn cả lên”. Việc điều chỉnh này khiến cho cả người dạy, người học, phụ huynh không yên tâm. Theo nữ giáo viên, việc thi tổ hợp hay tách bạch, thi trắc nghiệm hay tự luận không quan trọng bằng việc xác định rõ được các yêu cầu cụ thể.
Đầu tiên, cần xác định bên tuyển sinh cần những gì chỉ tiêu hay chất lượng? Tổng số học sinh dự thi vào lớp 10 hầu hết vẫn phân bổ về các trường trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên để các em được học lớp 10. Vậy việc thay đổi về thi cử “cải tiến hay cải lùi” hoàn toàn không giải quyết được bản chất vấn đề của dạy và học, cách đánh giá học sinh hiện nay.
Bà Lê cũng cho rằng, nhiều nơi việc thay đổi và đặc biệt là thời điểm thông báo môn thi đến tận học kỳ 2 hay trước thi 2-3 tháng mới thông báo là không nên. “Mọi phương án thi cần được công khai rõ ràng từ đầu năm học. Gia tăng áp lực cho trò là điều tôi luôn phản đối và phản đối đầu tiên. Chúng ta không thể để thi vào lớp 10 mà căng thẳng hơn thi đại học như nhiều người vẫn nhận định hiện nay”, nữ giáo viên thẳng thắn bày tỏ.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Loan - giáo viên Trường THCS Vũ Tiến, Vũ Thư, Thái Bình bày tỏ rằng thi vào lớp 10 hiện nay của nước ta nói chung đang khó khăn và phức tạp trong cách thức tuyển sinh, phương pháp ra đề. Việc này dẫn đến những khó khăn trong dạy và học, trong ôn thi không chỉ cho giáo viên và học sinh mà vất vả khổ sở cho cả phụ huynh tốn kém ngược xuôi lo cho con học thêm chỗ này chỗ kia.
Theo bà Loan, cách thức thi tuyển môn thứ 3 với hình thức tổ hợp thực tế đang “chạy theo” cách thức thi trung học phổ thông quốc gia hiện nay. Các nhà giáo dục muốn làm quen, đón đầu nhưng có thể một số nơi chưa phù hợp với năng lực học tập của học sinh và cả điều kiện thực tế.
“Học và thi các môn cũng tốt nhưng thực tế giáo dục của chúng ta đang phổ cập các bậc học phổ thông. Vậy tại sao phải “đánh đố” việc thi chuyển cấp một cách máy móc tốn kém cả sức lực và tiền của? Cuối cùng thì học sinh giỏi, chăm chỉ hay trung bình lười học cũng đều vào lớp 10. Thậm chí, có những sự thật đến “buồn cười” như có trường thi 3 môn 10 điểm cũng đỗ, có trường 3 môn 36 điểm vẫn trượt? Vô tình, càng đổi mới lại tạo tiêu cực cho giáo dục như nạn dạy thêm tràn lan, chạy điểm chạy trường... Vì thế, nhà nước và ngành giáo dục cần nghiên cứu kỹ lưỡng việc thi chuyển cấp”, giáo viên Nguyễn Thị Loan bày tỏ.
Nữ giáo viên cũng đề xuất: Độ tuổi 14-15, các em đang chịu áp lực quá sức cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vì thế thay vì thi tuyển có thể xét tuyển bằng điểm học bạ nhằm giảm áp lực cho các em.
Theo Huyên Nguyễn/Lao động
https://laodong.vn/giao-duc/doi-moi-tuyen-sinh-lop-10-tranh-hoc-tu-hay-them-ap-luc-778560.ldo