Vũ Thị Hường (còn gọi là Jen Vuhuong) sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo với nhiều định kiến. Cô bé đen xì mặc quần đùi áo cộc đi chăn trâu, đánh dậm, từng bị người trong làng gọi là "quái thai"... đã có sự thay đổi ngoạn mục để bước ra khỏi lũy tre làng, vươn ra thế giới, trở thành thủ khoa 2 tấm bằng thạc sĩ quốc tế.
Điều “không thể”
“Không thể đâu. Đừng mơ mộng nữa. Cháu chỉ là đứa trẻ nhà quê. Lấy chồng sinh con, có một cuộc sống ổn định là được”.
“Sao đứa con gái này lạ lùng thế, suốt ngày quần đùi áo cộc, đen xì”.
“Thật là một đứa trẻ quái thai”.
“Sao trên đời lại có đứa con gái xấu thế này”…
Đó là những nhãn mác mà những người xung khi ở làng quê của Hường đã dán lên cô khi cô chia sẻ về mong muốn vào trường Bách Khoa, hay được học bổng toàn phần để đi nước ngoài để mở mang đầu óc, làm được một điều gì đó giúp đỡ gia đình và mọi người xung quanh.
Những lời nói vô tình đó đã khiến cô bé Vũ Hường thuở nhỏ cảm thấy cay đắng, tự khép mình lại, ít nói, lầm lì, bướng bỉnh, và không muốn kết nối với mọi người.
Thế nhưng bây giờ đứa trẻ lầm lì cay đắng đó đã trở thành một người kỹ sư luôn lạc quan, thích chia sẻ và hiện giờ đang làm việc trong lĩnh vực viết, đào tạo để giúp người khác tin và hành động với tiềm năng thực sự của họ để tạo giá trị.
Vũ Thị Hường.
Nơi Hường sinh ra là một vùng quê nghèo và thanh bình ở Việt Nam, gia đình cô 5 anh chị em nhưng một người đã mất từ bé. Thời thơ ấu của cô gắn với làm đồng, chăn trâu, cắt cỏ, bắt cả.
"Bố mẹ tôi làm 4 công việc khác nhau (làm ruộng, công tác ở xã, bán muối/bán rau, làm thuê) để nuôi 4 anh chị em tôi. Anh chị tôi cũng rất tự lập từ bé, đi làm đồng giúp bố mẹ, đi chợ bán hàng và anh chị tự làm việc kiếm tiềm để trang trải học hành.
Gia đình cũng cứu tôi trải qua những lần thập tử nhất sinh – gần bị bắt cóc, tai nạn mất hơn 1 lít máu, gần chết đuối. Nhìn gia đình vất vả nhưng luôn dành nhiều tình thương yêu cho tôi và tấm gương của anh chị - tôi có một niềm khao khát làm một điều gì đó để thay đổi cuộc sống đó", Hương kể.
Thế nhưng cô vẫn luôn tự nhủ sẽ cố gắng hết mình để đạt được mục tiêu và làm gia đình tự hào. Hường rèn cho mình thói kỷ luật từ bé, học lúc chăn trâu, học lúc nấu cơm, thức đến gần 12 giờ, dậy lúc 4- 5 giờ để học.
Cuối cùng, cô đỗ trường Đại học Bách khoa (với điểm tổng kết 8.14/10), giành được học bổng tài năng và trở thành nhân viên của phòng nghiên cứu và phát triển ở Samsung – và sau đó được 2 học bổng toàn phần danh giá của Liên minh châu Âu và Chính phủ Anh là Erasmus và Chevening - để học 2 bằng thạc sĩ ở Tây Ban Nha và ở Anh Quốc.
Hường nhận giải thưởng Học giả nghiên cứu sinh xuất sắc tại Anh.
Với kỷ luật bản thân được rèn từ bé, Hường hàng ngày đến lớp, tập trung cao độ, luôn chủ động hỏi thầy cô giáo cả trên lớp và sau lớp, rồi lên thư viện ngay sau lớp tan để đọc và nghiên cứu thêm các khía cạnh liên quan đến bài giảng của thầy cô.
Hường cũng chủ động lập nhóm học để chia sẻ kiến thức với các bạn trong lớp. Dù đâu đó có cảm giác ngại khi hỏi vì sợ sai hay sợ phán xét, Hường tự nói với mình nếu càng sợ, càng phải học, hỏi, chia sẻ nhiều hơn.
Nhờ sự nỗ lực hết mình, cô gái Việt xuất sắc đạt Thủ khoa trong cả hai bằng thạc sĩ (Cải tiến kinh doanh và quản lý kỹ thuật ở Tây Ban Nha; Quản lý Quốc tế ở Anh).
Không những thế, luận văn thạc sĩ thứ nhất của Hường đã được chuyển thành bài báo quốc tế trên tạp chí Education Innovation, một luận văn chuyển thành sách với nhà xuất bản Mỹ - Business Expert Press.
"Bạn thì sao? Bạn muốn làm gì? Mục tiêu của bạn làm gì? Và đã có ai đó đã nói với bạn rằng bạn không thể chưa? Bạn đã làm gì với tiếng nói đó? Bạn tin họ hay bạn lựa chọn sẽ tiếp tục bước đi để tiến tới mục tiêu!
Tôi thật cảm ơn gia đình đã cho tôi niềm khát khao vươn lên để tôi vượt lên tiếng nói nhỏ ở bên ngoài! Thực sự, sẽ khó khăn khi có người ngoài không tin vào bạn - nhưng sự thật là khó khăn lớn nhất không nằm ở đó – mà là chính bạn nói với bạn!", Hường chia sẻ.
Tìm đam mê
Hường xác định vào Bách Khoa để biết về kỹ thuật và để có cơ hội tìm học bổng dễ hơn, nhưng cô có cảm giác rất rõ nghề kỹ sư không phải nghề cả đời của mìnhđể giúp mọi người, nhưng cô cũng chưa biết nghề mình muốn theo đuổi cả đời là gì.
Khi bước vào đại học, Hường đã muốn được nói lên suy nghĩ của mình. Cô đã đi học nói và trở thành một kỹ sư có khả năng diễn thuyết tốt.
Cô vào Samsung, và nhờ làm việc tốt và nói tốt, Hường được đào tạo nhân viên mới. Đó là lúc tôi cảm nhận được một cảm giác thực sự mình được sống – khi nhìn thấy mọi người nói tự tin qua các buổi chia sẻ của cô. Dần dần, cô đã tự quyết định sẽ biến đó thành nghề của mình.
Hường và một người bạn thân sau đó thành lập một cộng đồng giúp mọi người nói tự tin hơn. Ban ngày cô đi làm toàn phần thời gian, tối đến lại đến cộng đồng. Sau một năm, hai người dừng lại để tiếp tục đi học bồi bổ thêm kiến thức kinh doanh.
Hường hiện đang làm việc trong lĩnh vực viết, đào tạo để thúc đẩy người khác tin và hành động với tiềm năng thực sự của họ tạo giá trị.
Hường sang Tây Ban Nha học. Trong quá trình này, cô đã trau dồi khả năng tổ chức sự kiện ở môi trường quốc tế và có được mạng lưới rộng rãi.
Cô bắt đầu viết cuốn sách đầu tiên để chia sẻ về sứ mệnh cuộc đời được truyền cảm hứng bởi gia đình. Cô về Việt Nam và mong sẽ tiếp tục dự án đào tạo của mình, nhưng lại cảm thấy hoang mang không biết bắt đầu như thế nào.
Gia đình quá lo lắng khi thấy con gái không đi làm một việc ổn định sau khi có bằng thạc sĩ nước ngoài mà cứ đi làm những sự kiện chia sẻ cộng đồng – sự việc không tên.
Day dứt, dằn vặt tội lỗi vì để gia đình lo lắng nhưng mặt khác khao khát theo đuổi đam mê thúc, Hường đã "chạy trốn" sang Malaysia và làm cố vấn kỹ thuật để có thể vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê nghề nghiệp mới của mình.
Quyết định thay đổi cuộc đời
Hàng ngày đi làm ở công ty, sáng và tối dành cả tâm sức cho tổ chức sự kiện và học viết, học nói, đọc sách, đi học các chương trình đào tạo.
Sau gần hai năm làm ở Malaysia, cô hoàn thành cuốn sách đầu tay và đã phát triển được khả năng nói tốt hơn, giành được giải nhất trong một cuộc thi nói. Cô nghỉ việc kỹ sư để tạo bước bứt phá trong nghề đào tạo và viết của mình.
Nhưng vì không có một dự tính tài chính rõ ràng, cô bị kiệt quệ về tài chính.
“Và mỗi ngày nghe gia đình gọi hỏi và lo lắng về mình, tôi lại thấy bị giằng xé và tội lỗi. Lần nào bố mẹ gọi điện cũng nhận thấy một sự cay đắng trong giọng của bố mẹ - vì bình thường ai đi nước ngoài là phải giàu có về tài chính – tôi thì lại chuyển nghề, cuộc sống chưa ổn định.
Tôi đã bị kiệt quệ về tinh thần. Tôi bắt đầu cô lập không nói chuyện với mọi người, thấy bế tắc, trở nên trầm cảm…và thậm chí không muốn sống – tôi nghe thấy tiếng nói “không thể” đến từ chính mình…
Đến thời điểm hiện tại, cô gái 8X đang làm trong lĩnh vực đào tạo, viết diễn thuyết và huấn luyện viên phát triển con người và tiềm năng lãnh đạo.
Hường đã có cơ hội xuất bản 5 cuốn sách: Nonstop loving, Living and Giving (2015 - Amazon), The Goal Achiever (9 tư duy nền tảng để chinh phục mục tiêu) (2016 - Amazon; 2019 - Nhà xuất bản Phụ nữ), Unleash Your Passion (2017 - Amazon), The Leadership Development Journey (2018 - Nhà xuất bản Business Expert Press, Mỹ), The Best You Journal (30 ngày thay đổi thói quen) (2019 - Alphabooks).
Cô đã tổ chức chương trình hội thảo phát triển con người ở các nước khác nhau: Anh Quốc (tại Bristol), Việt Nam (tại Hà Nội), Malaysia (tại Penang).
Hường là đại diện Việt Nam đi tham gia sự kiện nói trước đám đông quốc tế trong hai năm 2018 và 2019. Cô đã có cơ hội đi chia sẻ câu chuyện của mình trên gần 20 nước trên thế giới.
Hường (áo đỏ) chia sẻ câu chuyện về hành trình của mình với các bạn bè quốc tế tại Anh.
Cô hiện tại cũng là nhà cố vấn cho các chương trình phát triển con người và khởi nghiệp ở một số tỉnh thành, là người sáng lập ra nhiều chương trình về phát triển con người và tiềm năng lãnh đạo…
“Tôi tin bạn có thể nếu bạn bước một bước mỗi ngày, ra khỏi nỗi sợ không thể đó! Bước một bước nữa thôi, bạn sẽ ra khỏi vòng xoáy đó để hành động trên sự có thế!”, Hường nhấn mạnh.
“Và hôm nay tôi mời bạn bắt đầu! Bạn có thể biến điều không thể thành có thể….Khi bạn không ngừng. Sống hết mình để tốt hơn mỗi ngày, yêu thương một cách mở lòng, và cho đi một cách vui vẻ. Bạn có thể!”, Hường nhấn mạnh.
Bí quyết để đạt được những bước ngoặt trong cuộc sống của nữ cựu du học sinh đến từ 4 thành tố:
1. Xác định mục tiêu: Xác nhận lại điều bạn thực sự muốn làm và tại sao nó lại quan trọng để bạn đạt được.
2. Kế hoạch hành động: Từ những mục tiêu đó, xác định những kỹ năng thiết yếu cần phát triển và lên kế hoạch 30, 60, 90 ngày để phát triển nó.
3. Thay đổi niềm tin: Công nhận tất cả các cảm giác sợ hãi, tiếng nói nhỏ đến với bạn khi bạn đặt mục tiêu và gắn ý nghĩa tích cực cho cảm giác đó để bạn hành động thay vì dừng lại. Làm một thứ bất kỳ để ra khỏi cái trạng thái đó (ví dụ đi chạy, nghe một đoạn video tích cực, đi tắm…).
4. Kết nối với mạng lưới những người cầu tiến và có tư duy cống hiến, giúp đỡ người khác trên cùng hành trình.
Theo Lệ Thu/Dân trí
https://duhoc.dantri.com.vn/du-hoc/tu-dua-tre-cay-dang-den-thu-khoa-2-bang-thac-si-quoc-te-20200101190020956.htm