Từ năm 2020, các vận động viên thể thao thành tích cao của Việt Nam sẽ được ưu tiên tạo việc làm sau khi giải nghệ. Với những vận động viên có thành tích đặc biệt xuất sắc sẽ được ưu tiên xét tuyển vào đại học Kinh tế.
Kình ngư Trần Hưng Nguyên (17 tuổi) giành 2 HCV SEA Games 30. Với thành tích này, Hưng Nguyên sẽ có cơ hội được học đại học Kinh tế và xin việc làm sau khi giải nghệ - Ảnh: MINH MINH
Suốt bao năm qua nỗi lo lớn nhất với các vận động viên (VĐV) thể thao chính là sẽ học gì, làm gì để nuôi sống bản thân sau khi từ giã sự nghiệp. Vì mối lo "đầu ra" mà nhiều gia đình, VĐV đã từ bỏ đam mê thể thao do không nhìn thấy tương lai.
Sau thành công vang dội của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30, ngày 28-12-2019, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã ký hợp tác với Tổng cục TDTT để "tạo việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho các VĐV thể thao có thành tích cao sau khi không còn thi đấu chuyên nghiệp".
Theo đó, từ năm 2020, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam sẽ hỗ trợ đào tạo nghề cho các VĐV đạt thành tích cao khi không còn thi đấu chuyên nghiệp. Hỗ trợ tiếp nhận các VĐV đạt thành tích cao khi không còn thi đấu chuyên nghiệp vào các vị trí phù hợp để làm việc tại các doanh nghiệp của hội viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.
Đối với các dự án của các VĐV đạt thành tích cao có tính khả thi, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam sẽ hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp.
Trước đó, vào tháng 10-2019, Tổng cục TDTT cũng ký thỏa thuận hợp tác với Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) về việc triển khai chương trình đào tạo hệ cử nhân, thạc sĩ cho các VĐV đạt thành tích xuất sắc.
Theo đó, bắt đầu từ năm học 2020 - 2021, Trường đại học Kinh tế sẽ mở chương trình đào tạo bậc cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh dành cho đối tượng cán bộ, VĐV, cựu VĐV, các tài năng thể thao.
Các VĐV đã giành thành tích đặc biệt xuất sắc như HCV Asiad, đạt chuẩn hay giành huy chương Olympic... sẽ có cơ hội được xét tuyển vào học tại Trường đại học Kinh tế.
Các VĐV thể thao thành tích cao Việt Nam có thể yên tâm tập luyện, thi đấu khi cơ hội được đi học đại học Kinh tế, xin việc làm đã được mở ra - Ảnh: MINH MINH
Trường đại học Kinh tế cho biết sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ các sinh viên về chương trình học cho phù hợp với đặc thù của các VĐV khi vừa thi đấu, vừa tham gia học.
Trường sẽ kêu gọi tài trợ để hỗ trợ học phí, miễn toàn bộ hay một phần học phí cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hoặc đạt thành tích đặc biệt.
Ông Vương Bích Thắng - tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết việc ký thỏa thuận với Trường đại học Kinh tế và Hội doanh nhân trẻ Việt Nam là bước đột phá với ngành thể thao.
Đây là cơ hội để các VĐV có điều kiện được học thêm chuyên ngành mới ngoài lĩnh vực thể thao, hi vọng có công việc ổn định sau khi chia tay sự nghiệp. Việc này sẽ giúp các VĐV yên tâm tập luyện, thi đấu vì màu cờ sắc áo Tổ quốc.
Theo Khương Xuân/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/tu-nam-2020-van-dong-vien-dinh-cao-se-duoc-tao-viec-lam-hoc-dai-hoc-kinh-te-20200101122419913.htm