Chỉ một bước đi sai, không ít sinh viên, học viên cao học bị đình chỉ, hủy toàn bộ kết quả học tập trong suốt nhiều năm.
Nhiều sinh viên đã bị buộc thôi học, hủy kết quả. Công sức học tập mấy năm trời thành con số 0
Mỗi năm, trung bình có khoảng 5% sinh viên các trường bị đình chỉ học tập. Ngoài phần lớn sinh viên bị đình chỉ do kết quả học tập yếu, không ít sinh viên bị đình chỉ, đuổi học vì gian lận thi cử, sử dụng bằng, chứng chỉ giả.
Điều đáng nói là trong số này không ít người đã hoàn thành chương trình học, chuẩn bị tốt nghiệp. Đa số trường hợp bị buộc thôi học do sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
Trả giá vì bằng, chứng chỉ giả
N.V.T. là sinh viên khóa 2011 Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM). Năm 2019 là hạn chót trong thời gian đào tạo. T. đã hoàn thành chương trình, chỉ còn thiếu chứng chỉ TOEIC để được xét tốt nghiệp. T. đã nộp chứng chỉ với hi vọng tốt nghiệp trong giai đoạn gia hạn cuối.
Tuy nhiên tháng 11-2019, nhà trường đã ra quyết định buộc thôi học đối với T. vì sử dụng chứng chỉ TOEIC giả. T. bị hủy kết quả học tập, không được tham gia bất cứ hệ đào tạo nào của trường trong thời gian 5 năm. Như vậy, công sức, thời gian trong 8 năm của T. đã đổ sông đổ biển chỉ vì chứng chỉ ngoại ngữ giả.
Đây không phải là trường hợp cá biệt tại đây. Năm 2018, một sinh viên ngành hệ thống thông tin cũng bị buộc thôi học vì sử dụng chứng chỉ TOEIC giả. TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghệ thông tin - cho biết không ít sinh viên lo đi làm, không chú tâm chuyện học dẫn đến việc làm nông nổi như trên vì đã đến hạn chót thời gian đào tạo. Hầu như năm nào cũng có trường hợp như vậy.
Trường ĐH Duy Tân cũng vừa có quyết định buộc thôi học đối với 2 sinh viên hệ liên thông từ CĐ lên ĐH ngành dược do sử dụng bằng CĐ giả để đăng ký, dự thi và nhập học vào trường.
Ông Nguyễn Thôi - trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Duy Tân - cho biết: "Sau một năm nhập học sinh viên phải nộp bằng chính để trường đối chiếu, hậu kiểm. Một số đơn vị cấp bằng phản hồi chậm nên có trường hợp sinh viên học đến năm thứ 3 mới bị buộc thôi học, hủy toàn bộ kết quả.
Những năm trước trường cũng phát hiện trường hợp tương tự và kỷ luật buộc thôi học. Đa số những người sử dụng bằng giả đều đã đi làm nhưng chưa có bằng cấp nên họ đã mua bằng đâu đó, sau đó đăng ký dự thi vào trường".
Trường ĐH Nông lâm TP.HCM buộc thôi học một sinh viên sau khi hai lần nhờ người thi hộ chuẩn đầu ra tiếng Anh. Ông Đặng Kiên Cường - trưởng phòng công tác sinh viên - cho biết một sinh viên bị đình chỉ học tập một năm vì nhờ người thi hộ. Hết thời hạn, sinh viên này tiếp tục nhờ người thi hộ nên bị buộc thôi học, hủy kết quả.
Không chỉ sinh viên ĐH, ngay cả học viên cao học cũng bị buộc thôi học vì hành vi tương tự. Tháng 4-2019, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) đã có quyết định hủy kết quả học tập đối với 3 học viên cao học của trường vì nộp cho trường chứng chỉ TOEIC giả.
ThS Phùng Quán, trưởng phòng thông tin - truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên, cho biết những học viên này đã hoàn thành chương trình học, chỉ còn chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định chuẩn đầu ra để tốt nghiệp. Cả ba đã nộp chứng chỉ ngoại ngữ TOEIC cho trường nhưng sau khi hậu kiểm xác định là chứng chỉ giả, trường đã đình chỉ học tập, hủy kết quả học thạc sĩ và cấm thi cao học vào trường trong thời gian 3 năm.
Tăng hậu kiểm
Số sinh viên bị đình chỉ học tập có thời hạn ở các trường khá nhiều, hầu hết do thuê người thi hộ hoặc thi hộ. Gần đây, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) cũng đã đình chỉ học tập một năm đối với một sinh viên chính quy nhờ người thi hộ 2 môn. Tháng 6-2019, Học viện Ngân hàng đã có quyết định kỷ luật 14 sinh viên. Trong đó, nặng nhất là một sinh viên bị đình chỉ học tập một năm do thuê người khác thi hộ 3 môn học.
Năm 2018, Trường ĐH Kinh tế quốc dân quyết định kỷ luật đình chỉ học tập một kỳ, thông báo toàn trường đối với 20 sinh viên nhờ người thi hộ, trong số này có một người sử dụng chứng minh thư giả. Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cũng đình chỉ học tập một năm đối với 18 sinh viên có hành vi nhờ người thi hộ chuẩn đầu ra tiếng Anh...
Hiện nay các trường áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ là các kỳ thi nội bộ hay các chứng chỉ quốc tế. Thực tế, việc phát hiện nhiều văn bằng, chứng chỉ giả khiến các trường đẩy mạnh hậu kiểm trong nhiều năm qua cũng như liên tục nhắc nhở sinh viên, khi phát hiện xử lý rất nghiêm. Những giải pháp rắn này đã phần nào làm giảm bớt tỉ lệ sinh viên vi phạm.
ThS Nguyễn Văn Đương - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết trước đây mỗi năm trường phát hiện gần 10 trường hợp sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ giả và sinh viên bị đình chỉ học tập ít nhất một năm.
"Chính vì việc hậu kiểm gắt gao, không sót lọt trường hợp nào nên sinh viên e dè, không dám sử dụng. Gần đây trường không còn phát hiện trường hợp nào sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ giả" - ông Đương nói.
Sinh viên phải phân bổ thời gian hợp lý
Theo ông Đặng Kiên Cường, đa số trường hợp bị đình chỉ học tập do nhờ người thi hộ tiếng Anh chuẩn đầu ra là sinh viên năm cuối hoặc sắp hết thời gian đào tạo. Rất nhiều sinh viên chưa ra trường nhưng đã đi làm, lương cao.
Ông Cường chia sẻ: "Vòng xoáy cuộc sống, kiếm tiền đã cuốn các em đi xa giảng đường và các em cũng quên luôn nhiệm vụ chính của mình là học để lấy bằng trước. Điều quan trọng nhất là sinh viên phải chủ động học tập, làm chủ và phân phối thời gian hợp lý. Thời gian làm việc còn rất dài nhưng thời gian học chỉ trong giới hạn nhất định".
Theo Minh Giảng/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/sai-mot-li-di-ca-4-nam-hoc-20191226083305006.htm