Thời điểm này, học sinh các trường trên cả nước đang tất bật chuẩn bị cho kiểm tra học kỳ 1 năm học 2019-2020. Đây cũng là thời kỳ căng thẳng của nhiều gia đình, nhất là gia đình có con học cuối cấp.
Mỗi khi đến kỳ kiểm tra đánh giá, học sinh lại chịu nhiều áp lực, căng thẳng. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.
Stress vì ôn thi căng thẳng
Trên một diễn đàn dành cho học sinh mới đây, một nữ sinh đang học lớp 9 đã đăng dòng trạng thái bày tỏ sự hoảng sợ của mình trong đợt kiểm tra học kỳ. Theo học sinh này, em vốn là một học sinh giỏi nhiều năm liền, luôn là niềm tự hào của bố mẹ, thầy cô. Tuy nhiên gần đây em bị áp lực gần như trầm cảm.
“Em nhốt mình trong phòng với những đề cương dày cộp đến 1 - 2 giờ sáng, ôn không vào nhưng không ngủ được. Thi học kỳ em sợ điểm sẽ không cao, em sợ nhìn vào ánh mắt thất vọng của ba mẹ lắm”- nữ sinh này tâm sự.
Đề cương ôn tập thường bao trùm hết chương trình. Có nơi môn học nào cũng có đề cương dài cả chục trang để học sinh ôn luyện. Cũng vì điều này, mỗi khi tới mùa ôn tập, kiểm tra học kỳ, học sinh lại căng thẳng, bố mẹ cũng đứng ngồi không yên.
Anh Nguyễn Thành Nam (có con học lớp 4 tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết mấy ngày nay vợ chồng anh to tiếng với nhau chỉ vì chuyện thi học kỳ của con. Con thuộc dạng học giỏi trong lớp và mẹ cháu mong muốn lên cấp 2 sẽ cho cháu thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Đây là trường có yêu cầu đầu vào rất khắt khe, với phương thức xét tuyển kết hợp điểm học bạ và đánh giá năng lực. Quy định đưa ra là vòng sơ tuyển học bạ của học sinh sẽ phải đạt hầu hết là 10. Điều này buộc các học sinh muốn đủ điều kiện thì phải có điểm kiểm tra cuối kỳ toàn 10.
“Vì muốn đạt được mục tiêu này nên vợ tôi ép con học, chuẩn bị thật tốt cho đợt kiểm tra học kỳ. Có hôm 23h đêm con vẫn miệt mài ngồi học. Thấy con "bơi" trong đống đề cương ôn tập, nhắc con đi ngủ thì hai vợ chồng lại to tiếng vì không đồng quan điểm trong cách giáo dục con”- anh Nam nói.
Không nên lạm dụng đánh giá định kỳ
Với các học sinh cuối cấp, việc kiểm tra học kỳ càng trở nên căng thẳng hơn khi nhiều nơi coi đây như một kỳ thi để sát hạch học sinh, chuẩn bị cho đợt ôn thi chuyển cấp. Thường đề thi sẽ do quận, Phòng giáo dục ra theo cấu trúc đề thi chuyển cấp của thành phố. Vì điều này mà nhiều học sinh ví von “thi học kỳ căng thẳng không kém thi tốt nghiệp”.
Mới đây sự cố ra đề thi quá khó với học sinh của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân (Hà Nội) là một điển hình. Đề thi không phù hợp với năng lực học sinh khiến 70% số em học lớp 9 của quận có điểm Toán dưới trung bình. Điều này khiến cả học sinh và phụ huynh đều lo lắng.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng việc kiểm tra định kỳ hiện nay đang bị lạm dụng, chạy theo điểm số để xếp hạng.
Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Phó Trưởng ban phụ trách Ban nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), đánh giá định kỳ hiện nay đang gây nên áp lực cho học sinh bởi bị biến thành kỳ thi phân loại, tuyển chọn.
Thông thường, các nhà trường, các phòng giáo dục/ sở giáo dục sẽ tổ chức đánh giá định kỳ về học tập vào giữa/cuối học kì, cuối năm học. Việc này đã gây ra khá nhiều “tội lỗi” cho nền giáo dục. Đầu tiên là khiến cho giáo viên, phụ huynh, học sinh… quá chú trọng vào điểm đánh giá mà “ép” học sinh. Thành ra “thi gì học nấy”, học để thi chứ không phải học để hiểu, để biết.
“Ma trận đề thi thế nào, kiểu đề thi thế nào…, người ta sẽ làm quen, ôn luyện, để có bằng được kết quả tốt. Nếu không, học sinh bị điểm kém, chất lượng của lớp/của trường không cao, giáo viên sẽ gánh tội”, PGS Chu Cẩm Thơ nói.
PGS Chu Cẩm Thơ cho rằng nếu còn duy trì việc dùng kết quả đánh giá học kỳ để xếp hạng, thì khó thay đổi được chất lượng giáo dục.
Theo Bích Hà/Lao động
https://laodong.vn/giao-duc/con-tram-cam-cha-me-to-tieng-vi-thi-hoc-ky-774212.ldo