Vũ Lê Hoàng Mai Anh (17 tuổi), cô gái xinh xắn đến từ trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam vừa nhận thư trúng tuyển kèm học bổng toàn phần lên đến 7 tỷ đồng từ Hội đồng tuyển sinh ĐH Chicago, ngôi trường top 6 nước Mỹ nơi GS Ngô bảo Châu đang giảng dạy - nơi có tỷ lệ chấp nhận học sinh cực thấp.
University of Chicago (Uchicago) làtrường đại học nằm trong top 10 trường đại học tốt nhất nước Mỹ, năm 2019 trường được xếp hạng #6NU – top 6 đại học quốc gia Mỹ, chỉ đứng sau một số trường như Princeton, MIT, Harvard, … và còn được đánh giá cao như các trường thuộc khối Ivy League.
Bên cạnh đó, Uchicago nổi tiếng là ngôi trường có tỷ lệ chấp nhận học sinh cực thấp - chỉ khoảng 7% và năm 2018 ghi nhận mức thấp kỷ lục 5.9% (theo Chicagomaroon).
Vậy đâu là lý do khiến cô gái Việt Vũ Lê Hoàng Mai - học sinh Anh 1 trường Ams được nhận vào ngôi trường danh giá này với học bổng toàn phần gần 7 tỷ đồng? Liệu có phải bởi hậu thuẫn tài chính, có giải thưởng quốc tế hay bài luận thể hiện bản thân như một "ngôi sao"?
Hoàng Mai là một cô gái nhỏ nhắn với nụ cười tươi và luôn giữ bản thân bận rộn với việc học tập hoặc nghiên cứu một thứ gì đó. Em có sở thích đọc sách trinh thám, sách về vật lý lượng tử và các thông tin về ứng dụng khoa học vào đời sống.
Hoàng Mai - cô gái nhiệt huyết và quyết tâm của lớp Chuyên Anh 1 trường Hà Nội Amsterdam
Quyết định táo bạo khi apply vào ngôi trường hàng đầu nước Mỹ
Hoàng Mai chia sẻ em rất đam mê học và đọc sách, đặc biệt là các tri thức về vật lý: bao gồm lý thuyết lượng tử (về vũ trụ, hạt cơ bản, thuyết đa tuyến tính của không – thời gian…) tới các ứng dụng vật lý hiện đại vào các lĩnh vực sản xuất thực tiễn.
Hoàng Mai xác định từ sớm đi du học Mỹ là con đường nhanh nhất giúp tiếp cận với môi trường và nguồn kiến thức tinh hoa của thế giới bởi vậy em đã có sự chuẩn bị từ sớm.
“Em bắt đầu học SAT từ năm lớp 10 và ở lần đầu vào tháng 12 năm ngoái kết quả chưa được ưng ý. Sau đó em thi lại lần hai vào tháng 3 năm nay và đạt kết quả 1570/1600 SAT.
Dù muốn kết quả thi tốt hơn nữa nhưng em muốn dành thời gian học thêm các môn SAT II. Sau đó em cũng thi ba môn Toán – Lý – Hoá và mỗi môn đều được 800/800 SAT”, Hoàng Mai kể.
Không chỉ dừng lại ở điểm số SAT thuộc top 1% thế giới, Vũ Lê Hoàng Mai còn có các thành tích ấn tượng về học tập: TOEFL 114/120, điểm trung bình lớp GPA 9.0 và đạt giải Ba quốc gia môn Tiếng Anh.
Em cũng là người sáng lập của 2 dự án vì cộng đồng: Evy – Tri thức cho em: dạy thường thức cho trẻ em khắp mọi vùng miền trên Việt Nam và Physics Now – website cung cấp tri thức vật lý và tổ chức các buổi thí nghiệm vật lý ứng dụng cho học sinh từ lớp 6 – lớp 9 trên địa bàn Hà Nội.
Ở Hoàng Mai có đầy đủ các yếu tố của một học sinh toàn diện. Tuy nhiên, khi chia sẻ về thời điểm ra quyết định chọn trường Đại học Uchicago để nộp đơn, em đánh giá đó là một quyết định “táo bạo nhất trong đời” của mình: “Khoảng 6 tháng trước khi bước vào giai đoạn lên kế hoạch chọn trường, em có nhắm đến top 20 trường tại Mỹ.
Thời điểm đó em không nghĩ đến những trường thuộc top cao hơn như Harvard, Chicago bởi theo em quan sát thì thường những bạn có Huy chương Vàng quốc tế và khả năng tài chính mạnh sẽ có lợi thế hơn nhiều. Em chỉ có giải quốc gia và mức chi trả trung bình khá do vậy em chọn trường thấp hơn một chút”.
Vũ Lê Hoàng Mai đồng sáng lập dự án PhysicsNow.
“Nói về quyết định thay đổi apply tới tận Uchicago, đến giờ em vẫn không tin mình đã làm như vậy”, Hoàng Mai chia sẻ. “Thực ra em có đăng ký tư vấn hỗ trợ viết luận qua một trung tâm, và các thầy cô nhận xét cá tính và con người em thực sự hợp với Uchicago.
Tuy hồ sơ em hơi yếu nhưng vẫn có một tia hy vọng mong manh. Em có thể nỗ lực ở bài luận cá nhân và các hoạt động ngoại khoá để bù đắp. Và cuối cùng em quyết định liều mình thử sức với mục tiêu được trường defer (không nhận ngay nhưng sẽ xét duyệt ở kỳ tháng 3)”.
Bản ngã cá nhân và kỳ vọng xã hội
Sau đó là quãng thời gian Hoàng Mai miệt mài tham gia vào các hoạt động ngoại khoá và viết luận. Hoàng Mai tham gia vào một dự án giảng dạy và hướng dẫn các bạn học SAT yếu hơn.
Em cũng xin tham gia vào xây dựng ứng dụng từ vựng học SAT của một công ty công nghệ giáo dục. Hoàng Mai hoàn thành dự án Evy - tri thức cho em và tổ chức thành công buổi offline dạy các em học sinh cấp 2 về vật lý ứng dụng.
“Chính nhờ tham gia các hoạt động, em có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống và bản thân mình. Xen kẽ các hoạt động em tiến hành lên ý tưởng và viết nháp bài luận cá nhân. Tuy có nhiều ý tưởng nhưng em thường được phản hồi là chưa phản ánh hết cá tính bản thân, chưa nêu bật được con người của mình và cần trải nghiệm hơn nữa.
Mãi sau khi hoàn thành app từ vựng học SAT và được tìm kiếm nhiều nhất trên Apple store, em mới chốt xong ý tưởng. Ý tưởng đó lại phải sửa thêm gần 10 lần nữa mới ra bản cuối cùng. Tuy vất vả nhưng em lại thấy đó là một quá trình trưởng thành. Em nhận thức được nhiều khía cạnh về cuộc sống và hiểu bản thân mình hơn”.
“Trong đó, khó nhằn nhất là bài luận bổ sung không giới hạn từ về mạng sống. Đề bài đưa ra khái niệm về đa mạng như con cáo trong truyền thuyết có 9 cuộc đời, nhân vật pacman trong trò chơi điện tử có 3 cơ hội sống… và yêu cầu em tự đưa ra một khái niệm và giải thích về ý nghĩa số mạng sống của khái niệm đó.
Em đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định viết về 2 cuộc đời: sống theo bản ngã cá nhân và sống theo kỳ vọng xã hội của con người hiện đại. Lúc hoàn thành bài luận, em cảm thấy đó là một trong những thử thách khó nhất trong đời mình”, Hoàng Mai bồi hồi kể.
Chia sẻ rõ hơn về bài luận cá nhân – một yếu tố quan trọng trong bộ hồ sơ, Hoàng Mai nhớ lại: “Ban đầu em có ý tưởng viết về bình đẳng giới, tuy nhiên sau đó em chỉ đưa ý tưởng này thành một phần của bài viết.
Em muốn viết về sự tương phản đối lập của chính em: một cô gái học trường chuyên nhưng vẫn có chút nổi loạn của tuổi trẻ. Em chơi nhạc rock nhưng điều đó không có nghĩa là em không thích học Văn. Một bạn vẽ rất đẹp nhưng không nhất thiết bạn ấy phải theo con đường nghệ thuật.
Hoàng Mai (phải) có bài luận sâu sắc thể hiện góc nhìn cá nhân em về bản ngã và kỳ vọng xã hội.
Đôi khi chúng ta, nhất là những người trẻ như chúng em, vô tình bị ảnh hưởng bởi ý kiến của số đông và nghe theo trong khi bản thân trong khi những đánh giá không thực sự phù hợp với ý muốn của bản thân mình.
Rất dễ hiểu khi xã hội có xu hướng “xếp” các cá thể (bằng cách giản hoá các các tính riêng biệt) vào các nhóm lợi ích, các hoạt động, các phân nhóm xã hội, nhưng khi những rào cản này ngăn chúng ta nhận ra bản thân thực sự, với tất cả các khía cạnh của bản thân, chúng ta cần phải thoát ra, để thấy chúng ta như chúng ta, không phải là cá tính mà mọi người cho là chúng ta”.
Bên cạnh bài luận cá nhân mà bất cứ trường đại học ở Mỹ nào cũng yêu cầu, trường University of Chicago còn có những bài luận riêng biệt.
Và những nỗ lực của cô gái 17 tuổi đã được đền đáp. Em đã nhận được thư chấp nhận của Hội đồng tuyển sinh trường với mức học bổng là toàn phần.
Hoàng Mai đã đập cửa phòng bố mẹ lúc 4 giờ sáng, ngay khi em biết tin và cả nhà đều không ngờ với con số gần 7 tỷ đồng học bổng cho 4 năm học của em.
Khuôn viên trường University of Chicago – nơi GS Ngô Bảo Châu đang giảng dạy; cũng là ngôi trường Hoàng Mai sẽ theo học vào năm học tới.
Có thể nói việc đi du học nước ngoài, đặc biệt là Mỹ không đơn giản chỉ là đầu tư về tài chính. Bản thân mỗi em học sinh cũng phải nỗ lực và cố gắng hết mình, cả từ việc học đến các hoạt động vì cộng đồng.
Hoàng Mai bằng sự mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân đã chạm tay đến ước mở của mình. Em sẽ được học tập và nghiên cứu với các chuyên gia đầu ngành từ khắp nơi trên thế giới, và ước mơ của cô gái này là có thể khám phá ra được một luận điểm mới trong lý thuyết đa vũ trụ, và có thể được một giải Nobel như giáo sư Ngô Bảo Châu.
Theo Lệ Thu/Dân trí
https://duhoc.dantri.com.vn/du-hoc/nu-sinh-ams-nhan-hoc-bong-7-ty-dong-vao-dai-hoc-gs-ngo-bao-chau-dang-giang-day-20191220182819082.htm