UBND huyện Sóc Sơn vừa có văn bản chỉ đạo tạm dừng chấm dứt hợp đồng, sắp xếp lại lịch giảng dạy để giáo viên tiếp tục công tác trong thời gian chờ chỉ đạo của cấp trên về việc xét tuyển đặc cách.
Công văn do Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh ký ngày 20/12 gửi tới Hiệu trưởng các trường Tiểu học và THCS công lập trên địa bàn huyện.
Công văn nêu, ngày 5/11/2019, UBND huyện đã ban hành thông báo số 5134 về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với những giáo viên hợp đồng không xác định thời hạn đang công tác tại các trường Tiểu học,THCS công lập trên địa bàn huyện từ ngày 1/1/2020.
Tuy nhiên, cũng trong ngày 5/11/2019, Bộ Nội vụ có văn bản số 5378 về việc tuyển dụng đặc cách với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước. UBND huyện đang thống kê, tổng hợp danh sách giáo viên hợp đồng lao động.
Vì vậy, UBND huyện Sóc Sơn yêu cầu Hiệu trưởng các trường Tiểu học,THCS công lập trên địa bàn tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng lao động với giáo viên theo văn bản 5134 đã ban hành trước đó.
Đồng thời, lãnh đạo các trường phải sắp xếp lịch giảng dạy để giáo viên tiếp tục công tác trong thời gian chờ ý kiến chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội và UBND huyện.
Sóc Sơn tạm dừng chấm dứt hợp đồng với giáo viên để chờ xét đặc cách.
Trước đó, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua việc dành 2.692 biên chế để bố trí cho giáo viên thuộc đối tượng xét tuyển đặc cách. Trong số các điều kiện xét đặc cách có yêu cầu giáo viên vẫn đang ký hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập; Có thời gian ký hợp đồng và đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 31/5/2015.
Tuy nhiên, hàng trăm giáo viên hợp đồng tại Hà Nội hoang mang vì lý do họ đã bị chấm dứt hợp đồng trước khi chờ đến ngày được xét đặc cách vào biên chế.
Cụ thể, hơn 300 giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức không đạt tiêu chí đóng bảo hiểm xã hội khi họ không được UBND huyện đóng bảo hiểm trong suốt nhiều năm liền.
Ở thị xã Sơn Tây, đã có 57 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng.
Tại Ba Vì, 208 giáo viên Tiểu học và THCS cũng đã bị huyện đơn phương chấm dứt hợp đồng trước khi chờ đến ngày được xét đặc cách.
Tại Sóc Sơn, 256 giáo viên hợp đồng cũng đang lo lắng vì đã nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng từ 1/1/2020.
Thầy Nguyễn Viết Tiến, giáo viên hợp đồng tại thị xã Sơn Tây vừa qua đã nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng sau 17 năm đứng trên bục giảng. Thầy lo lắng: "Chúng tôi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng trong khi bản thân luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nếu dựa vào tiêu chí “giáo viên phải đang giảng dạy hợp đồng tại các trường công lập" mới được xét đặc cách thì chúng tôi không đạt. Như thế là quá thiệt thòi và bất công".
Theo Thúy Nga/VietNamNet
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/tam-dung-cham-dut-hop-dong-voi-giao-vien-de-cho-xet-dac-cach-602162.html