Trong số các tác giả viết sách giáo khoa (SGK) theo chương trình giáo dục phổ thông mới (2018), có một số người đã từng viết sách của chương trình hiện hành (2000).
PGS.TS Trần Diên Hiển, người tham gia viết SGK theo chương trình phổ thông năm 2000, hiện là Chủ biên SGK lớp 1 viết theo chương trình mới (bộ “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”) nói SGK mà ông tham gia viết lần này sẽ “không có gì khó cả”.
PGS.TS Trần Diên Hiển, Chủ biên SGK lớp 1 bộ “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”. Ảnh: Thanh Hùng
“Sách vừa sức học sinh nhưng vẫn có những không gian để các em khá giỏi có cơ hội phát huy khả năng và trí tuệ. Đó là hệ thống những bài toán mở để phân hóa học sinh”.
Ông Hiển cho rằng để nói sách mới lần này dễ hay khó hơn sách hiện hành là một câu chuyện dài và khó kết luận. Tuy nhiên, ông tự tin sách viết lần này đảm bảo vừa sức và khả thi cho tất cả học sinh các vùng miền.
"Vừa rồi tập huấn thử nghiệm ở Lào Cai, các giáo viên ở các huyện vùng sâu, vùng xa xem xong và nói rằng dạy ở địa phương mình ổn”.
Là tác giả SGK tiếng Việt chương trình năm 2000, GS.TS Lê Phương Nga hiện cũng là Chủ biên SGK lớp 1 của bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”.
GS.TS Lê Phương Nga, Chủ biên SGK lớp 1 bộ “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”. Ảnh: Thanh Hùng
Chia sẻ về chuyện giảm tải, theo bà Nga, khi nói đến xây dựng bộ sách, phải xác định độ khó của sách.
Độ khó cụ thể của một nội dung phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Chẳng hạn như "những lệnh phát ra".
Ở giai đoạn đầu lớp 1, độ khó về "lệnh" đối với học sinh là chỉ được từ 4-5 chữ. Các em vừa vào lớp 1, nếu nói 1 câu 10 tiếng thì đến tiếng cuối rất khó. Thường thì khi hỏi "Em học lớp mấy", hầu hết các em chỉ trả lời được "Lớp 1", tức là đi thẳng vào thông tin.
Còn trước đây thì yêu cầu phải cấu tạo về mặt ngôn ngữ. Tức là phải dạy trẻ nối phần của cô hỏi với phần thông tin trả lời để được một câu đầy đủ là “Em học lớp 1”. Sau đó, với “vai” học sinh phải có nghi thức lễ phép, nên mẫu câu mong muốn là: “Thưa cô, em học lớp 1 ạ!". Do đó, lần này chúng tôi phải chăm chút trong từng lệnh một để bảo đảm độ khó phù hợp", bà Nga dẫn chứng.
Ngoài ra, độ khó và độ phân hóa còn phụ thuộc cả sự can thiệp, giúp đỡ của giáo viên đối với từng đối tượng học sinh theo từng mức khác nhau. Đặc biệt cũng cần phải quan tâm đến yêu cầu cần đạt được đối với mỗi học sinh là khác nhau.
Bà Nga cho rằng, điều quan trọng khiến người dạy với học sinh hoặc phụ huynh hiện không “gặp được nhau” là chưa ra được những chuẩn đánh giá thường xuyên, hay chính là các lệnh điều hành dạy học. Do đó, những điều này sẽ được khắc phục trong SGK mới.
SGK Tiếng Việt 1 được biên soạn “dễ hóa, thú vị hóa”
Những điểm ưu việt của SGK mới lần này cũng được các tác giả chia sẻ tại buổi giới thiệu bộ SGK “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” do Công ty CP Phát hành sách giáo dục (NXB Giáo dục Việt Nam) tổ chức ngày 19/12. Đây là 1 trong 5 bộ SGK được Bộ GD-ĐT phê duyệt sử dụng trong chương trình phổ thông mới tới đây.
Chia sẻ về những điểm thú vị ở SGK Tiếng Việt 1, Chủ biên Lê Phương Nga cho hay, sách được biên soạn với phương châm dễ hóa, thú vị hóa, đảm bảo sự thành công của học sinh ngay từ những ngày đầu đến trường. Sách được viết theo nguyên tắc tích hợp, tích cực hóa và phân hóa.
Sách biên soạn giai đoạn Làm quen, cho học sinh ghi nhớ đúng hình dạng chữ cái bằng cách liên hệ với kinh nghiệm bản thân, khám phá từ các đồ vật quanh mình và tạo hình cơ thể. Ví dụ như hoạt động tìm chữ cái ẩn trong hình vẽ các đồ vật hay hoạt động tạo hình chữ cái bằng hành động cơ thể.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng
“Để các em thấy học chữ cũng không phải là việc gì đó quá ghê gớm mà có thể thông qua các hoạt động hằng ngày”, PGS.TS Lê Phương Nga nói.
Sách xây dựng trật tự dạy vần theo nguyên tắc đưa từ nghi vấn vào từ sớm, tạo cơ hội cho học sinh nhanh chóng tự đọc được câu hỏi bài tập, phát huy khả năng tự học. Cụ thể, đưa hết các vần có âm chính a và âm cuối trong tuần học Vần đầu tiên nhằm để học sinh sớm đọc được các từ nghi vấn (ai, sao, cái gì, làm gì, tại sao, thế nào, bao giờ) - những công cụ để điều hành dạy học bằng câu hỏi. “Bởi những cụm từ để hỏi gồm ai, thế nào, ra sao,...hầu hết đều có vần a”, bà Nga lý giải.
Sách cũng tạo độ “mở” để có thể phát triển chương trình nhà trường phù hợp với các vùng miền. Ví dụ, các bài đọc mở rộng đưa ra các yêu cầu để học sinh có thể tìm kiếm văn bản từ nhiều nguồn khác nhau tùy thuộc vào điều kiện cá nhân, nhà trường và địa phương. Như “Em tìm đọc một bài về khoa học vui, một bài thơ về gia đình,...
Nhiều nội dung, chủ đề trải nghiệm Toán học
Về SGK Toán 1, PGS.TS Trần Diên Hiển, Chủ biên sách cho hay, sách tập trung các nội dung trải nghiệm toán học và được thiết kế thành 4 chủ đề thực hiện trong 4 tiết học, đáp ứng yêu cầu thể hiện ý tưởng mới trong chương trình phổ thông mới.
“Đây là bộ sách duy nhất thiết kế được 4 chủ đề thực hiện cho 4 tiết học”, ông Hiển nói.
Về phương pháp dạy học, bằng hình ảnh, sách gợi ý cho giáo viên một số cách tổ chức dạy học. Vấn đề tích hợp liên môn giữa môn Toán với các môn, các vấn đề về bình đẳng giới, sắc tộc, tôn giáo,... cũng được nhóm tác giả đặc biệt chú ý và đề cập trong toàn bộ cuốn SGK Toán 1.
Sau mỗi bài, có phần “Em học xong bài này” để thể hiện yêu cầu cần đạt nhằm định hướng cho giáo viên khi lập kế hoạch; học sinh có thể tự đánh giá kết quả tiếp thu sau mỗi bài học. Đặc biệt phụ huynh có thể xác định được yêu cầu cần đạt của bài học khi hỗ trợ, học cùng con em mình.
“Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” cũng là bộ duy nhất có tới 2 SGK Hoạt động trải nghiệm 1 được Bộ GD-ĐT phê duyệt sử dụng cho chương trình phổ thông mới. Đây là 2 trong tổng số 3 SGK Hoạt động trải nghiệm được Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Một cuốn của nhóm tác giả: Đinh Thị Kim Thoa (Chủ biên), Bùi Ngọc Diệp, Vũ Phương Liên, Lại Thị Yến Ngọc, Trần Thị Quỳnh Trang. Cuốn còn lại của nhóm tác giả: Bùi Ngọc Diệp, Phó Đức Hòa (đồng Chủ biên), Nguyễn Hà My, Đặng Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Huyền Trang.
Theo Thanh Hùng/VietNamNet
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/tac-gia-viet-sgk-ca-2-thoi-ky-noi-ve-khac-biet-cua-nhung-quyen-sach-moi-601761.html