Thực tế hiện nay, phần lớn sinh viên xem học chỉ nhằm đạt điểm cao và không có khả năng tự học tốt.
TS Trần Thanh Danh phát biểu tại hội thảo sáng 19-12 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Nhiều chuyên gia đã cho biết như vậy tại Hội thảo "Đổi mới phương pháp giảng dạy trong đào tạo đại học chính quy" do Trường ĐH Mở TP.HCM tổ chức sáng nay 19-12.
Cần tư vấn cho sinh viên phương pháp học đại học
Theo ThS Hồ Quang Khải - giảng viên khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Mở TP.HCM - cho rằng do đã quen với thời phổ thông nên nhiều sinh viên chưa hiểu rõ các yếu tố khác biệt khi học phổ thông và học đại học.
Vì vậy, sinh viên khi vào trường đại học cần được tư vấn chi tiết ngay từ đầu về phương pháp và cách thức học tập sao cho phù hợp và hiệu quả.
"Việc học đại học tốt là điều kiện quan trọng, trực tiếp quyết định cho tương lai cho sinh viên sau khi ra trường. Nội dung học ngoài kiến thức còn phải học nhiều kỹ năng. Mục tiêu tối thượng của việc học đại học là trang bị, trau dồi cho khả năng làm được việc sau này, chứ không chỉ để lấy điểm tốt", ông Khải nhấn mạnh.
Để học tập hiệu quả ở đại học, ThS Hồ Quang Khải cho rằng sinh viên cần dành thời gian mỗi ngày cho việc tự học (ôn bài cũ, chuẩn bị bài mới). Sinh viên phải biết rõ mức độ tiếp thu tối thiểu khi học đại học là học kiến thức thì phải hiểu rõ và trình bày lại được, học kỹ năng phải biết cách tổ chức và thực hiện.
"Sinh viên cần có tài liệu học tập và phải có ghi chép trong khi học. Đồng thời nên có sổ tay ghi lại các câu hỏi, thắc mắc trong việc học của mình như là một danh sách ‘phải giải quyết’ và cố gắng tìm cách ‘giải quyết’ từng mục.
Nên luôn có quyển giấy nháp bên mình và phải biết là nếu không sử dụng giấy nháp thì chúng ta chỉ suy nghĩ được những vấn đề đơn giản. Sinh viên nên phân bố thời gian để học đều, học đủ, học chắc các môn, tránh ‘để dành’ học khi sắp đến ngày thi", ông Khải khuyên.
Sinh viên vắng học quá nhiều
TS Trần Thanh Danh - giảng viên khoa xây dựng - cho hay hiện rất nhiều thầy cô than phiền tình trạng sinh viên vắng học quá nhiều. "Theo quan sát của tôi, tại khoa xây dựng nếu không điểm danh chỉ có khoảng 50% sinh viên đến lớp. Nếu hỏi sinh viên có cần phải điểm danh thì sẽ có 99,9% trả lời là không cần thiết", ông Danh nói.
Trong khi, cũng theo giảng viên này, hiện nay không chỉ có các lớp học bậc đại học ở Việt Nam mới điểm danh mà ở các nước cũng thực hiện việc này.
Trước kia, giảng viên thường không quan tâm đến việc sinh viên có đến lớp hay không vì việc đánh giá chất lượng sinh viên chỉ cần dựa vào kết quả của bài thi cuối kỳ.
Nghiên cứu của TS Vũ Thế Dũng (Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM) cho thấy việc đánh giá này sẽ làm cho người học dễ có khuynh hướng lạc mục tiêu - nghĩa là thay vì mục tiêu chính là tích lũy kiến thức liên tục qua từng buổi học thì lại chuyển qua mục tiêu là đạt điểm trung bình cho bài thi.
TS Danh cho biết hiện nay, để cải tiến chất lượng giáo dục, phương pháp đánh giá đã được các trường đại học điều chỉnh sang đánh giá theo quá trình học tập. Với phương pháp này, sự tương tác và tham gia tích cực của người học trong quá trình tiếp thu kiến thức được đề cao hơn. Từ đó, việc đánh giá chất lượng đào tạo sinh viên sẽ chính xác hơn.
"Để việc đánh giá theo quá trình học được đảm bảo, sinh viên cần phải tham dự đầy đủ các buổi học. Điểm danh lúc này có thể trở thành công cụ giúp nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường đại học", ông Danh khẳng định.
Tuy nhiên, ông Danh cũng cho cho rằng giảng viên cần đầu tư nhiều hơn cho bài giảng để hấp dẫn sinh viên tự đến lớp…
Theo Trần Huỳnh/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/phan-lon-sinh-vien-hoc-voi-muc-dich-de-dat-diem-cao-20191219105835284.htm