Trên bài làm văn của con tôi, ngoài lời phê còn có dòng chữ: "Cho thầy xin bài này nhé!"
Bài làm văn của con tôi. Ảnh: LÊ PHƯƠNG TRÍ
Suốt những năm học ở trung học cơ sở, con tôi luôn bảo không thích môn văn, học văn rất chán. Cháu bảo tiết văn là tiết "gây mê" vì buồn ngủ. Thế mà, vừa bước vào năm học lớp 10, cháu đã nói thầy dạy văn của cháu rất trẻ nhưng dạy rất hay. Giọng thầy truyền cảm, thầy lại biết pha trò đúng lúc nên tiết dạy của thầy lúc nào cũng hào hứng, sinh động.
Mới đây, cháu khoe với tôi bài kiểm tra văn của cháu được 8,5 điểm. Tôi rất ngạc nhiên vì từ trước đến giờ cháu chưa bao giờ đạt điểm cao như thế. Tôi bảo cháu đưa bài văn tôi xem. Quả thật, cháu được thầy cho 8,5 điểm với lời phê: "Ý tưởng hay, gắn với yêu cầu từ thực tiễn. Lập luận chặt chẽ.".
Đọc đề bài thầy cháu cho, bản thân tôi cũng thấy thu hút, phấn khích và ngay lúc ấy, tôi cũng muốn làm đề văn này.
Đề văn như sau: "Ở các nước phương Tây, có một hoạt động rất thú vị là "Chiếc hộp thời gian" (time casule). Các bạn học sinh sẽ lựa chọn những đồ vật đặc trưng cho thời đại mình sống cho vào Chiếc hộp thời gian và chôn xuống đất. Mấy chục năm sau, người ở tương lai sẽ đào Chiếc hộp thời gian lên, và nhờ đó có thể hiểu thêm về thời đại hiện nay. Em sẽ lựa chọn đồ vật gì để cho vào Chiếc hộp thời gian? Vì sao? Qua đồ vật ấy, em muốn gửi gắm thông điệp gì đến người trong tương lai? Hãy viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của mình.".
Đề văn thật độc đáo, nó khơi gợi, kích thích sự tư duy của người làm bài. Học sinh thỏa sức trình bày ý nghĩ riêng của mình mà không bị gò bó trong một khuôn khổ hạn hẹp nào hoặc phải theo ý tưởng, bài giảng của thầy cô.
Trên bài làm của con tôi, ngoài lời phê còn có dòng chữ: "Cho thầy xin bài này nhé!". Lại một lần nữa, tôi ngạc nhiên hỏi cháu dòng chữ này nghĩa là sao. Cháu cho biết thầy dạy văn có một facebook có tên Blog Chuyên Văn. Những bài viết hay của học sinh, thầy đều xin để đăng trên trang facebook này.
Trên Blog Chuyên Văn, thầy cũng thường xuyên đăng những nội dung ôn tập các bài học, trả lời các câu hỏi thắc mắc của học sinh về văn học, phương pháp làm văn...Thầy của cháu đã biết sử dụng mạng xã hội để giảng dạy học sinh, đem đến hiệu quả cao trong dạy học tích cực.
Nhìn ánh mắt tươi vui của con khi cầm bài làm có dòng chữ "Cho thầy xin bài này nhé!", tôi thầm cám ơn thầy dạy văn của cháu. Tôi biết chắc rằng kể từ đây, con tôi sẽ yêu thích môn văn hơn bởi thầy dạy của cháu đã truyền được cảm hứng học văn đến cháu từ những gì thầy đã dạy, đã làm.
Chương trình Giáo dục Phổ thông mới sắp thực hiện. Tôi nghĩ chương trình hay, sách giáo khoa tốt cũng chưa chắc mang đến hiệu quả cao trong học tập của học sinh nếu thiếu những người thầy đầy nhiệt huyết, yêu nghề, hiểu trẻ, luôn biết đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy như thầy dạy văn của con tôi.
Cần lắm những người thầy như thế trong tương lai!
Theo Lê Phương Trí/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/cho-thay-xin-bai-nay-nhe-20191218103136157.htm