GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, rất khó tránh việc có những chỉ đạo ngầm, chỉ đạo miệng khi chọn SGK. Để minh bạch, nội dung sách nên sớm được công bố.
Bộ GD-ĐT đã công bố quyết định phê duyệt 32/38 bản thảo SGK của 8 môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tuy nhiên, đến nay, nội dung cụ thể từng cuốn sách ra sao vẫn hoàn toàn là ẩn số với giáo viên, phụ huynh, học sinh.
Theo Nghị quyết 88, quyền lựa chọn SGK năm học 2020-2021 sẽ do các trường cân nhắc dựa trên ý kiến của giáo viên, phụ huynh và học sinh. Từ sau năm học này, việc lựa chọn SGK sẽ do UBND các tỉnh quyết định theo đúng Luật Giáo dục (sửa đổi).
Một trong những Bộ SGK lớp 1 mới.
Điều này đang khiến dư luận không khỏi lo ngại về việc nảy sinh lợi ích nhóm khi lựa chọn SGK.
Bàn về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng, từ trước đến nay, các phòng, sở giáo dục vẫn quen chỉ đạo theo 1 SGK nên dễ xảy ra trường hợp địa phương muốn cả tỉnh chọn 1 bộ SGK nhất định cho dễ chỉ đạo. “Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng sẽ có những tác động vật chất không tiện nói khiến sự chỉ đạo sai lệch”.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng thẳng thắn cho rằng, trước nay vẫn có những chỉ đạo ngầm về chọn sách tham khảo: “Có khi nào không có những chỉ đạo ngầm đâu. Đôi khi chỉ đạo không cần văn bản. Cứ hỏi các trường xem hàng năm có nhận được chỉ đạo của cấp trên là mua sách tham khảo này, sách tham khảo khác hay không. Có chỉ thị của cấp trên, các trường đâu dám cãi.
Báo chí gần đây đã phản ánh hiện tượng NXB Giáo dục Việt Nam chi lương cho các lãnh đạo và chuyên viên Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh suốt 4 năm liền. Việc lãnh đạo và tất cả các chuyên viên chỉ đạo môn học của Sở nhận lương tháng của nhà xuất bản chắc chắn, sẽ ảnh hưởng đến quyết định chọn SGK”.
Nghị quyết 88 nêu rõ, các trường được quyền tự chọn SGK, song GS Thuyết cho rằng, Bộ GD-ĐT cần có những quy định để thông tư hướng dẫn việc chọn SGK mang tính dài hạn hơn: “Được biết thông tư này chỉ phục vụ cho việc chọn SGK lớp 1 trong năm tới theo Nghị quyết 88. Bộ nên xin ý kiến bên Quốc hội để hướng dẫn việc lựa chọn SGK vừa phù hợp với Nghị quyết 88, vừa phù hợp với Luật Giáo dục. Luật quy định UBND cấp tỉnh quyết định “việc chọn SGK”, chứ không nói UBND cấp tỉnh “quyết định chọn SGK”. Vậy thì UBND cấp tỉnh vẫn có thể giao cho các trường chọn theo Nghị quyết 88, nếu thế có thể soạn được thông tư dài hơi cho nhiều lớp và trong nhiều năm khác nhau. Thông tư ấy cũng phải quy định trách nhiệm, quyền của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương. Cụ thể là UBND cấp tỉnh được làm gì và không được làm gì, nhiệm vụ của Sở và các phòng GD- ĐT ra sao.
“Các cơ quan cấp trên phải tôn trọng quyền dân chủ các trường khi chọn SGK, không được chỉ đạo thiên lệch, kể cả chỉ đạo miệng. Tránh trường hợp như đã từng xảy ra chưa lâu: ông giám đốc Sở đứng lên giữa hội nghị ca ngợi hết lời một bộ sách hay nói thẳng là chỉ chọn sách này sách kia. Như vậy thì cấp dưới sao dám chọn sách khác? Và như vậy thì cần gì Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 88 hay Luật Giáo dục nữa?”, GS Thuyết nói.
GS Nguyễn Minh Thuyết thẳng thắn cho rằng xưa nay vẫn có những chỉ đạo ngầm về chọn sách tham khảo ở các trường.
Cũng theo GS Nguyễn Minh Thuyết, lần đổi mới này có nhiều NXB cùng tham gia làm SGK, do đó, thông tư hướng dẫn việc chọn SGK cũng cần quy định rõ quyền của các NXB được tiếp thị sách như thế nào để đảm bảo sự minh bạch, công bằng.
Nên công khai ý kiến thẩm định và chế bản SGK lên mạng
Để việc chọn SGK được công khai, minh bạch, GS Thuyết đề xuất, Bộ GD- ĐT nên công khai ý kiến đánh giá của Hội đồng thẩm định SGK về từng cuốn sách: “Phụ huynh, giáo viên đọc ý kiến thẩm định sẽ biết hội đồng thẩm định khen gì, chê gì, số phiếu cho từng cuốn sách ra sao. Có những cuốn sách chỉ được 3/4 số phiếu đánh giá “Đạt, không cần sửa chữa” cũng đã đạt, nhưng cũng có những cuốn sách được 100% số phiếu. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã chỉ đạo đưa các chế bản SGK lên mạng để người dân tham khảo. Nếu làm được như vậy sẽ vừa đảm bảo công khai, dân chủ lại giảm được chi phí vì hầu hết mọi người đều có điện thoại, máy tính có thể vào mạng. Còn về những lo ngại như sợ làm sách lậu, ăn cắp bản quyền, thì đều có thể giai quyết được bằng công nghê và pháp luật”.
Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng, việc lựa chọn SGK cần làm hết sức cẩn thận, tránh trường hợp chọn SGK một cách cảm tính, chạy theo “thương hiệu”, đến giữa năm học, học sinh học không nổi, giáo viên kêu ca, phụ huynh phàn nàn thì rất dễ xảy ra “vỡ trận” SGK.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Bá Khánh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển giáo dục Hà Nội, đơn vị biên soạn 1 Bộ SGK cũng cho rằng, những băn khoăn của dư luận về lợi ích nhóm, tính minh bạch khi lựa chọn SGK là hoàn toàn đúng. “Bản thân chúng tôi cũng mong được cống hiến một cách công bằng, dân chủ. Với cơ chê chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và sự vào cuộc của các địa phương, chúng tôi hy vọng SGK sẽ được lựa chọn một cách công bằng, minh bạch, không có đất cho lợi ích nhóm tồn tại”, ông Khánh nói./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/gs-nguyen-minh-thuyet-co-nhung-chi-dao-ngam-ve-chon-sach-tham-khao-990646.vov