11
/
83733
Đổi mới đi đôi với giám sát, đánh giá và tư duy hệ thống
doi-moi-di-doi-voi-giam-sat-danh-gia-va-tu-duy-he-thong
news

Đổi mới đi đôi với giám sát, đánh giá và tư duy hệ thống

Thứ 7, 14/12/2019 | 11:10:16
538 lượt xem

PGS.TS Trịnh Văn Minh (NGƯT, giảng viên cao cấp Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội), cho rằng: Đổi mới giáo dục là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, thực hiện đổi mới đi đôi với giám sát, đánh giá và theo một tư duy hệ thống.

PGS.TS Trịnh Văn Minh 

- Ông đã cùng cộng tác với các chuyên gia nước ngoài nghiên cứu và xuất bản các ấn phẩm về khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên. Với hiểu biết sâu sắc về giáo dục ĐH Pháp, theo ông, chúng ta có thể học được gì từ nước Pháp trong đào tạo đội ngũ giáo viên hiện nay?

Tôi đã có dịp tham gia viết một số cuốn sách về đào tạo giáo viên, đào tạo đại học bằng tiếng Pháp với các tác giả nước ngoài, các sách hướng dẫn về đảm bảo chất lượng các chương trình đào tạo, dịch sách chuyên ngành giáo dục, công bố nhiều bài báo khoa học, tham luận Hội thảo quốc tế về giảng dạy ngôn ngữ, văn hóa nước ngoài, về giáo dục và quản lý giáo dục. Nói chung phần lớn những ấn phẩm đó trước hết nhằm giới thiệu giáo dục Việt Nam, hiện trạng cũng như kinh nghiệm của chúng ta.

Đối với giáo dục đại học, ngay ở Pháp và một số nước phát triển, cũng đang được cải tổ nhằm đáp ứng những yêu cầu của thời cuộc. Ví dụ, việc xây dựng các ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, hay còn được gọi là “tập đoàn” ĐH nhằm tận dụng được hết các nguồn lực là một định hướng theo đuổi của nhiều nước trong đó có Pháp; đây cũng được xem là điều kiện để tham gia xếp hạng ĐH.

Về đào tạo giáo viên, một mặt mô hình của Pháp cũng đang được đổi mới trên cơ sở đồng bộ hóa hệ thống văn bằng ĐH ở châu Âu theo tuyên bố Boulogne (L-M-D): Cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ về mặt thời gian đào tạo. Xu hướng đào tạo giáo viên - thạc sĩ đang được quan tâm ở Pháp và các nước Bắc Âu. Mặt khác về phương thức đào tạo giáo viên, mô hình đào tạo “lâm sàng” (clinic) dựa trên thực hành là chủ yếu (về giáo dục, tâm lý nhà trường, phương pháp dạy học…) là xu hướng nổi trội ở Pháp từ trước đến nay, nhưng với một kỳ thi (concours) nghề rất khắt khe trước khi giáo viên hành nghề.

Đây là mô hình khá tốn kém về kinh phí và cần có kế hoạch hóa dựa trên nhu cầu tuyển dụng của các trường, do vậy khá chặt chẽ, không theo kiểu “thị trường” tự do, tuy nhiên cũng xứng đáng để chúng ta nghiên cứu, tham khảo ở một vài khía cạnh nào đó, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới giáo dục.

Ngoài ra tại Trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội từ những năm 2012 - 2013, chúng tôi đã cùng với các chuyên gia đến từ Viện Đào tạo giáo viên - ĐH Montpellier - Pháp nghiên cứu và tổ chức hội thảo về đào tạo giáo viên khoa học tự nhiên, tạo tiền đề xây dựng chuyên ngành đào tạo hiện nay đang được triển khai. Đây cũng là một định hướng đào tạo giáo viên góp phần thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đào tạo giáo viên song ngữ (dạy khoa học bằng ngoại ngữ) cũng là một mô hình cần được tham khảo.

- Ông nhận thấy những thách thức gì với đội ngũ giáo viên hiện nay của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ đang phát triển như vũ bão, và trong bối cảnh chúng ta đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới?

Chúng ta đang tích cực chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới bằng nhiều hoạt động, trong đó bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục giữ một vị trí hết sức quan trọng, nếu không nói là quyết định.

Đây cũng chính là thách thức đầu tiên đang đặt ra khi đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đang còn nhiều bất cập cả về số lượng và chất lượng do chịu ảnh hưởng trong một thời kỳ dài của nhận thức mục tiêu giáo dục truyền thống. Từ đó, năng lực dạy học của một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông. Trong khi đó điều kiện vật chất, môi trường làm việc chưa được cải thiện bao nhiêu, đặc biệt ở những vùng khó khăn.

Về bồi dưỡng giáo viên, nếu thiếu tư duy hệ thống dễ dẫn đến manh mún, “tam sao thất bản” qua nhiều tầng bậc, do vậy, một số ưu tiên cần được xác định và có thể có trọng điểm. Công nghệ thông tin phải là công cụ hữu hiệu hỗ trợ trong dạy học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, không phải ở đâu và ai, kể cả người dạy và người học, cũng có thể tận dụng được những đóng góp của công nghệ. Nếu không cẩn thận thì công nghệ trở thành những thứ “trang sức” không cần thiết.

- Ông có chia sẻ, đóng góp gì không với giáo dục Việt Nam đang trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện?

Tôi thấy đổi mới giáo dục là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang có nhiều quyết sách đúng hướng cả ở giáo dục ĐH và giáo dục phổ thông, nhưng cần thiết phải có cách làm hiệu quả, tránh những thử nghiệm tốn kém, làm mất động lực của những tác nhân tham gia trực tiếp và của xã hội nói chung. Thực hiện đổi mới đi đôi với giám sát, đánh giá và theo một tư duy hệ thống.

- Xin cảm ơn ông!

Cuối tháng 10/2019, PGS.TS Trịnh Văn Minh được trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Cành cọ Hàn lâm của Pháp. Ngoài công tác nghiên cứu và giảng dạy, PGS.TS Trịnh Văn Minh với những vai trò, trách nhiệm khác nhau, đã góp phần trong việc kết nối, xây dựng, hỗ trợ các trường ĐH Việt Nam là thành viên của Tổ chức ĐH Pháp ngữ. Qua đó, các trường ĐH Việt Nam triển khai các dự án hợp tác với các đối tác nước ngoài, đặc biệt với các trường ĐH Pháp. Ngoài ra, PGS.TS Trịnh Văn Minh cũng được mời tham gia giảng dạy nhiều năm ở Trường Đại học Lyon 3 (Pháp). Một số chương trình dự án hợp tác PGS.TS Trịnh Văn Minh được mời tham gia giữa Bộ GD&ĐT và các đối tác Pháp ngữ đang được phát triển mở rộng, đặc biệt với tiếng Anh…

Theo Hải Bình/ Giáo dục thời đại

https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/doi-moi-di-doi-voi-giam-sat-danh-gia-va-tu-duy-he-thong-4052726-b.html


  • Từ khóa

Vì sao giải thể Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục ĐH?

Ban chỉ đạo đổi mới giáo dục ĐH được thành lập ngày 6.2.2006, đến nay đã chính thức giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ...
13:16 - 12/01/2025
139 lượt xem

Quản lý dạy thêm, phải trị bệnh tại căn

Thông tư số 29/2024 tập trung các biện pháp hành chính như kiểm soát số lượng giờ dạy thêm, yêu cầu giáo viên đăng ký lớp học thêm với cơ quan chức năng,...
09:21 - 12/01/2025
251 lượt xem

Giải thể Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục đại học

Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định giải thể Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục đại học.
20:55 - 11/01/2025
527 lượt xem

Công bố danh sách cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng

Bộ GD&ĐT công bố danh sách cơ sở giáo dục đại học và trường cao đẳng sư phạm đã được kiểm định, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.
14:22 - 11/01/2025
599 lượt xem

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học: Bổ sung nhiều điểm mới

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học được Bộ GD&ĐT đăng tải công khai, lấy ý kiến rộng rãi.
09:10 - 11/01/2025
824 lượt xem