"Bé không đạt", "ôm đồ xuống mầm non mà học", "phụ huynh cần dạy con cẩn thận"... - nhiều nhận xét về học trò của giáo viên đến người ngoài nghe đã nghẹn chát, chứ chưa nói đến phụ huynh và học trò.
"Bé chưa đạt"
Chị P.T.A, có con nhỏ học tại một trường mầm non ở Thủ Đức, TPHCM kể mới đây, bé chị chuyển lên lớp 19 - 30 tháng, trước bé vẫn học cùng với lớp dưới 18 tháng. Cô giáo tạm biệt bé gái 21 tháng bằng câu nói: "Chắc Lan (tên bé thay đổi) muốn đi lắm rồi" và lời phê lạnh lùng: "Bé đưa đạt" trong sổ bé ngoan.
Bé hơn 21 tháng tuổi với lời nhận xét của cô: "Bé chưa đạt"
Chị A. chia sẻ, nửa năm qua, mỗi ngày chị đưa đón con là nỗi ám ảnh, căng thẳng. Cứ nghĩ đến cảnh bước vào lớp, đối diện với cô giáo là chị... mất hết tinh thần. Cô thường xuyên có những thái độ, lời nói không khác nào tra tấn tinh thần người khác.
Lúc nào cũng là những lời ca thán: Cô đâu lúc nào được yên với Lan, mẹ tưởng chăm Lan khỏe lắm à?
Mỗi lần cô trao đổi chuyện gì, chị A. chỉ biết dạ thưa, mong bước ra khỏi trường thật nhanh. Chỉ cần chị hỏi lại, không qua lời thứ hai là cô nói như tát nước vào mặt: Mẹ à, có nhóm phụ huynh thời 4.0, lên đó mà học tập cách dạy con.
Có hôm, chị đến đón con, cô thản nhiên: "Nay Lan sốt cao lắm nhưng trường không có y tá, cô cũng chịu". Chị hoảng hốt hỏi lại, sao cô không gọi điện để mẹ đến đón bé. Cô tỉnh như rụi: "Điện thoại cô hết tiền". Chị chở con đi, khóc trên đường về.
Con chuyển lớp, chị A. như trút được sự căng thẳng mỗi ngày cho chính mình và cho cả con khi phải học với một giáo viên quá lạnh lùng, ít nhất là trong lời nói, cách ứng xử.
"Ôm đồ xuống mầm non mà học"
Chị Thanh Thúy, có con học lớp 1 ở Hoàng Mai, Hà Nội kể, nhiều ngày qua, con chị đi học về là hoảng loạn, khóc vì bị cô mắng "ôm đồ xuống mầm non mà khóc". Nghĩ cảnh con đến lớp với nhận xét như vậy của cô, chị đau lòng vô cùng.
Nhiều trẻ sợ hãi đến trường vì những lời nhận xét từ giáo viên (Ảnh minh họa)
Chị cũng động viên con nhưng chưa dừng ở đó. Hôm rồi chị đi làm, cô giáo gọi điện cho chị nói như mắng vốn rồi tiếp tục nhắc lại câu: "Minh Anh thế này thì ôm đồ xuống mầm non mà học". Rồi nữa, trong cuốn sổ nhận xét, câu nói đó lại tiếp tục được cô lặp lại.
Người mẹ vừa buồn vừa bực, nghĩ là chị muốn khóc, rồi tức quá thì quay sang mắng con. Chị Thúy kể với chị em trong nhà, với đồng nghiệp thì mới hay, không chỉ con mình, rất nhiều bé lớp 1 bị cô giáo nhận xét đúng câu "ôm đồ xuống mầm non mà học".
Lời nhận xét ghi vào giấy, viết bằng con chữ, người viết ít nhiều phải bình tâm, cân nhắc hơn so với lời nói. Nhưng đến việc viết nhận xét, giáo viên còn "cay nghiệt" với trò như vậy thì trong lời nói hàng ngày, thật khó mong chờ những lời thân thiện từ người thầy.
Cẩn thận khi nhận xét vào vở học sinh
Cô Trần Thị Kim Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Vương, Q. Hải Châu, Đà Nẵng kể, con một người bạn của mình đang học lớp 1, bé rất dễ thương, lanh lẹ. Bé không học trước nên chưa đọc trôi chảy. Chỉ những bạn học trước thì mới có thể làm được việc đó tại thời điểm này. Đến cuối năm, nếu trẻ không có vấn đề gì về trí tuệ thì có thể đọc trơn, không vội làm gì.
Sẽ không có chuyện gì để nói, nếu như không có lời phê của cô vào vở của em: "Phụ huynh dạy con viết cẩn thận vào. Con bỏ chữ không gạch là biểu hiện của sự không cẩn thận".
Lời đánh giá, nhận xét của giáo viên không chỉ ảnh hưởng đến học trò mà còn tác động đến cả phụ huynh (Ảnh minh họa)
Ông bố về đọc lời phê của con, nổi giận, đánh con. Người mẹ cũng là giáo viên nhưng lại ngại, cũng hứa với cô "sẽ chỉ bảo thêm" mà trong lòng bức xúc và buồn bã.
Cô Hạnh thiết tha kêu gọi, các cô giáo hãy viết lời nhận xét học sinh "cẩn thận vào" vì lời nhận xét của các cô có thể "kích động bạo lực" ở phụ huynh mà nạn nhân lại chính là học sinh của mình.
Ngoài ra, cô Hạnh cũng nhắn nhủ phụ huynh hãy hít sâu thở chậm, bình tĩnh trước mọi lời nhận xét của cô giáo. Có thể nó được viết khi cô đang khó chịu, bực bội và những lời nhận xét đó không hẳn đúng với con mình. Hãy nói chuyện với con để tìm hiểu xem vấn đề của con là gì và con cần hỗ trợ thế nào.
Trong buổi gặp gỡ giáo viên dịp 20/11 mới đây, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ, vai trò của người thầy trao cho học sinh động lực, sự khuyến khích, sự tin tưởng còn quan trọng hơn cả kiến thức. Một lời nhận xét của thầy cô có thể vực các em dậy và ngược lại. Người thầy ngoài việc dạy kiến thức đừng quên khích lệ, động viên, trao cho các em niềm tin ở bản thân qua những lời nhận xét, đánh giá tích cực của mình.
Theo Hoài Nam/Dân trí
https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/ca-nha-cang-thang-vi-loi-co-nhan-xet-om-do-xuong-mam-non-ma-hoc-20191212095056643.htm