Điều này có vẻ khó tin khi biên soạn sách giáo khoa (SGK) cho những đứa trẻ lớp 1 lần đầu đến trường.
Trên thực tế, biên soạn một bộ SGK đáp ứng mục tiêu của chương trình GD phổ thông mới là “Phát triển năng lực phẩm chất người học” là trăn trở của nhiều nhà giáo dục tâm huyết. Và họ cũng phải đi từ điều khó tin đến những lựa chọn chắc chắn, trải qua quá trình nghiên cứu, thực nghiệm và biên soạn.
“Giáo viên chỉ là “đạo diễn”, còn người thực hiện các hoạt động học tập là học sinh.
Mỗi bài học đều gắn với thực tế
Thế là nào một bộ sách phát triển năng lực học sinh?, GS.TS Nguyễn Hữu Đĩnh, Tổng chủ biên môn Tự nhiên và Xã hội ở tiểu học, môn Khoa học tự nhiên ở bậc THCS và môn Hóa học ở bậc THPT từng đặt ra câu hỏi này cho mình và các cộng sự khi bắt tay vào biên soạn bộ SGK “Cùng học để phát triển năng lực” (một trong 4 bộ SGK của NXB Giáo dục VN).
“Để phát triển năng lực, phẩm chất học sinh đòi hỏi phải có sự liên hoàn, tính hệ thống từ cấp tiểu học lên THPT. Đồng thời, nhất thiết phải có một người bao quát, kiểm soát tốt việc biên soạn từ tiểu học đến THPT để tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí, có định vị năng lực cho từng đối tượng học sinh, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi" - GS Nguyễn Hữu Đĩnh chia sẻ.
Với những tích lũy trong cả cuộc đời làm khoa học, GS Nguyễn Hữu Đĩnh cho hay, "ở tuổi tôi, tiền bạc không có nhiều ý nghĩa, nên nếu không vì tâm huyết, tôi đã từ chối một việc khó như thế này".
Cũng chia sẻ về hướng đi cho bộ SGK đã và đang được biên soạn, PGS.TS Phan Doãn Thoại, Chủ biên môn Toán tiểu học, đồng thời là Phó trưởng ban biên soạn SGK mới của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội cho biết: “Chương trình đưa ra các yêu cầu cần đạt về năng lực, phẩm chất học sinh nhưng chúng tôi thấy rằng, không phải có bao nhiêu yêu cầu đều đưa hết vào một môn học, một lớp học. Vì thế chúng tôi phải có các nghiên cứu, thực nghiệm với đối tượng học sinh ở nhiều vùng, miền để định vị năng lực của học sinh ở mỗi lớp. Theo đó, có những yêu cầu về năng lực, phẩm chất đưa vào môn này mà chưa đưa vào môn kia, mức độ cũng khác nhau để việc phát triển năng lực, phẩm chất học sinh đạt được trong một tiến trình phù hợp, xét trên tổng thể các môn học, cấp học và có tính tiếp nối”.
Dựa trên cơ sở khoa học về tâm lý lứa tuổi, về định vị năng lực học sinh và kết quả thực nghiệm, các chủ biên, tác giả tham gia biên soạn bộ SGK lớp 1 “Cùng học để phát triển năng lực” đã tìm một hướng đi chung nhất quán cho SGK của các môn học.
“Mỗi bài học đều xuất phát từ tình huống thực tế, thu hút sự quan tâm của học sinh. Từ đó, cung cấp thông tin, chất liệu để học sinh sử dụng trong các hoạt động, thao tác cụ thể, tạo ra sản phẩm học tập.
“Sản phẩm đó có thể “vô hình” là kiến thức thu thập được nhưng cũng có thể “hữu hình” là những bảng biểu, đồ thi học sinh vẽ được, hoặc kết quả thí nghiệm.
Để học sinh có thể thực hiện các hoạt động học, sách giáo khoa phải viết theo các bước cụ thể với hệ thống câu hỏi, câu lệnh để học sinh thực hiện, từ đó hình thành các kĩ năng nghiên cứu, tập hợp tư liệu, quan sát, so sánh, phân tích tư liệu, đánh giá, suy đoán, đưa ra kết luận…
Cách triển khai như thế giúp học sinh phát triển năng lực tự học, rèn luyện các kĩ năng làm việc nhóm, thuyết trình, phản biện…trong quá trình học tập”- GS Nguyễn Hữu Đĩnh bày tỏ quan điểm.
Ông Dĩnh khẳng định với cách này, mỗi SGK của bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” sẽ trở thành cuốn sách hướng dẫn tự học, phù hợp với từng lứa tuổi và đảm bảo đặc trưng của mỗi môn học.
GS.TSKH Đinh Thế Lục, Tổng chủ biên môn Toán của bộ SGK “Cùng học để phát triển năng lực” cũng cho biết: “Giáo viên chỉ là “đạo diễn”, còn người thực hiện các hoạt động học tập là học sinh. Chính từ các hoạt động tìm hiểu, quan sát tình huống thực tế, đến các thao tác cụ thể, học sinh sẽ trả lời được câu hỏi “vì sao phải làm thế?”, “làm như thế nào?”, những bài toán sẽ trở nên dễ hiểu, thú vị chứ không trừu tượng khô cứng.
Ở các môn Tiếng Việt, Đạo đức lớp hay Hoạt động trải nghiệm lớp 1, các tổng chủ biên của bộ SGK “Cùng học để phát triển năng lực” cũng nhất quán với cách tiếp cận “đi từ thực tế và qua hoạt động học, trải nghiệm của học sinh”.
“Chúng tôi chú ý đến việc thiết kế các tình huống để học sinh có suy nghĩ, tư duy, bộc lộ cảm xúc riêng, chứ không chỉ bắt chước theo mẫu, làm theo giáo viên. Cách thiết kế bài học như thế để học sinh thấy được tôn trọng, các em hình thành dần thói quen chủ động suy nghĩ, nói lên ý kiến riêng và các em cũng biết có nhiều cách làm, nhiều phương án đúng chứ không chỉ có một phương án đúng do cô giáo đưa ra”- PGS.TS Trần Thị Hiền Lương, Chủ biên môn Tiếng Việt bậc tiểu học chia sẻ cách tiếp cận của mình và cộng sự.
Bộ SGK của “trường học mới”?
Mô hình trường học mới (VNEN) dù có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng hiện vẫn duy trì thực hiện ở 52 tỉnh, thành. Nó đã và đang thay đổi căn bản tư duy quản lý, phương pháp dạy học của giáo viên. Và một điểm thú vị là tinh thần cốt lõi của mô hình này cũng chính là điểm mới đặc trưng mà chương trình GD phổ thông mới sẽ triển khai trong năm học tới.
Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội từng là đơn vị duy nhất biên soạn tài liệu dạy học cho mô hình trường học mới trước đây. Chính vì thế mà nhiều người nghĩ rằng bộ SGK “Cùng học để phát triển năng lực” do đơn vị này tổ chức biên soạn là “sách VNEN”.
Chia sẻ về điều này, PGS.TS Phan Doãn Thoại cho biết: “Nếu xét ở góc độ tiếp cận lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm thì bộ SGK “Cùng học để phát triển năng lực” và tài liệu biên soạn cho mô hình trường học mới có cùng quan điểm. Chú trọng việc dạy-học tích cực, nội dung SGK thiết kế các hoạt động học gắn với thực tế và sách giáo viên đi kèm hướng dẫn tổ chức các hoạt động, nhằm giúp học sinh hình thành năng lực giải quyết vấn đề.
Ông Thoại cũng cho hay, bộ SGK mới đã kế thừa những yếu tố tích cực của SGK hiện hành nói chung, trong đó có những ưu điểm của mô hình trường học mới, đồng thời chú ý khắc phục những hạn chế bộc lộ trong quá trình thực hiện mô hình này.
Cụ thể, vai trò của giáo viên được xác định rõ hơn trong việc tổ chức hoạt động học của học sinh, thể hiện qua các bước hướng dẫn trong sách giáo viên.
Quan điểm “học tích cực” của học sinh không chỉ thể hiện ở các hoạt động tương tác theo hình thức chia nhóm, mà đa dạng, linh hoạt thực hiện tùy theo điều kiện dạy học.
Nhưng trong đó, đặc biệt chú trọng thao tác cá nhân của học sinh trong từng hoạt động để “không bỏ rơi một học sinh nào”, đặc biệt xử lý linh hoạt trong tình huống lớp học có sĩ số đông.
Cũng thiết kế theo chuỗi hoạt động học như tài liệu của mô hình trường học mới, nhưng SGK và sách giáo viên của bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” đều được định hướng viết theo quan điểm “mở”, dễ hiểu, dễ hình dung, thực hiện nhưng không cứng nhắc mà mang tính gợi mở cho giáo viên- học sinh linh hoạt thực hiện.
Theo Thái Bình/Dân trí
https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/sach-giao-khoa-phai-la-cuon-sach-tu-hoc-cua-hoc-sinh-20191210130602509.htm