Muốn "nói sao cho trẻ chịu nghe" thực ra không khó như nhiều cha mẹ vẫn tưởng. Thay vì ra lệnh và quát mắng, một sự lựa chọn hấp dẫn và có tính thuyết phục có thể khiến trẻ nghe lời ngay tức khắc.
“Con muốn tự mình làm hay để mẹ phụ giúp?”
Tình huống: Khi trẻ không chịu làm điều gì đó.
Những câu mệnh lệnh như: “Hãy làm ngay lập tức! Mẹ đã nói với con rất nhiều lần rồi!” sẽ không bao giờ khiến trẻ nghe theo hay buộc chúng phải hành động ngay tức khắc. Sẽ tốt hơn nếu cha mẹ đưa ra cho trẻ sự lựa chọn và không thúc giục, ví dụ như: “Con muốn tự mình làm không hay để mẹ phụ giúp?”
“Hãy xem chúng ta có thể làm những việc này nhanh như thế nào trong hôm nay”
Tình huống: Vào buổi sáng trước khi đến trường, cha mẹ muốn con làm thật nhanh những việc như ăn sáng, mang giày hay lấy cặp.
Đối với trẻ nhỏ khi đang mải mê chơi một món đồ mà mình yêu thích, đôi khi chúng cũng vô tình quên đi thời gian. Cha mẹ có thể giục hàng chục lần, thậm chí la hét nhưng trẻ vẫn không ý thức được về sự chậm trễ của mình.
Thay vì quát mắng: “Con còn làm gì đấy? Muộn đến nơi rồi có nhanh lên không?”, cha mẹ có thể thử với câu: “Còn 5 phút nữa mẹ con mình phải đi rồi. Con muốn mặc áo khoác không hay chỉ cầm tay?” hoặc “Hãy xem chúng ta có thể làm những việc này nhanh như thế nào hôm nay” để giúp trẻ hiểu rằng chúng cần nhanh hơn mà cha mẹ không cần phải thúc giục con quá nhiều.
“Con là một cô bé/ cậu bé ăn rất giỏi”
Tình huống: Khi trẻ nhất định không chịu ăn.
Nếu trẻ không chịu ăn hoặc không chịu kết thúc bữa ăn, tốt hơn hết là cha mẹ nên khuyến khích con: “Con là một cô bé/ cậu bé ăn rất giỏi”. Hãy thể hiện rằng cha mẹ rất tự hào về trẻ thay vì trách mắng chúng kén chọn. Đây không phải là cách xử lý đúng đắn trong tình huống này.
“Bình tĩnh nào. Có phải con đang cảm thấy mệt không?”
Tình huống: Trẻ muốn điều gì đó nhưng không diễn đạt được hay tỏ ra tức giận quá mức.
Hành động của trẻ có thể nói lên rất nhiều về những gì chúng muốn và cảm giác của chúng trong thời điểm đó. Trẻ có thể không nói một cách trực tiếp rằng chúng đang buồn chán hoặc mệt mỏi, nhưng những hành động như khóc, không chịu nghe lời hay ném đồ chơi đi đã cho thấy tâm trạng của chúng.
Những lúc như vậy, thay vì quát mắng, chỉ trích, cha mẹ có thể hỏi một câu rất đơn giản: “Bình tĩnh nào. Có phải con đang cảm thấy mệt không?”
“Con hãy thêm món đồ này vào danh sách gợi ý quà sinh nhật lần tới nhé”
Tình huống: Trẻ vòi vĩnh đòi mua những món đồ chơi.
Thay vì ngay lập tức từ chối mong muốn của con, cha mẹ nên nói với trẻ “Con hãy thêm món đồ này vào danh sách gợi ý quà sinh nhật lần tới nhé”. Cha mẹ cũng có thể dùng món đồ chơi mà trẻ thích làm phần thưởng khi chúng làm tốt việc gì đó. Điều này sẽ giúp trẻ giảm bớt tính đua đòi và biết kiên nhẫn chờ đợi nhận được quà từ cha mẹ.
“Cảm ơn con vì đã lắng nghe”
Tình huống: Cha mẹ nói rất nhiều lần và cuối cùng trẻ cũng chịu làm theo.
Đừng tiếc một lời khen ngợi đối với một đứa trẻ bướng bỉnh khi cuối cùng chúng đã làm theo những gì cha mẹ khuyên dặn. “Cảm ơn con vì đã lắng nghe mẹ nói. Con đang làm rất tốt đấy con yêu”. Khi nhận được một lời khen, một lời khích lệ về hành vi tốt nào đó sẽ thúc đẩy trẻ có thể lắng nghe cha mẹ nói trong tương lai.
“Con có thể giúp mẹ làm cái này một chút không?”
Tình huống: Khi muốn con dừng lại làm điều gì đó.
Khi trẻ đang hăng say chơi một thứ gì đó, thật khó để cha mẹ có thể bảo trẻ dừng lại ngay lập tức. Cho nên, đừng ra lệnh hay đòi hỏi trẻ phải làm theo ý mình. Thay vào đó cha mẹ có thể chuyển hướng trẻ sang một công việc khác. Ví dụ: “Con có thể giúp tôi đọc cuốn sách này (hoặc làm một điều gì đó) được không?".
Con có nhớ con cần làm gì không?
Tình huống: Con chuẩn bị ra ngoài chơi.
Thay vì ra lệnh con phải cẩn thận khi ra ngoài chơi, bạn hãy nói với con bằng câu trên để nhẹ nhàng nhắc nhở trẻ tự bảo vệ bản thân. Hỏi con về những gì con cần nhớ thực hiện sẽ giúp con gợi lại những tình huống mà bạn đã hướng dẫn con cách xử lý và nhắc con cách giữ an toàn khi ra ngoài.
“Mẹ yêu con và điều đó chẳng bao giờ thay đổi”
Tình huống: Khi trẻ phạm sai lầm hoặc không chịu lắng nghe
Lúc này, một số người thường nói với con là: “Mẹ không thương con nữa” hoặc “Không ai muốn ở bên cạnh con nếu con là người xấu”. Điều này sẽ làm trẻ cảm thấy bản thân thật tồi tệ và không được yêu thương.
Trong tình huống này, cha mẹ có thể thể hiện tình yêu của mình với chúng và cho con biết bạn yêu chúng đến nhường nào. Tất nhiên điều này nhằm trấn an trẻ, nhưng sau đó, hãy nói về hành động sai trái của con và mong muốn con không vi phạm trong lần sau.
Theo Trường Giang/VietNamNet (nguồn Brightside)
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/9-cau-noi-cha-me-co-the-ap-dung-khi-tre-khong-nghe-loi-596581.html