Thông tin NXB Giáo dục Việt Nam chi tiền cho lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM trong việc biên soạn SGK khiến dư luận đặt ra vấn đề việc lựa chọn sách tới đây có khách quan?
Trực tiếp chi tiền cho giám đốc, phó giám đốc Sở
Từ năm 2015, NXB Giáo dục Việt Nam đã có Quyết định số 778 về việc chi thù lao Ban Chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD-ĐT TPHCM. Trong Quyết định này danh sách chi tiền gồm có 11 người công tác ở Sở GD-ĐT TP.HCM, trong đó có cả Giám đốc Sở (trưởng ban), Phó giám đốc Sở (phó ban) và các ủy viên là chánh văn phòng, 2 phó chánh văn phòng, trưởng phòng giáo dục phổ thông, trưởng phòng giáo dục tiểu học, các phó trưởng phòng của 2 phòng chuyên môn.
Theo đó, mức chi mỗi tháng đối với trưởng ban là 6 triệu đồng, phó trưởng ban là 5 triệu đồng, ủy viên thường trực là 4 triệu đồng, ủy viên là 3 triệu đồng.
Năm 2018, NXB Giáo dục Việt Nam tiếp tục có Quyết định 04 về việc thành lập Ban chỉ đạo và mức chi thù lao Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn Bộ SGK miền Nam. 11 cá nhân có tên trong Quyết định 778 tiếp tục có tên trong danh sách đợt này.
Vừa qua khi Bộ GD-ĐT công bố danh mục 32 bản thảo sách SGK lớp 1 được phê duyệt để sử dụng trong năm học mới thì có tới 24 bản thảo là của NXB Giáo dục Việt Nam.
TP.HCM là địa bàn có số học sinh nhiều nhất nước với thị trường rộng lớn. Dư luận đặt băn khoăn việc NXB Giáo dục Việt Nam chi thù lao cho lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM để làm SGK liệu có làm ảnh hưởng tới việc lựa chọn sách ở địa phương?
Nói vậy, bởi theo Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020 quy định thẩm quyền lựa chọn SGK sẽ thuộc về UBND cấp tỉnh. Sở GD-ĐT địa phương sẽ là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong việc đưa ra các quyết sách cuối cùng.
Công ty con của NXB Giáo dục Việt Nam đứng ra chi trả
Tổng biên tập một nhà xuất bản cho hay, chính xác ở đây là Công ty Cổ phần dịch vụ xuất bản giáo dục Gia Định- một công ty con của NXB Giáo dục Việt Nam chuyên làm bản thảo sách giáo dục ở phía Nam.
Vị này cho hay, gần 3 năm trước, NXB Giáo dục Việt Nam đã tổ chức cho các tác giả sẽ tham gia viết SGK. Có khoảng 200 tác giả từ lớp 1 tới 12 với tất cả các môn học. Sau đó Công ty CP dịch vụ xuất bản giáo dục Gia Định được NXB Giáo dục Việt Nam giao tổ chức biên soạn sách và công ty đã kí hợp đồng với tổng chủ biên, chủ biên.
"Tác giả SGK của Công ty CP dịch vụ xuất bản giáo dục Gia Định gồm giáo viên các bậc học của sở GD-ĐT, giảng viên các trường ĐH và các nhà khoa học. Công ty, tập thể hoặc cá nhân đứng ra tổ chức bản thảo, xin giấy phép xuất bản thì được xuất bản sách", vị này cho hay.
Cũng theo ông, vấn đề là NXB Giáo dục Việt Nam đứng ra tổ chức bản thảo là ý họ có quyền trả tiền qua các hợp đồng. Chuyện hợp đồng sai đúng phải dựa vào Luật Xuất bản để phán xét. Còn chuyện nhận thù lao không liên quan đến việc biên soạn là không thể chấp nhận, trừ khi họ kí văn bản hợp tác.
Câu hỏi đặt ra, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ chịu trách nhiệm như thế nào? Ông khẳng định, tất nhiên nếu tổ chức biên soạn thì việc nhận tiền là đúng luật. Nhưng không tham gia tổ chức biên soạn thì việc nhận tiền khi có quyền chi phối chọn SGK là không được.
Trao đổi với VietNamNet, một thành viên có tên trong danh sách được NXB Giáo dục Việt Nam chi tiền cho rằng từ năm 2015, Sở GD-ĐT TP.HCM đã công bố sẽ tham gia biên soạn một bộ SGK. Khi phối hợp cùng NXB Giáo dục Việt Nam để tổ chức biên soạn 1 bộ sách, Sở GD-ĐT TP.HCM đã lập ban chỉ đạo, ban biên soạn. Khi thành lập rồi thì phải trả lương để họ tìm hiểu, nghiên cứu và viết là bình thường.
Đội ngũ này bao gồm lãnh đạo sở và các giáo viên tham gia viết sách và đội ngũ ban chỉ đạo là lãnh đạo sở, trong đó giám đốc là trưởng ban.
Theo vị này, các thành viên ban chỉ đạo, ban biên soạn đảm nhiệm những phần công việc khác nhau, tính chất mức độ khác nhau. Do đó, phía NXB Giáo dục Việt Nam tính toán mức thù lao phù hợp từ nguồn kinh phí là hợp lý. Ông này cũng cho rằng giám đốc sở là trưởng ban chỉ đạo, phó giám đốc sở là trưởng chuyên môn, do vậy việc được trả kinh phí là đương nhiên.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam cho hay, từ năm 2015, thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, NXBGDVN đã tiến hành chuẩn bị về nhiều mặt để tổ chức biên soạn SGK mới.
Theo đó, NXBGDVN phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM để tập hợp đội ngũ nhà giáo, chuyên gia, học giả có kinh nghiệm và thành lập Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam, nói chính xác hơn là bộ SGK được biên soạn bởi hầu hết các tác giả tại khu vực phía Nam – bộ SGK "Chân trời sáng tạo", với nhiệm vụ định hướng chuyên môn, phối hợp tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, hội thảo,… cho đội ngũ tác giả; thực hiện góp ý, chỉnh sửa nội dung của các bản thảo,…
Các thành viên ban chỉ đạo đảm nhiệm những phần công việc liên quan khác nhau và phải hoàn thành theo yêu cầu bên cạnh công việc chuyên môn thường xuyên. Trên cơ sở đó, NXBGDVN cân đối tính toán mức thù lao phù hợp từ nguồn kinh phí của mình.
“Ban chỉ đạo biên soạn bộ sách này được thành lập để hỗ trợ công tác chuyên môn, tổ chức đội ngũ tác giả, chuyên gia tư vấn cho NXBGDVN trong quá trình làm SGK mới. Sách do NXBGDVN giữ bản quyền và đăng ký thẩm định với Hội đồng quốc gia thẩm định SGK mới. NXBGDVN cũng chịu trách nhiệm về việc xuất bản, in và phát hành các cuốn SGK do NXBGDVN đăng ký thẩm định và được phê duyệt sử dụng chính thức từ năm học 2020-2021”, ông Tùng cho hay.
VietNamNet cũng đặt câu hỏi về ý kiến cho rằng khi giao việc chọn SGK về các địa phương theo Luật Giáo dục 2019 mà lãnh đạo, cán bộ của một sở GD-ĐT lại được trả thù lao hàng tháng từ NXB thì việc chọn SGK khó khách quan, minh bạch được.
Về điều này, ông Tùng dẫn quy định từ Nghị quyết 88 của Quốc hội về việc chọn sách là dựa trên "ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT", sau đó từ tháng 7/2020 thì UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn.
“Chúng tôi cho rằng các địa phương sẽ lựa chọn SGK trên cơ sở chất lượng của các bộ sách, mức độ phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cũng như khả năng của các NXB trong việc đồng hành, hỗ trợ giáo viên suốt quá trình tổ chức dạy-học”, ông Tùng nói.
Không đưa người có lợi ích vào hội đồng tuyển chọn
Một chuyên gia giáo dục cho cho rằng Luật Cạnh tranh đã quy định (Khoản 2 Điều 8) "Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh".
Còn Điều 22 về tặng quà và nhận quà tặng, Luật Phòng chống tham cũng nêu: "Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình".
Như vậy, thử đặt vấn đề nếu có các NXB khác cũng hành xử tương tự như NXB Giáo dục Việt Nam thì liệu sở GD- ĐT xử lý như thế nào?- ông đặt câu hỏi.
Còn theo ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, năm sau việc chọn sách giáo khoa thuộc thẩm quyền của trường và năm sau nữa là UBND tỉnh nên Sở GD-ĐT ít thẩm quyền. Tuy nhiên, trong các bản thảo SGK được phê duyệt thìcó tới 24 cuốn của NXB Giáo dục Việt Nam. Nên, để đảm bảo khách quan sau này khi UBND thành lập hội đồng tuyển chọn, thì không đưa vào đó người có lợi ích liên quan vào hội đồng tuyển chọn.
Theo Lê Huyền - Thanh Hùng/VietNamNet
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/nha-xuat-ban-chi-tien-cho-so-giao-duc-chon-sach-giao-khoa-co-con-khach-quan-595149.html