Bộ GD&ĐT mới chỉ công bố 32 cuốn sách giáo khoa cho 8 môn học và hoạt động trải nghiệm. Còn môn tiếng Anh, tại sao Bộ GD&ĐT chưa công bố?
Sách môn tiếng Anh, tại sao chưa được công bố. Ảnh minh hoạ
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, tại hội thảo “Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với nhiệm vụ đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, ở khu vực phía Bắc, NXB đã giới thiệu 4 bộ SGK bản mẫu đã được Hội đồng thẩm định 2 vòng.
Trong số các bản mẫu này có bản mẫu SGK tiếng Anh. Trong bộ SGK “Chân trời sáng tạo” của NXB Giáo dục Việt Nam, SGK tiếng Anh là cuốn “Family and Friends (National Edition), “Student book” của tác giả Naomi Simmons, NXB ĐH Oxford, Anh.
Một chuyên gia tiếng Anh cho biết cuốn sách này đã được dùng rộng rãi tại Việt Nam 10 năm nay. Và theo vị này thì nếu đáp ứng được yêu cầu của Chương trình thì rất hợp lý. Tuy nhiên còn phụ thuộc vào cái "lý" nào.
Nhiều câu hỏi được đặt ra
Theo quy định tại khoản 1, điều 5, thông tư 33 về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; Tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; Tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK , nội dung SGK thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục; bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Do đó, nếu lấy SGK nước ngoài làm SGK của Việt Nam thì phải có quy định, tiêu chuẩn riêng. Bởi lấy sách nước ngoài, chẳng qua các NXB buôn sách, liên kết xuất bản đề kiếm lời. Còn quy trình biên soạn SGK phải hoàn toàn khác, phải có tổ chức viết bản thảo, thực nghiệm, đánh giá… theo điểm b, khoản 1 điều 9 của Thông tư 33.
Nếu chỉ cần liên kết, hoặc nhập SGK của nước ngoài về thì chắc chắn Bộ Thông tin và Truyền Thông không cần phải phê duyệt để có 7 NXB đủ năng lực xuất bản SGK.
Lý giải về việc chưa công bố SGK tiếng Anh, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết danh mục 32 SGK đã được phê duyệt, công bố là sách của môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc; sáu bản thảo SGK tiếng Anh là môn học tự chọn (đối với lớp 1, 2) sẽ được công bố phê duyệt sau.
Tuy nhiên việc chưa công bố SGK tiếng Anh lớp 1, trên thực tế có nhiều vấn đề trái ngược với giải thích của Bộ GD&ĐT.
Một số đơn vị làm SGK cho biết, sau khi Hội đồng thẩm định đánh giá “đạt” thì xảy ra vướng mắc về tính pháp lý bởi phần lớn bản thảo SGK tiếng Anh lớp 1 do các tác giả người nước ngoài biên soạn.
Những ai đã thẩm định SGK tiếng Anh?
Đối với hội đồng thẩm định SGK, thông tư 33 cũng quy định rất rõ. Trong đó, có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 7 người. Trong nhiều lần trả lời báo chí, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết, thành viên trong hội đồng là những giáo viên đại diện cho các vùng miền của Việt Nam.
Tuy nhiên, dư luận băn khoăn với “xuất thân” của các thành viên là giáo viên trong hội đồng thẩm định môn tiếng Anh. Danh sách mà Tiền Phong có được, Hội đồng thẩm định môn tiếng Anh có 9 người.Trong đó có 5/9 thành viên là giáo viên. 5 giáo viên này thì 2 người đến từ hai trường tiểu học ở hai quận trung tâm của Hà Nội, 1 người là giáo viên tiểu học đến từ quận 1 TPHCM, 1 người đến từ Thành phố Hải Phòng. Như vậy, yếu tố “vùng miền” được thể hiện ở đây là có 1 giáo viên tiểu học đến từ thành phố Buôn Ma Thuật của Đắc Lắc.
Thành viên hội đồng thẩm định là giáo viên đến từ thành phố lớn, SGK được viết bởi các chuyên gia nước ngoài, không hiểu học sinh nông thôn, học sinh miền núi học tiếng Anh như thế nào cho đạt?
Theo Nghiêm Huê/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/giao-duc/vi-sao-bo-gddt-chua-cong-bo-sach-giao-khoa-tieng-anh-1493200.tpo