Ðể triển khai đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông, tháng 1/2017, Bộ GD&ÐT khởi động dự án vay Ngân hàng Thế giới 77 triệu USD, trong đó 16 triệu USD được chi cho việc biên soạn 1 bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, đến tháng 5/2019, Bộ GD&ÐT báo cáo không thực hiện được bộ sách.
Ðể triển khai đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông, tháng 1/2017, Bộ GD&ÐT khởi động dự án vay Ngân hàng Thế giới 77 triệu USD. (Ảnh mang tính minh hoạ. Ảnh: Hồng Vĩnh)
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Giám đốc dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT (Bộ GD&ĐT), nói rằng, 16 triệu USD trong kế hoạch không chỉ để biên soạn 1 bộ SGK mà còn biên soạn SGK song ngữ tiếng dân tộc thiểu số, mà còn dành cho việc chuyển một số SGK sang chữ nổi. Nếu Bộ biên soạn 1 bộ sách, số tiền sẽ được chi cho tập huấn, bồi dưỡng chuyên gia, thù lao cho tác giả biên soạn, thẩm định SGK...
Theo ông Thành, những dự tính trên có làm được hay không Bộ phải thống nhất với nhà tài trợ về việc tái phân bổ kinh phí cho dự án. Theo kế hoạch, từ ngày 25/11 đến đầu tháng 12, Bộ GD&ĐT và WB thực hiện kỳ đánh giá cuối năm. Hai bên sẽ bàn lại việc chi tiền cho từng cấu phần. Những việc đó đều phải được sự chấp thuận và giám sát bởi bên cho vay là WB, quy chế Bộ Tài chính và sau này là thanh tra, kiểm toán.
Nguyên nhân Bộ không biên soạn bộ SGK
Nghị quyết 88 của Quốc hội có ghi “Để đảm bảo có một bộ SGK đủ các môn học và hoạt động giáo dục, Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn 1 bộ SGK để đáp ứng yêu cầu”. Sau khi ban hành chương trình mới, Bộ cũng đã thiết kế để tổ chức biên soạn 1 bộ SGK, sử dụng tiền từ vốn vay của WB. Sau đó, bộ đã triển khai một số hoạt động chuẩn bị cho bộ sách ra đời như thông báo tuyển các chủ biên, tác giả, biên tập viên để thực hiện biên soạn.
Tuy nhiên, số tác giả, biên tập viên đăng ký không đủ số lượng để tổ chức biên soạn sách. Mặt khác, khảo sát tình hình thực tế tại thời điểm đó, các NXB cũng có chuẩn bị tương đối tích cực, hình thành được việc biên soạn các bộ SGK lớp 1 và chuẩn bị cho các lớp sau. Vì thế, Bộ GD&ĐT báo cáo Chính phủ về việc không sử dụng ngân sách nhà nước để biên soạn sách mà tổ chức xã hội hóa SGK hoàn toàn. Bộ chỉ tổ chức hội đồng thẩm định các bộ sách khác.
Lý giải về việc Bộ GD&ĐT “lép vế”, không thu hút được chuyên gia, tác giả biên soạn sách so với các NXB, ông Thành cho rằng, đơn vị tổ chức, cá nhân nào biên soạn SGK cũng phải được một NXB có chức năng xuất bản SGK đứng ra biên tập, hoàn thành bản mẫu SGK đề nghị Bộ GD&ĐT thẩm định.
Nếu Bộ GD&ĐT tổ chức làm một bộ sách cũng phải chọn 1 NXB để thực hiện việc này. Do NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị trực thuộc bộ nên để tránh chuyện độc quyền SGK, bộ quyết định không giao cho NXB này để đảm bảo tính minh bạch, khách quan, công bằng với các NXB khác muốn làm SGK.
Ðể đổi mới chương trình phổ thông, ngoài kinh phí dành cho biên soạn SGK, còn một loạt công việc khác liên quan như biên soạn tài liệu, bồi dưỡng gần 1 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, hỗ trợ các vùng khó khăn. Hiện trong thiết kế của dự án đã có nhưng không đủ. Do vậy, cần đàm phán để sử dụng nguồn kinh phí đó tăng cường, nhất là hỗ trợ cho các vùng khó khăn.
Theo Hà Linh/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/giao-duc/pha-san-soan-bo-sgk-tu-nguon-vay-bo-gd%C3%B0t-dung-16-trieu-usd-lam-gi-1492981.tpo