Việc nhiều ứng viên giáo sư có thành tích xuất sắc về khoa học vẫn bị Hội đồng Giáo sư Nhà nước “loại” đã nổ ra nhiều tranh luận trái chiều giữa các nhà khoa học. Vậy họ bị loại như thế nào? Hội đồng dựa vào cơ sở nào để loại?
>>Hội đồng Giáo sư Nhà nước lý giải vì sao 16 ứng viên "trượt" giáo sư, phó giáo sư
>>424 ứng viên giáo sư, phó giáo sư đạt đủ phiếu tín nhiệm của Hội đồng Giáo sư Nhà nước
>>Kết quả xét công nhận GS,PGS năm 2019: Nhóm nhà khoa học trẻ “ấm ức”
Trao đổi với phóng viên Dân trí về việc ứng viên giáo sư có thành tích xuất sắc nhưng vẫn bị trượt, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch Hội đồng GS ngành Vật lý (Hội đồng có 2 ứng viên giáo sư bị loại) cho rằng, việc quy đổi và bù bằng các bài báo quốc tế theo đúng Quyết định 37 (“Ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư") không đặt thành vấn đề. Vấn đề mà một số ủy viên quan tâm là việc cho thay thế và bù nên ở mức độ nào thì vẫn hoàn thành chức trách và nhiệm vụ của giảng viên.
Ông nghĩ sao khi 2 ứng viên giáo sư ngành Vật lý với tổng điểm nghiên cứu khoa học lên đến 65,70 (45 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế) mặc dù hội đồng ngành/liên ngành đã thông qua nhưng khi trình lên vòng xét của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước vẫn trượt giáo sư?
Hai ứng viên này mặc dù nhận được sự tín nhiệm rất cao của HĐGS Ngành Vật lý về năng lực công bố quốc tế, nhưng thực tế, trong quá trình họp trao đổi, thảo luận một số ủy viên cũng còn ý kiến lăn tăn về kinh nghiệm và thâm niên đào tạo trình độ cao; về sự cân đối giữa việc thực hiện chức năng của giảng viên và nghiên cứu viên, đặc biệt về tầm ảnh hưởng quốc gia và quốc tế của ứng viên.
Ở đâu cũng vậy, sự đổi mới, áp dụng quy định mới vẫn còn các luồng ý kiến khác nhau, đều thể hiện trách nhiệm đảm bảo chất lượng cả. Tại HĐGSNN, trường hợp ứng viên thiếu 2 NCS không đạt do có ý kiến thống nhất chung của hội đồng.
Còn trường hợp ứng viên thiếu thâm niên (mới được công nhận PGS năm 2018) thì không đạt đủ số phiếu. Sự xuất sắc của cả quá trình của ứng viên này thì được thừa nhận, còn sự xuất sắc chỉ tính trong năm 2018-2019 chưa đủ thuyết phục hội đồng.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức (áo trắng) trong cuộc họp Hội đồng Giáo sư Nhà nước
Hội đồng Giáo sư nhà nước cho rằng việc các ứng viên giáo sư này bị loại do không đủ điều kiện cứng là hướng dẫn nghiên cứu sinh, không có sách, không có công trình nghiên cứu…khi xét ở Hội đồng ngành thì tính các quy đổi này như thế nào?
Đối với 2 ứng viên có thành tích nghiên cứu xuất sắc này, việc quy đổi và bù bằng các bài báo quốc tế theo đúng Quyết định 37 (QĐ 37) không đặt thành vấn đề. Vấn đề mà một số ủy viên quan tâm là việc cho thay thế và bù nên ở mức độ nào thì vẫn hoàn thành chức trách và nhiệm vụ của giảng viên mà thôi.
Nhiều ý kiến tranh luận quanh việc 6 ứng viên giáo sư bị loại năm nay là cách vận dụng câu chữ sai của Hội đồng, cụ thể: Ứng viên giáo sư phải hướng dẫn ít nhất 2 nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ, ứng viên KHÔNG HƯỚNG DẪN ĐỦ thì được thay bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích…(1 nghiên cứu sinh được thay bằng 3 bài báo khoa học hoặc công trình khoa học). Vấn đề ở đây là hiểu câu KHÔNG HƯỚNG DẪN ĐỦ. Các giáo sư đã bàn bạc KHÔNG HƯỚNG DẪN ĐỦ là có hướng dẫn nhưng mà thiếu hay không hướng dẫn thì được bù? Ý kiến ông thế nào?
Về hình thức là như vậy, nhưng về bản chất không phải chỉ đơn giản là con số thiếu 1 hay 2 nghiên cứu sinh (NCS). Cho nên ta không nên bàn về cách hiểu quy định khác nhau nữa mà nên trao đổi chỉ số này phản ánh thực chất và chất lượng của các ứng viên và nên vận dụng để đánh giá như thế nào.
Một số ý kiến có trích dẫn cách làm của một số nước là bổ nhiệm GS, PGS để đủ tư cách, rồi mới hướng dẫn NCS.
Ở nước ta hiện nay, hướng dẫn NCS là chức trách, nhiệm vụ của giảng viên, là chỉ số đánh giá kinh nghiệm và năng lực đào tạo trình độ cao (bậc thạc sĩ và tiến sĩ) của một giảng viên ở trường đại học.
Thiết nghĩ, theo quan niệm đó thì việc ứng viên chưa hướng dẫn thành công một NCS nào cả cũng khó thuyết phục (trừ các trường hợp xuất sắc có thể tham gia xét đặc cách như ứng viên GS Phạm Đức Chính năm nay).
HĐGSNN, bên cạnh việc bám sát tiêu chuẩn quy định, còn thể hiện tín nhiệm biểu quyết công khai (bằng giơ tay) hoặc có ký tên khi thể hiện bằng phiếu trên cơ sở các phân tích như vậy, chứ không chỉ đơn thuần là vận dụng cách hiểu.
Các thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước
Như vậy thì cần phải có kiến nghị sửa đổi lại QĐ 37 hay có giải pháp gì khác để bảo đảm quyền lợi cho các ứng viên?
Quá trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS vừa qua HĐGS các cấp thực hiện nghiêm túc, đã xét chọn được các ứng viên xứng đáng. Trước hết, cần rà soát để ra quyết định công nhận, kịp thời tôn vinh và khích lệ các nhà giáo.
Theo tôi được biết thì HĐGSNN sẽ tổng kết và rút kinh nghiệm đợt xét đạt chuẩn GS, PGS năm 2019 vào phiên họp đầu tháng 12 tới.
Lúc đó các trao đổi về Quyết định 37 sẽ được triển khai, nhưng tôi tin tưởng rằng sự linh hoạt nếu bám sát đúng thực chất và chất lượng GS, PGS sẽ được phát huy. Sự linh hoạt đó ngày càng cần thiết không chỉ để khuyến khích các tài năng trẻ, mà còn phù hợp với lộ trình tự chủ trong đào tạo và NCKH hiện nay của các trường, đồng thời nó còn đảm bảo sự thống nhất trong đa dạng giữa các ngành, các lĩnh vực.
Sau khi công bố danh sách các ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2019 đủ số phiếu tín nhiệm thì những ứng viên không đủ số phiếu tín nhiệm, HĐGSNN đã giao cho chủ tịch hội đồng các ngành/liên ngành liên quan giải thích cho các ứng viên bị “loại” lý do họ không được xét tại hội đồng nhà nước. Hội đồng Vật lý đã giải thích ra sao và ý kiến của ứng viên như thế nào?
Trong chiều 11/11/2019, ngay sau khi cuộc họp HĐGSNN kết thúc, bản thân tôi đã trực tiếp gửi thư điện tử thông báo kết quả đến tất cả ủy viên HĐGS Ngành Vật lý và các ứng viên GS, PGS năm nay, trong đó có giải thích cho hai nhóm ứng viên không được đưa vào danh sách bỏ phiếu tín nhiệm và ứng viên được đưa vào danh sách tín nhiệm nhưng không đạt số phiếu.
Ngoài lý do cụ thể của từng ứng viên, tôi cũng đã giải thích quan điểm của HĐGSNN là năm nay, mặc dù đã có áp dụng cho phép quy đổi, thay thế một số tiêu chuẩn thiếu bằng bài báo quốc tế có uy tín, nhưng các HĐ cần đảm bảo QĐ 37, giữ mặt bằng và chuẩn chất lượng chung; cần xem xét cân đối cả kết quả nghiên cứu và đào tạo, tránh xu hướng chỉ quan tâm đến nghiên cứu khoa học thuần túy.
Quan điểm này được quán triệt khá xuyên suốt trong quá trình xét đạt chuẩn GS, PGS năm nay. Trong quá trình triển khai thực hiện ở HĐGS Ngành Vật lý, tôi có thống kê và nhận được kết quả là đối với trường hợp các ứng viên GS, PGS đạt đầy đủ các tiêu chuẩn (không phải bù và thay thế) thường chỉ đạt mức điểm xấp xỉ chuẩn đề ra, ví dụ như PGS là 10-12 điểm, nhưng tất cả các ứng viên cần phải bù tiêu chuẩn đều có tổng điểm trung bình gần gấp đôi mức điểm yêu cầu, năng lực nghiên cứu rất tốt.
Ngoài ra, tôi cũng có giải thích riêng cho một vài người. Đa số các ứng viên có sự chia sẻ tốt, nhưng có 2 ứng viên vẫn chưa thỏa mãn, viết tiếp email trao đổi trực tiếp với VP HĐGSNN và đã được VP HĐGSNN phúc đáp.
Trân trọng cám ơn giáo sư!
Theo Hồng Hạnh/Dân trí
https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tranh-luan-xet-giao-su-pho-giao-su-thanh-tich-xuat-sac-van-chua-du-thuyet-phuc-hoi-dong-20191126072402736.htm