Gần 20 năm qua, hơn 2.600 sinh viên được hỗ trợ học bổng Khuyến tài (Học bổng 1&1), trong đó khoảng 2.200 sinh viên đã ra trường và có việc làm tốt cho bản thân, giúp ích cho xã hội.
Những học sinh từng nhận học bổng Khuyến tài trò chuyện cùng "má Ngọc" (thứ hai từ trái sang) trong chương trình tọa đàm - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Hạnh phúc lớn nhất của người làm công tác khuyến học là sự trưởng thành, thành đạt của các học sinh. Trong tương lai, chương trình học bổng 1&1 có thể phát triển theo hướng 1&n hay n&1 để tăng thêm sự hỗ trợ cho các học sinh giỏi hiếu học".
Cô Lê Minh Ngọc (người sáng lập học bổng Khuyến tài)
Không dừng lại ở vật chất, học bổng mang nhiều ân tình giữa những người cho và nhận...
Ngày 24-11, Hội Khuyến học TP.HCM tổ chức tọa đàm "Học bổng 1&1 góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho TP", nhân dịp học bổng đặc trưng cho hoạt động khuyến học ở TP.HCM này chuẩn bị bước sang tuổi 20.
Từ em bé cào nghêu đến cô phó hiệu trưởng
Chị Nguyễn Thị Xuân Mai sinh ra và lớn lên tại vùng ven biển huyện Cần Giờ (TP.HCM) trong một căn nhà tình thương nhỏ. Ba bỏ đi khi chị chưa lọt lòng. Mẹ lại có tật ở chân, đi đứng khập khiễng nhưng vẫn buôn gánh bán bưng mỗi ngày. Trong cái khó, ý thức đỡ đần cho mẹ của Mai nảy nở rất sớm, bắt đầu từ năm lớp 1.
Suốt 12 năm học phổ thông, một buổi Mai đi học, một buổi theo cô chú trong xóm đi cào nghêu. Lúc ấy cơ thể chị bé còi, chỉ biết lẽo đẽo "học nghề" theo các cô chú ra biển. Nhiều hôm ra biển nước cạn vào 8-9 giờ tối, chân đạp phải cọc, vỏ sò, nghêu, dù đau nhưng Mai không thể dừng lại mà vẫn phải tiếp tục đi cùng đoàn.
"Lúc đó, tôi nghĩ mình có thể giúp đỡ mẹ nhưng vẫn phải học tập tốt. Tôi luôn cố gắng sao cho mẹ vui lòng, bởi với tôi mẹ là tất cả" - chị Mai nói.
Khi còn loay hoay chuyện tiền bạc chuẩn bị lên đại học, chị Mai đã gặp "má Ngọc" và Hội Khuyến học TP.HCM, rồi được tiếp sức suốt những năm trên giảng đường. Số tiền 1,2 triệu đồng một năm thời đó dù không thật sự lớn nhưng đủ giúp trang trải phần nào kinh phí những năm giảng đường.
"Má Ngọc đã dạy tôi rằng cứ đi rồi sẽ tới, quan trọng là có quyết tâm và có làm hay không - chị Xuân Mai, hiện là phó hiệu trưởng Trường mầm non quốc tế FOSCO, nói - Má biết tôi sức khỏe vốn không tốt, nên cho đến giờ mỗi lần gặp tôi là má luôn hỏi thăm tôi trước tiên và nhắc khám bệnh. Đó là tình cảm không chỉ dừng lại ở vật chất mà còn là cái tình, giống như cái tên 1&1 của học bổng".
Tiếp sức cho người sau
"Má Ngọc" là tên thân thương mà các bạn trẻ nhận học bổng Khuyến tài gọi cô Lê Minh Ngọc - phó chủ tịch thường trực Hội Khuyến học TP.HCM, người sáng lập chương trình. Học bổng có tên 1&1 vì được thực hiện theo phương thức một ân nhân (cá nhân hoặc đơn vị) hỗ trợ về tài chính cho một sinh viên suốt quá trình học đại học.
Cô Ngọc chia sẻ học bổng Khuyến tài mang nhiều ân tình giữa người trao và người nhận bởi họ thường gắn bó với nhau như người trong nhà, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn. Những học sinh được chọn tham gia học bổng phải hội đủ nhiều tiêu chí, trong đó ngoài hoàn cảnh khó khăn còn phải đảm bảo thành tích học tập tốt trong những năm THPT.
Năm sinh viên đầu tiên được nhận học bổng Khuyến tài năm học 1999-2000 hiện nay đã gặt hái được nhiều thành công, trong đó 1 người đã là tiến sĩ, 3 người là thạc sĩ và 1 người được bình chọn là công dân tiêu biểu của TP. "Đây là gương sáng mở đầu ý chí phấn đấu vươn lên vượt khó để thành đạt cho các em sau này" - cô Ngọc nói.
Sau 19 năm, học bổng Khuyến tài đã trao tặng các suất học bổng cho 2.639 sinh viên với sự tài trợ của 638 người và 43 tập đoàn, công ty, đơn vị với tổng số tiền gần 25 tỉ đồng. Cho đến nay, chương trình đã có 2.123 sinh viên tốt nghiệp đại học và hiện đang có công việc tốt có ích cho bản thân và xã hội.
Nhiều năm qua, Hội Khuyến học TP.HCM đã chọn ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 10 hằng năm để tổ chức ngày hội truyền thống khuyến học của TP và tổ chức lễ trao học bổng Khuyến tài cho sinh viên.
Theo cô Ngọc, hiện nay học bổng Khuyến tài là một nét đặc trưng của hoạt động khuyến học ở TP.HCM, cũng là mô hình được thực hiện thành công và được lan tỏa đến khu phố, ấp, góp phần xây dựng một TP học tập.
Năm 2019, chương trình học bổng Khuyến tài đã trao học bổng cho 114 sinh viên năm nhất và cho 402 sinh viên nhận học bổng lần 2, 3, 4, 5, 6. Tổng cộng, năm học 2019 - 2020 có 516 sinh viên nhận học bổng Khuyến tài với số tiền gần 2 tỉ đồng.
Thầy Nguyễn Văn Cải - phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (Củ Chi), một trong năm người nhận được học bổng đợt 1 - nhớ lại bên cạnh học bổng Khuyến tài, các ân nhân trước đây còn thuê hẳn một căn nhà tại trung tâm TP.HCM làm "nhà sinh viên" cho những bạn nhận học bổng có nơi ăn chốn ở thời đại học.
Tiếp đó, Câu lạc bộ Khuyến tài được thành lập, gắn kết những bạn trẻ chung hoàn cảnh để cùng nhau chia sẻ, giữ mối liên hệ và chung tay tổ chức thêm những hoạt động vì cộng đồng. Học bổng "Rước bạn theo sau" là một trong số những nghĩa cử mà những người từng nhận học bổng Khuyến tài đã thành đạt, nay giúp sức cho các em khóa sau.
Truyền ngọn lửa hiếu học Hơn 15 năm từ ngày nhận học bổng, những sự kiện của Hội Khuyến học tôi đều tham gia. Trước đây, khi vừa đi tu nghiệp ở Nhật về, tôi có để dành được một khoản tiền và ủng hộ cho học bổng của Hội Khuyến học TP.HCM. Không chỉ tôi, nhiều năm qua, gần như tất cả những người được nhận học bổng tiếp tục truyền ngọn lửa hiếu học và sẻ chia cho các thế hệ đàn em tiếp nối trong ngôi nhà chung của hội. Doanh nhân Nguyễn Vũ Linh (từng nhận học bổng Khuyến tài năm học 2002-2003) |
Theo Trọng Nhân/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/hoc-bong-khuyen-tai-an-tinh-khong-dong-dem-bang-loi-20191125080445031.htm