Chương trình giáo dục phổ thông mới đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Trao đổi với Báo Lao Động, PGS.TS Lê Anh Vinh – Chủ biên sách giáo khoa môn Toán bậc Tiểu học, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - nhận định, khó khăn lớn nhất là chuẩn bị tư tưởng cho gần 2 triệu giáo viên.
PGS.TS Lê Anh Vinh - Chủ biên sách giáo khoa Toán bậc Tiểu học - chia sẻ phương pháp "Học toán cùng con". Ảnh: LAV
Thưa ông, chương trình giáo dục phổ thông mới đang nhận được sự quan tâm của xã hội. Để chương trình đạt hiệu quả đối với việc dạy của giáo viên và việc học của học sinh, theo ông, khó khăn lớn nhất cần tập trung tuyên truyền là gì?
- Vấn đề được đánh giá hiện nay khó khăn nhất là ở khâu chuẩn bị tư tưởng cho khoảng 1,8 triệu giáo viên và cán bộ quản lý. Công bằng mà nói, kể cả so sánh với nước ngoài, trình độ giáo viên của Việt Nam là tốt nhưng có quá nhiều áp lực, trong đó có cả áp lực về thành tích và bị đặt các tiêu chí học sinh phải đạt được thế này thế kia nên sự gò bó ấy đã không thể cởi trói họ được. Nếu cởi trói được, tôi tin giáo viên hoàn toàn có thể dạy tốt hơn nữa. Năng lực của giáo viên Việt Nam, tôi đánh giá là tốt.
Theo ông, ai sẽ là người đóng vai trò quyết định việc “cởi trói” cho giáo viên trong chương trình mới?
- Điểm nghẽn là chưa tạo cho họ cơ chế, phải mở cho họ giải thoát khó khăn và vai trò rất lớn ở đây là người hiệu trưởng. Ở đâu có hiệu trưởng đổi mới, trường đó "tưng bừng" ngay. Sắp tới, Bộ đang thực hiện đào tạo giáo viên, trong đó xây dựng một hệ thống đào tạo giáo viên trực tuyến. Giáo viên sẽ vào đó và có tài khoản để học, sau đó có những buổi offline gặp gỡ thảo luận với nhau. Như vậy rất tốt.
Vậy, giải pháp nào để hiệu trưởng và các giáo viên tích cực tự “cởi trói” cho mình?
- Tôi nghĩ có vài vấn đề cần cân nhắc để làm. Thứ nhất là cần phải đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý để thay đổi chương trình này. Việc này rất quan trọng. Nhưng hiện nay, mọi người cũng nói đến khâu này nhưng chưa thực sự hiệu quả.
Thứ hai là đào tạo giáo viên không đơn thuần chỉ là nói với người ta phải làm gì mà phải xây dựng “tấm gương”, tức là xây dựng hệ thống mạng lưới giáo viên xuất sắc, những người tiên phong đổi mới thì mới thay đổi được. Có một số mạng lưới làm khá tốt ví dụ Microsoft.
Như ông vừa nói, chương trình giáo dục phổ thông mới có phải là cơ hội để giáo viên và các nhà quản lý giáo dục thay đổi chính mình. Vậy với mỗi giáo viên, yếu tố nào quan trọng nhất để mang tới hiệu quả trong giảng dạy?
- Tôi vẫn nghĩ thế này, nếu một giáo viên tốt, dạy cuốn sách giáo khoa hiện hành cũng tuyệt vời. Nhưng cơ hội đổi mới lần này một phần giảm gánh nặng cho giáo viên, cho giáo viên thêm những cơ hội để phát triển, để sáng tạo. Và cả sách giáo khoa cũng vậy, viết ra để đưa chất liệu, đưa nội dung để giáo viên có thể linh hoạt sử dụng. Sách giáo khoa cũ cũng có những nội dung gắn với thực tiễn nhưng khi dạy, mọi người bỏ qua vì áp lực thành tích.
Chương trình mới này, quan trọng nhất là sự sáng tạo của giáo viên mới mang lại hiệu quả. Không có một cách nào nếu giáo viên không thay đổi. Rất mừng là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt trọng tâm là giáo viên bởi nhận thức được vấn đề dù có làm hay đến mấy mà giáo viên làm không tốt thì việc chuyển tải tới các em học sinh cũng không hiệu quả.
Xin cám ơn ông!
Theo Đức Thành/Lao động
https://laodong.vn/giao-duc/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-co-hoi-de-giao-vien-thay-doi-766797.ldo