Trường ĐH Nha Trang công bố phương án tuyển sinh năm 2020 và có nhiều điểm mới sau khi Luật Giáo dục đại học đã có hiệu lực.
Về quy mô tuyển sinh, trường tuyển 3.500 chỉ tiêu tập trung ở các nhóm ngành III (Kinh tế, kinh doanh), V (Kỹ thuật, công nghệ) và VII (dịch vụ, du lịch, Xã hội nhân văn).
Ông Tô Văn Phương, Trưởng phòng đào tạo cho hay, Hội đồng trường Trường ĐH Nha Trang đã họp thảo luận và thông qua phương hướng tuyển sinh đại học năm 2020 theo đúng quy định của Luật Giáo dục đại học 2018 có nhiều thay đổi so với năm 2019 trong bối cảnh tự chủ đại học.
Tuyển sinh 2019 (Ảnh: Thanh Tùng)
Cụ thể năm 2020 sẽ có nhiều điểm mới, trong đó về ngành nghề đào tạo năm 2020, thực hiện quy hoạch lại ngành nghề đào tạo cũng như đóng/mở các chương trình/ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội. Đặc biệt, thống nhất chuyển ngành hẹp, chuyên sâu thành chuyên ngành của ngành gần và rộng; cụ thể: ngành Bệnh học thủy sản chuyển thành chuyên ngành của ngành Nuôi trồng thủy sản; Ngành Công nghệ Sau thu hoạch chuyển thành chuyên ngành CN Chế biến thủy sản.
Có thêm các chương trình đào tạo như Ngôn ngữ Anh - Trung; Dịch vụ hàng hải và Logistic; Kỹ thuật công trình giao thông.
Nhà trường thực hiện triển khai tuyển sinh đào tạo theo các mô hình mới (chất lượng cao) như chương trình POHE, song ngữ như: Quản trị khách sạn (POHE), Công nghệ thông tin (POHE); Quản trị du lịch (song ngữ Pháp - Việt); Quản trị kinh doanh (song ngữ Anh - Việt).
Ông Phương cho hay, về phương thức tuyển sinh, trường cơ bản giữ ổn định phương thức xét tuyển như năm 2019 nhưng có bổ sung tuyển thẳng theo hình thức riêng của trường. Cụ thể, việc tuyển sinh có phương thức chính, gồm: Xét bằng điểm tốt nghiệp THPT; Xét bằng điểm thi THPT quốc gia năm 2020; Xét bằng điểm ĐGNL của ĐHQG-HCM năm 2020; Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo hình thức riêng của Trường và theo quy chế của Bộ GD&ĐT.
Điểm mới về tổ hợp xét tuyển theo điểm thi THPT quốc gia, sẽ tập trung vào 4 tổ hợp: A00, A01, D01, D07, thay vì sử dụng 11 tổ hợp như năm 2019.
"Đây cũng là các tổ hợp chiếm 90% thí sinh đăng ký lựa chọn theo thống kê của Bộ GD- ĐT, các ngành còn lại có rất ít thí sinh lựa chọn. Còn lại các phương thức khác như điểm tốt nghiệp THPT, điểm ĐGNL của ĐHQG HCM chỉ có 1 cột điểm, không có tổ hợp xét tuyển"- ông Phương nói.
Về phân bổ chỉ tiêu cho các ngành đào tạo, ông Phương cho hay sẽ lấy 60% tổng chỉ tiêu cho phương thức dùng Điểm tốt nghiệp THPT 2020; 30% chi tiêu cho phương thức dùng Điểm thi THPT quốc gia 2020, và tối đa 10% cho Điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM 2020.
Áp dụng lấy điểm điểm sàn môn tiếng Anh cho các ngành đào tạo. Cụ thể, một số ngành áp điểm sàn tiếng Anh trong kỳ tuyển sinh năm 2020:
Theo ông Phương, những thay đổi trong tuyển sinh như trên dựa trên việc trường đã thực hiện, thông kê sinh viên nhập học theo tổ hợp xét tuyển theo phương thức điểm thi THPT quốc gia trong 2 năm trở lại đây. Trong đó năm 2018 số thí sinh xét tuyển đa dạng (11 tổ hợp xét tuyển). Tuy nhiên phần lớn các ngành xét tuyển theo 4 tổ hợp: A00, A01, D01, D07. Tổ hợp A00 chiếm hơn 50% thí sinh nhưng không có môn tiếng Anh. Một số tổ hợp có rất ít thí sinh lựa chọn, cụ thể: D03 (1TS), D97 (3TS), D96 (25TS).
Trong khi đó năm 2019, vẫn xét tuyển đa dạng với 11 tổ hợp xét tuyển nhưng chỉ có 29,1% thí sinh nhập học theo phương thức điểm thi THPT quốc gia 2019. Phần lớn các ngành xét tuyển theo 3 tổ hợp: A00, A01, D01. Tổ hợp A00 chiếm hơn 50% thí sinh nhưng không có môn tiếng Anh. Một số tổ hợp có rất ít thí sinh lựa chọn, cụ thể: D03, D14, D97, D96, D14.
Về tỷ lệ tiếng Anh đầu vào, năm 2018 không có điểm sàn tiếng Anh cho ngành Ngôn ngữ Anh; Không có các chương trình POHE, song ngữ. Nhưng năm 2019 có 2 chương trình POHE, 2 hương trình song ngữ (Chất lượng cao). Có điểm sàn tiếng Anh cho ngành NNA, song ngữ, POHE
Điểm Tiếng Anh đầu vào
Về tỷ lệ phân bổ chỉ tiêu theo các phương thức, đối với năm 2018 thực hiện xét học bạ: 30%, xét bằng điểm thi THPT quốc gia 2018: 70%. Năm 2019 thực hiện xét bằng điểm tốt nghiệp THPT: 20 - 30%; xét bằng điểm thi THPT quốc gia 2019: 70%; xét bằng điểm ĐGNL của ĐHQG-HCM 2019: <10%
Ông Phương cho hay, qua thống kê tỷ lệ SV theo địa phương học tại Trường ĐH Nha Trang, thì chủ yếu là học sinh 5 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận, Đắk Lắk.
Trong đó khảo sát hơn 2000 sinh viên về quyết định lựa chọn Trường Đại học Nha Trang do các yếu tố như: Chi phí học tập phù hợp với hoàn cảnh gia đình của bản thân (68.21%); Gần nhà, thuận tiện đi lại và sinh hoạt của bản thân và gia đình (60.54%); có uy tín cao trong số các trường đại học VN (43.90%); Hỗ trợ sinh viên thực hành, thực tập và có cơ hội việc làm tốt sau khi ra trường (34.77%); Có cơ sở vật chất hiện đại, điều kiện học tập nghiên cứu đáp ứng kỳ vọng (32.66%)…
Theo Lê Huyền/VietNamNet