GS.TSKH Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam vừa chia sẻ kiến nghị khẩn thiết của ông tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc xem xét thi trắc nghiệm hoàn toàn môn Toán THPT quốc gia.
Nhân việc đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh nêu lại vấn đề "thi trắc nghiệm" trên diễn đàn Quốc hội đã được đăng trên báo Dân trí, GS.TSKH Phùng Hồ Hải đã chia sẻ lại lá thư gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam năm 2018 về việc xem xét lại việc thi trắc nghiệm môn Toán. Bởi đây là một lời kêu cứu khẩn thiết của một nhà khoa học đối với tương lai của nền khoa học nước nhà.
GS.TSKH Phùng Hồ Hải cho biết: "Trong vòng hai năm qua, những lo lắng của tôi về mô hình thi trắc nghiệm đối với môn Toán tại kỳ thi THPT ngày càng chất chứa. Những gì Ban chấp hành Hội Toán học Việt Nam khuyến cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuối năm 2016 đã thành hiện thực. Hơn thế nữa, nhiều điều mà chúng tôi khi đó đã dự đoán nhưng vì sự cẩn trọng mà không dám tuyên bố cũng đã thành sự thực".
GS.TSKH Phùng Hồ Hải
Trong thư, GS.TSKH Phùng Hồ Hải đã phân tích 5 vấn đề không hợp lý của thi trắc nghiệm môn Toán.
Cụ thể, ngành giáo dục muốn hiện đại hóa quy trình thi cử, giảm tiêu cực, giảm chi phí, giảm vất vả cho người dân, đồng thời đưa việc thi cử về cho địa phương quản lý.
Với những tiêu chí đó thì việc sử dụng mô hình thi trắc nghiệm khách quan là phương thức hợp lý hơn cả, hơn nữa nó đã được sử dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ, quốc gia phát triển nhất.
Về mặt logic thì những lý luận đó có vẻ đúng. Tuy nhiên, điều này sai ở xuất phát điểm. Đó là: tỷ lệ đỗ của kỳ thi tốt nghiệp THPT bị không chế lên tới 90% hoặc hơn thế nữa ở đa số các vùng miền trên cả nước, do bệnh thành tích.
“Việc dùng biện pháp trắc nghiệm để tránh quay cóp chỉ khiến cho người ta quay cóp một cách công khai, trắng trợn hơn mà thôi. Những vụ việc đã được phát giác tại Hà Giang là minh chứng cho điều này” – GS. Hải viết.
Mặt khác, GS.TSKH Phùng Hồ Hải cho rằng, những vụ việc tiêu cực vừa qua thêm một lần nữa khẳng định rằng việc áp dụng máy móc, thiếu cân nhắc, thiếu chuẩn bị các mô hình nước ngoài vào Việt Nam chắc chắn dẫn tới thất bại. Chúng ta đều hiểu rằng khó khăn lớn nhất của thực tế Việt Nam là vấn đề ''con người" chứ không phải vấn đề ''cơ chế". Những mô hình cơ chế được thực hiện ở các nước tiên tiến, nhưng cứ đưa về ta là hỏng, và gây hiệu quả nghiêm trọng.
GS.TSKH Phùng Hồ Hải khẳng định những ứng dụng mới nhất của công nghệ sẽ giúp chúng ta giải quyết phần nào bài toán ''con người". Nhưng việc tổ chức kỳ thi THPT vừa qua, mặc dù sử dụng công nghệ, lại đi ngược với nguyên lý này.
Toàn bộ quy trình xây dựng đề thi, tổ chức thi, coi thi, chấm thi đều không đáp ứng yếu tố công khai và có kiểm soát (mặc dù về hình thức thì có vẻ là có).
Và hệ quả của sự mất kiểm soát, trên nền công nghệ, là sự gian lận có thể thực hiện ở phạm vi chóng mặt. Thay vì sửa điểm cho một vài học sinh, người ta sửa cho hàng trăm em và mức sửa thực sự là không có giới hạn. Có những bài thi được sửa tới hơn một ngàn phần trăm.
Thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia
Theo người đứng đầu Viện Toán học, tác hại lớn nhất của kỳ thi liên quan tới mục tiêu thứ hai của nó, là xét tuyển vào ĐH. Cho dù Bộ có nói rằng đây không phải là mục tiêu của kỳ thi, thì thực tế kết quả của nó đang được các trường sử dụng để xét tuyển và việc tổ chức nó cũng đang được thực hiện chủ yếu nhằm mục đích này.
Đây chính là lý do mà hai năm trước BCH Hội Toán học đã kịch liệt phản đối chủ trương thi trắc nghiệm.
GS.TSKH Phùng Hồ Hải dẫn chứng, mô hình trắc nghiệm về cơ bản chỉ phù hợp với các kỳ thi dạng đánh giá năng lực, không phù hợp với các kỳ thi mang tính tuyển chọn (công-cua);
Thực tế ở Hoa Kỳ, mặc dù kỳ thi SAT được tổ chức hết sức chuyên nghiệp, cũng chỉ có một tỷ lệ các trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển vào đại học, và họ cũng chỉ sử dụng kết quả này như một tiêu chí;
Việc tổ chức thi trắc nghiệm ngay trong năm 2016 là vội vàng, các kinh nghiệm dựa trên việc tổ chức thi trắc nghiệm ở ĐHQGHN, nhưng các kỳ thi trắc nghiệm ở đó chưa được tổng kết, đánh giá.
Trước đó, tại Nghị trường Quốc hội, Đại biểu Dương Minh Ánh cho rằng việc thi bằng phương thức thi trắc nghiệm đối với môn toán khiến cử tri chưa yên tâm. Cách thức thi cử, đánh giá dẫn tới việc thay đổi tư duy với các môn học theo hướng không tích cực…
Năm 2016, khi Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo phương án thi trắc nghiệm môn toán tại kỳ thi THPT quốc gia 2017, Viện Toán học cũng đã có ý kiến phản đối điều này. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức thi trắc nghiệm môn Toán tại kỳ thi này từ năm 2017.
Năm 2018, ba địa phương là Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang đã xảy ra gian lận thi cử. Trong đó, những môn được sửa điểm là môn Toán, Lý, Ngoại ngữ, Hóa và Ngữ Văn.
Theo Nhật Hồng – Thảo Chi/Dân trí