Trong hướng dẫn nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2019 - 2020 vừa ban hành, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục làm tốt việc lựa chọn nhân sự chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2020. Kỳ thi này, kết quả thi vẫn làm căn cứ để xét tuyển ĐH và giáo dục nghề nghiệp.
Thi trên máy tính, điện thoại: Sẽ hạn chế chạy chọt, cho điểm đẹp?
Băn khoăn “Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT”
Giám thị kiểm tra thí sinh trước khi vào phòng thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019 ảnh: Hồng Vĩnh
Theo văn bản hướng dẫn, kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 được tổ chức theo hướng ổn định cơ bản như năm 2019. Chuẩn bị điều kiện để thí điểm xây dựng các ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa phục vụ việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên các môn học ở cấp THPT. Trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm, tổng kết, đánh giá việc chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia 2019, chuẩn bị các điều kiện triển khai và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp năm 2020.
Cụ thể, bộ yêu cầu các địa phương, các nhà trường tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo hướng đánh giá năng lực, đảm bảo sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng kỳ thi THPT quốc gia.
Tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020 theo hướng đảm bảo kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh. Đồng thời kết quả đó cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông, làm cơ sở cho các trường ĐH, học viện, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh theo tinh thần tự chủ đã được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH.
Bộ GD&ĐT yêu cầu làm tốt công tác lựa chọn nhân sự cho kỳ thi THPT quốc gia 2020. Theo đó, chú trọng tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho các cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát. Chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia 2020, xây dựng các phương án dự phòng để xử lý các tình huống rắc rối có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi.
Tăng cường quán triệt quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đồng thời tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò thanh tra, kiểm tra, giám sát, gắn kết trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi của UBND, ban chỉ đạo thi cấp tỉnh và Sở GD&ĐT đối với các hội đồng thi.
Sau sự cố gian lận thi cử rúng động xã hội ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, kỳ thi THPT quốc gia 2020 vẫn giữ mục tiêu nhằm xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT có đưa ra một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật nhằm chống gian lận trong thi cử.
Theo Nguyễn Hà/Tiền phong