Mới bắt đầu vào năm học mới, nhưng nhiều phụ huynh đau đầu về chuyện con lười học. Thậm chí, nhiều gia đình phải lắp cả camera để theo dõi việc học của con.
Ảnh minh họa
Phụ huynh kêu giời
Có con học ở trường THCS T.C của quận Đống Đa (Hà Nội), chị Nguyễn Thùy Linh đang không biết xử lý thế nào với cậu con trai đang học lớp 8 lười học. Sở dĩ, con lười học bởi lẽ, con chị bị nghiện trò chơi điện tử.
Chị Linh cho biết, trong hai tháng hè không sát sao con, con chị bị nghiện các món game lúc nào không hay. Dù năm học mới được một tháng, nhưng con chị chưa hôm nào học bài cũng như làm bài đầy đủ. Những bài kiểm tra 15 phút đều trong tình trạng dưới điểm trung bình, thậm chí… 0 điểm.
“Hàng ngày, con đi học có một buổi, một buổi ở nhà mà không có bố mẹ kiểm soát. Lúc nào vẫn luôn dặn con học bài ở nhà nhưng xem ra con không chịu học. Sợ con chơi game, vợ chồng tôi tính lắp camera để kiểm soát việc con đi học, ở nhà làm gì. Nhưng xem ra con học cũng không chăm lên tý nào ”- chị Linh buồn bã nói.
Không giống như chị Linh, chị Nguyễn Thu Hoài, nhà ở Linh Đàm, Hà Nội có con học lớp 3 cho biết, con chị lười học, liên tục bị cô chủ nhiệm “xướng” tên và gọi điện về cho bố mẹ.
“Chúng tôi cũng chủ quan, cả tháng hè cho con chơi ở quê với ông bà, nghỉ ngơi thoải mái nên giờ vào năm học mới đã một tháng nhưng con lười vẫn hoàn lười học. Ngày nào cũng hò hét rạc cổ họng nhưng con không chịu ngồi vào bàn. Biết làm sao để con học theo được cùng các bạn đây”- chị Hoài nói.
Cũng theo chị Hoài, con chị được cô giáo nói cháu hay không tập trung trong lớp, chạy nhảy lung tung, không nghe cô giáo giảng bài, cho bài kiểm tra thì ngồi chơi, nộp giấy trắng: “Đến nước này chúng tôi đành tối nào cũng phải thay phiên nhau kè kè ngồi bên cạnh biết đâu con chăm học lên chăng?”- chị Hoài chia sẻ.
Chuyên gia nói gì?
Theo TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục độc lập cho rằng, để giúp con không lười học, các cha mẹ phải bám sát bài con học và dành cho con nhiều thời gian hơn.
Theo TS Hương, những kiến thức mà con không thích lắm cũng có thể trở nên hấp dẫn với con nếu như cha mẹ đưa con đến hiệu sách và chỉ thêm cho con những cuốn sách có nội dung như vậy nhưng sâu sắc và hài hước một chút.
Cũng theo vị chuyên gia này, phụ huynh cần luôn luôn nhắc nhở con, việc học là việc của con. Khi nhận thức rõ được việc này, con sẽ làm thật sự tốt. Học là quyền lợi, nếu con sao nhãng hoặc lười biếng, cha mẹ có thể phạt.
Cũng theo TS Hương, khi ai đó hỏi han việc học của con, cha mẹ tránh chê bai, nói xấu: “ Nếu con học chưa thực sự tốt, cha mẹ có thể nói khéo: Cháu nó rất cố gắng. Con nghe được sẽ hiểu thành ý của cha mẹ”- TS Hương nhấn mạnh.
Ngoài ra, TS Hương cho rằng, phụ huynh cần tạo tình bạn cho con với những người bạn chăm học. Cách làm không khó.
“Các bạn chăm học thường sẽ có tác động rất tốt đến tính lười biếng của con. Một chút ganh đua, một ánh mắt hơi tỏ vẻ coi thường của bạn bè sẽ khiến con động lòng tự ái mà học nhiệt tình hơn là lời mắng mỏ thúc giục của cha mẹ rất nhiều đấy”- vị chuyên gia này chia sẻ.
TS Hương nhấn mạnh, việc tạo hứng thú cho con không khó, giải quyết tính lười biếng của con cũng không khó nhưng sẽ mất thời gian và công sức của cha mẹ rất nhiều.
“Những nguyên tắc thực hiện trị tính lười phải áp dụng nghiêm. Nếu buông bỏ những nguyên tắc, nhiều hệ lụy sẽ xảy ra “- TS Hương nhấn mạnh.
Theo Đỗ Hợp/Tiền phong