11
/
79916
Áp lực của nhà trường khi tổ chức bữa ăn bán trú
ap-luc-cua-nha-truong-khi-to-chuc-bua-an-ban-tru
news

Áp lực của nhà trường khi tổ chức bữa ăn bán trú

Thứ 2, 30/09/2019 | 08:07:14
641 lượt xem

Tổ chức bếp ăn bán trú được 10 năm, hiệu phó một trường ở Hà Tĩnh chia sẻ luôn canh cánh nỗi lo an toàn thực phẩm.

Hiện hầu hết trường mầm non, tiểu học, THCS ở các thành phố đều tổ chức bữa ăn bán trú. Có hai hình thức, một là hợp đồng với đơn vị dịch vụ bên ngoài, đến giờ họ sẽ mang thức ăn đến chia cho học sinh. Cách này nhà trường sẽ không mất không gian làm bếp, tuy nhiên đồ ăn không được nóng sốt và quan trọng nhất khó kiểm soát được chất lượng.

Cách thứ hai là tổ chức bếp ăn ngay tại trường. Với cách này, nhà trường phải có khuôn viên đủ rộng, trang thiết bị đảm bảo và thầy cô phải gánh thêm nhiều việc bếp núc không liên quan đến chuyên môn dạy học. Bù lại, phụ huynh và nhà trường có thể kiểm soát được nguồn thực phẩm đầu vào, quy trình chế biến và thức ăn do không phải di chuyển xa nên khi tới tay học sinh vẫn còn ấm.

Lựa chọn cách thứ hai, hiệu trưởng một trường THPT tư thục ở quận Thủ Đức (TP HCM) cho biết, với 700 học sinh tại hai cơ sở, trường có khoảng 20 người phụ trách bữa ăn. Nhà trường sẽ lên bộ thực đơn quay vòng, đủ sử dụng cho một tháng, hợp khẩu vị với phần lớn học sinh. Nhân viên cấp dưỡng sẽ định lượng thức ăn cho từng học sinh, từ đó tính tổng số em đăng ký. Sau đó, nhân viên nhà bếp đi chợ, mang hóa đơn về cho bộ phận tài vụ.

Nguồn thực phẩm được chọn tại những nơi có chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thịt, cá, trứng mua tại các công ty cung ứng thực phẩm; rau củ quả mua tại chợ đầu mối. Sau mỗi bữa ăn, nhân viên cấp dưỡng báo cáo về tình hình ăn uống của học sinh để đề xuất lượng thức ăn tăng, giảm hoặc đổi món.

Theo thầy hiệu trưởng, từ trước tới nay trường chưa bị phản ánh về chất lượng bữa ăn hay thức ăn không đủ, có chăng là học sinh khen chê mặn nhạt, nấu chưa ngon. "Song làm bữa ăn hàng ngày cho các em rất hồi hộp, bởi liên quan trực tiếp đến sức khỏe cả trăm người, nhất là trong bối cảnh thực phẩm hiện nay. Mình chọn nơi an toàn, nhưng không có nghĩa đảm bảo tuyệt đối", ông nói.

Học sinh tiểu học ở Hà Tĩnh ăn bán trú tại trường. Ảnh: Đức Hùng

Học sinh tiểu học ở Hà Tĩnh ăn bán trú tại trường. Ảnh: Đức Hùng

Cũng chọn cách tổ chức nấu ăn bán trú, mỗi suất cơm ở trường Tiểu học Thuận Lộc (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) là 15.000 đồng. Ngoài ra, mỗi tháng phụ huynh đóng thêm 100.000 đồng tiền hợp đồng thuê người nấu, trực trưa, dọn dẹp.

Hiệu trưởng Phan Thị Hoa cho biết, hàng năm trường đặt hàng với những đơn vị cung cấp thực phẩm uy tín trên địa bàn, bắt đầu ngày mới thì lên định lượng, gọi cho họ chuẩn bị để phía nhà bếp đến lấy về chế biến. Một bữa ăn có ba món, một món mặn, rau và canh. Thực phẩm sau chế biến sẽ được trích mẫu, đóng hộp, niêm phong và để vào tủ lạnh, đề phòng xảy ra sự cố thì có mẫu mang đi kiểm nghiệm. Việc giám sát được giao cho hội phụ huynh.

Tổ chức bếp ăn bán trú được 8 năm, đến nay đã có 180/283 học sinh đăng ký, hiệu trưởng Hoa chia sẻ phục vụ đúng nhu cầu học sinh tiểu học rất khó. Chẳng hạn cùng món thịt, nhưng có cháu thích ăn mỡ, có cháu thích ăn nạc. Mỗi khi lên thực đơn, các cô và nhà bếp rất "đau đầu", phương án đưa ra là vì cái chung, chọn loại thịt chất lượng tốt nhất để nấu.

Nữ hiệu phó một trường tiểu học cũng ở Hà Tĩnh kể trước kia khi không tổ chức ăn bán trú, các thầy cô tâm lý thoải mái. Triển khai mô hình được 10 năm nay, trường chưa xảy ra sơ suất gì, song ai cũng canh cánh nỗi lo an toàn thực phẩm. "Nhiều lúc, thấy điện thoại từ phía phụ huynh hay cấp trên gọi về, tôi giật mình, sợ bị phản ánh vấn đề gì về bữa ăn", bà chia sẻ.

Theo nữ hiệu phó, bán trú chỉ là một mảng, không quyết định nhiều đến chất lượng dạy và học. Thầy cô không có chuyên môn nấu nướng hay học hành bài bản về kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Làm tốt thì không sao, lỡ có sự cố gì thì phải chịu tội nên "rất mong được phụ huynh thấu hiểu".

Ông Nguyễn Trí Bằng, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Hồng Lĩnh, cho rằng tổ chức nấu ăn bán trú, thầy cô chịu nhiều áp lực, tâm trạng lúc nào cũng căng thẳng. Nhiều phụ huynh có tâm lý "con vàng, con bạc", dù chưa biết đúng sai, lúc có chuyện bất bình là sẵn sàng chỉ trích.

Năm học 2019-2020, Hà Tĩnh thực hiện đề án sáp nhập, nhân viên y tế học đường được chuyển về bệnh viện tuyến huyện và các trạm xá xã, phường. Để kiểm tra chất lượng bữa ăn bán trú, nhà trường phải phối hợp với trung tâm y tế dự phòng và trạm xá, song không được thường xuyên.

"Các trường không có kinh phí thuê riêng một nhân viên y tế để giám sát chất lượng bữa ăn. Hiện, mọi việc đều đang nằm trong vòng kiểm soát, song nếu có sự cố đột xuất, rất khó để xử lý kịp thời", ông Bằng nói.

Thực tế ở Hà Tĩnh cũng là của chung rất nhiều tỉnh thành cả nước.

Theo Đức Hùng - Mạnh Tùng/VnExpress

  • Từ khóa

Giải thể Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục đại học

Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định giải thể Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục đại học.
20:55 - 11/01/2025
99 lượt xem

Công bố danh sách cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng

Bộ GD&ĐT công bố danh sách cơ sở giáo dục đại học và trường cao đẳng sư phạm đã được kiểm định, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.
14:22 - 11/01/2025
160 lượt xem

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học: Bổ sung nhiều điểm mới

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học được Bộ GD&ĐT đăng tải công khai, lấy ý kiến rộng rãi.
09:10 - 11/01/2025
385 lượt xem

Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải việc thi lớp 10 không 'chốt cứng' 3 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu quy định thi lớp 10 với 3 môn toán, văn và tiếng Anh từ năm lớp 6, học sinh chỉ tập trung vào 3 môn thi này, không dành...
16:49 - 10/01/2025
779 lượt xem

Ba đối tượng được dạy thêm, học thêm trong trường

Theo quy định mới về dạy thêm, học thêm, có ba đối tượng được học thêm trong nhà trường. Tuy nhiên, việc dạy thêm, học thêm những đối tượng này thuộc...
14:07 - 10/01/2025
859 lượt xem