Làm sao để học sinh vùng khó tiếp cận máy tính, ngân hàng câu hỏi đủ lớn, hệ thống máy tính đủ phục vụ thí sinh, đường truyền internet đủ tốt... là những băn khoăn khi tổ chức thi THPT trên máy tính.
Thí sinh dự thi Trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đánh giá về dự thảo phương án thi Trung học phổ thông quốc gia trên máy tính nhiều lần mỗi năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các trường đại học cho rằng việc áp dụng công nghệ thông tin vào kỳ thi là chủ trương đúng, nhưng lộ trình triển khai thế nào, chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân lực ra sao lại là điều khiến nhiều người băn khoăn.
Thí sinh miền núi sẽ thiệt thòi?
Theo phó giáo sư Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện Đại học Bách khoa Hà Nội có những học phần như ngoại ngữ, tin học đại cương được tổ chức thi nhiều ca trong ngày, thậm chí nhiều đợt trong năm. Chứng chỉ ngoại ngữ nội bộ của Bách khoa và một số môn học tổ chức trên máy, hoặc việc Đại học Quốc gia Hà Nội từng tổ chức thi đánh giá năng lực trên máy tính. Vì thế, việc thi Trung học phổ thông quốc gia trên máy là có cơ sở. Cách thi này cũng giảm thiểu sự can thiệp của con người và tạo sự thuận lợi cho thí sinh.
Tuy nhiên, phó giáo sư Trần Văn Tớp cho rằng, để xây dựng phương án thi này thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có tiến độ, chuẩn bị cho các vấn đề như mức độ tiếp cận máy tính của thí sinh khu vực khó khăn.
[Sẽ tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia nhiều đợt mỗi năm]
Phân tích cục thể hơn, ông Tớp nhận định, các thành phố lớn thuận lợi về hạ tầng, mặt bằng tiếp cận thi trên máy. Nhưng ở những nơi, vùng sâu vùng xa, có khi học sinh chỉ được tiếp cận máy tính qua phòng thí nghiệm ở trường phổ thông, giờ thực hành thí nghiệm làm trực tiếp trên máy chưa nhiều. “Vì thế, e rằng đến khi thi các em bỡ ngỡ quá. Làm thế nào để học sinh vùng khó khăn luyện tập cách thi trên máy, thực hành trên máy vì khi vào thi thì sự thuận lợi của những em đã tiếp xúc nhiều và ít tiếp xúc cũng là câu chuyện,” ông Tớp chia sẻ.
So với học sinh thành phố, học sinh miền núi, khu vực khó khăn sẽ ít có điều kiện tiếp xúc với máy tính hơn. (Ảnh minh họa: Nguyễn Duy/TTXVN)
Cần ngân hàng câu hỏi đủ lớn
Bên cạnh đó, theo ông Tớp, để tổ chức kỳ thi trên máy tính phải tập trung trí tuệ, nguồn lực, xây dựng dữ liệu đủ lớn, nhất là ngân hàng câu hỏi với mức độ khó, dễ tương đương nhau. Theo đề án, các bài thi tổ hợp sẽ hướng đến câu hỏi tích hợp kiến thức nhiều môn khác nhau. “Cần bao nhiêu tôi cũng chưa hình dung được. Rõ ràng một cơ sở làm không hết. Các câu hỏi cũng phải vừa cập nhật và vừa thay đổi,” lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội nói.
Vấn đề hạ tầng máy tính cũng là điều phó giáo sư Trần Văn Tớp băn khoăn, như hạ tầng cần có trung tâm đặt ở đâu? Máy chủ thi nằm đâu đó cố định? Đường truyền để tổ chức thi? Cách bố trí phải có phân tán, nên phân tán mức tỉnh hay huyện?
Cũng bày tỏ những lo lắng, giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, cần phải xem tác động đối với xã hội, người học, tác động để có nguồn nhân lực trong tương lai ra sao và tác động đến đổi mới nói chung.
“Muốn hay không muốn cũng phải đưa công nghệ vào, nhưng cần quan tâm các điều kiện đảm bảo tính khả thi: hình thức tổ chức ra sao, ngân hàng đề thế nào, hạ tầng cơ sở vật chất trang thiết bị và cuối cùng là các chế tài và lộ trình thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam,” giáo sư Nguyễn Văn Minh nói.
Trong thời gian tới, thí sinh sẽ không làm bài thi Trung học phổ thông quốc gia trên giấy mà thi trên máy tính. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đặc biệt chú trọng vấn đề con người
Theo giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, việc tổ chức thi trên máy tính có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, điều hết sức quan trọng và bài học từ những vụ gian lận thi cử năm 2018 là thi trên máy tính thì có điểm mấu chốt là người cầm chìa khóa phần mềm có thể can thiệp vào hệ thống và làm thay đổi kết quả thi.
“Trước kia, nếu thi trên giấy thí sinh sai phạm thì đối với từng cá nhân nhưng bây giờ một người nắm vị trí chủ chốt có thể can thiệp hàng loạt. Đây là cái mà chúng ta phải bàn luận,” giáo sư Trần Đình Đức chia sẻ.
Cũng theo ông Đức, do vấn đề trên, việc thi trên máy tính phải gắn chặt với việc coi trọng yếu tố con người, lựa chọn nhân sự làm công tác khảo thí.
Đây cũng là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đặc biệt nhấn mạnh. Theo ông Nhạ, máy tính có tốt, phần mềm có chắc nhưng vẫn là con người, máy móc không thể thay thế con người được. “Ở đây đội ngũ về công tác chuẩn bị đặc biệt là cán bộ khảo thí. Kinh nghiệm từ xương máu, nếu như chúng ta không chuẩn bị tốt, tâm thế tốt, kỹ thuật tốt, hệ thống vận hành tốt, công nghệ tốt mà xử lý không tốt thì lại chính là nguy cơ xảy ra tiêu cực,” Bộ trưởng Nhạ nói./.
Theo Hà An (Vietnam+)