Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề xuất phương án thi THPT quốc gia những năm sau 2020, nhiều ý kiến được đưa ra. Việc đổi mới rất cần thiết. Tuy nhiên, cần có thử nghiệm cho thí sinh tập dượt.
“Không thay đổi sẽ bị đào thải”
Nhận xét về phương án thi dự kiến những năm sau 2020 mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra, thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên Trường THPT chuyên Sư Phạm cho rằng, rất cần thiết phải đổi mới và chỉnh sửa các chính sách giáo dục, đặc biệt là vấn đề thi cử. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống.
Cũng theo thầy Công, những gì của kì thi trước còn bộc lộ nhiều khuyết điểm thì phải chỉnh sửa, đó cũng là điều đương nhiên.
Sở dĩ chúng ta không thể bê nguyên mô hình của nước khác vào nước mình vì các vấn đề về tài chính, sự phát triển con người và nhiều yếu tố khác không giống họ. Vậy nên, ý kiến cho rằng: “Bộ Giáo dục nghĩ ra nhiều cách làm khổ học sinh”, thật là là chưa xác đáng.
Cũng theo giáo viên này, việc đổi mới thi cử có nhiều cái lợi. Thứ nhất, thí sinh nào không muốn thi tốt nghiệp, nhà trường sẽ cấp cho giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT để các em bước vào đời, đi học các trường nghề mà chỉ cần xét tuyển.
Điều này là một bước tiến lớn trong việc phân luồng giáo dục, sẽ có nhiều học sinh được phân luồng từ sớm hơn nhất là từ sau lớp 9 để giáo dục nghề nghiệp được chú trọng hơn. Các nghề của thị trường lao động sẽ có nhiều nhân sự chuyên tâm hơn.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) kiểm tra công tác chấm thi THPT quốc gia 2019 tại Thanh Hoá.
Thứ hai, thay vì thi 3 môn riêng rẽ trong tổ hợp KHTN và KHXH như hiện nay, sau này sẽ có một bài thi tích hợp 3 môn. Điều này giúp học sinh dễ dàng tiếp cận thế giới tự nhiên hơn.
“Việc tích hợp 3 môn vào một bài thi là bước tiến lớn trong dạy học phát triển tư duy học sinh và áp dụng giải quyết các vấn đề cuộc sống”, thầy Công nói.
Thứ ba, có ý kiến cho rằng, việc đổi mới bằng cách thức làm bài trên máy tính sẽ khó khăn cho học sinh nghèo. Thầy Công, hệ thống giáo dục phổ thông có môn Tin học và các em đều đã được dạy kỹ năng sử dụng máy tính, công nghệ thông tin. Do đó, không có lý do gì để bảo rằng các em không sử dụng được máy tính.
Mặt khác, giáo viên này cho rằng, thi trên máy tính nhưng các em vẫn làm trên nháp như bình thường, chỉ tích các phương án trên máy tính và ấn nút hoàn thành bài và nộp bài.
Thi trên máy tính, các em có thể biết được điểm ngay sau khi thi, hạn chế tiêu cực trong khâu chấm thi. Và quan trọng không kém, các em được thi nhiều đợt trong năm, lấy kết quả của lần thi cao nhất, điều này tạo điều kiện cho học sinh hơn hiện tại rất nhiều.
Cùng với quan điểm này, một cán bộ ở Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhất trí với đề xuất phương án thi của Bộ GD&ĐT, cần phải điều chỉnh sớm thi trên giấy sang máy tính.
Tuy nhiên, ông cho rằng, phải căn cứ hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương và không thể sớm tổ chức thi trên máy tính đồng loạt.
Cần lộ trình và triển khai thí điểm
Nhận xét về phương án dự kiến thi trên máy tính sau này, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, cần nghiên cứu về hình thức thi trên máy tính để phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam, cũng như tác động đến người học, nguồn nhân lực trong tương lai. Bởi, thi cử liên quan trực tiếp người dân.
Bộ GD&ĐT cần làm rõ những luận cứ về khoa học như lý do đưa ra hình thức thi tự luận hay trắc nghiệm, cách thức thi như thế nào phù hợp, đảm bảo độ tin cậy và tính mục đích của kỳ thi.
Thầy Đào Tuấn Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Anhxtanh (Đống Đa, Hà Nội) thì cho rằng, việc thi trắc nghiệm như hiện nay còn bị can thiệp để thay đổi điểm. Do đó, thi trên máy tính, nếu bị hack thì sẽ xử lý ra sao?
"Chúng ta đừng quên, phải xác định kỳ thi đó là tốt nghiệp hay vào đại học. Từ đó, mới bàn tới chuyện chuyên môn và cách tổ chức kỳ thi", ông Đạt nói.
Cũng đề xuất nên có thí điểm và tập dượt trước khi tổ chức thi đồng loạt, thầy Nguyễn Thành Công cho rằng, nên có lộ trình rõ ràng và tập dượt cho thí sinh bằng nhiều cách như thi thử hay các biện pháp tương đương.
Việc tổ chức thi trên máy tính, cũng là cách để đầu tư cho các địa phương có cơ sở hạ tầng còn yếu.
Nhiều người lo ngại ,thi trên máy tính sẽ có sai sót hay can thiệp về kĩ thuật để thay đổi kết .
Trước lo ngại thi trên máy tính sẽ có sai sót hay can thiệp về kĩ thuật để thay đổi kết quả, thầy Công cho rằng: “Chúng ta lại quay lại vấn đề con người. Kể cả thi trên giấy hay trên máy đều có tiêu cực. Vấn đề làm sao để tăng dần trình độ của người tham gia kì thi và tăng lòng tự trọng, may ra giảm được tiêu cực”.
Tuy nhiên, giáo viên này vẫn giữ quan điểm, cần thiết phải đổi mới. Trong quá trình thực hiện, sẽ có rút kinh nghiệm.
Về xét tuyển của các trường đại học, thầy Công cho hay, hiện nay Bộ GD&ĐT đã giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường.
Các trường hoàn toàn có thể có các phương án thi riêng, sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, tuyển thẳng dựa trên kết quả các kỳ thi học sinh giỏi, xét tuyển học bạ, xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia ...
Tuy nhiên, việc tổ chức một kỳ thi riêng của các trường đại học hiện nay khá khó vì... cái lợi không đủ lớn để các trường thi tuyển sinh riêng.
Cho nên, thí sinh cần theo dõi sát sao các trường mà mình quan tâm để hiểu được phương thức xét tuyển, thi tuyển hàng năm của trường là gì. Dựa trên kết quả học tập của mình để có những bước đi phù hợp cho việc ứng tuyển vào các trường mà mình mong muốn.
Theo M.Hà/Dân trí