11
/
79753
Nuôi dạy trẻ tài năng như thế nào?
nuoi-day-tre-tai-nang-nhu-the-nao
news

Nuôi dạy trẻ tài năng như thế nào?

Thứ 4, 25/09/2019 | 17:31:56
611 lượt xem

Để nuôi dưỡng thành công những đứa trẻ tài năng, cha mẹ cần lưu ý đến hai khía cạnh nền tảng, theo trang Raise Smart Kid.

Một là cha mẹ nên mở rộng và phát huy tối đa tiềm năng của trẻ. Hai là không tạo áp lực quá nhiều trong việc nuôi dạy trẻ.

Sau khi quan sát phương pháp giáo dục của cha mẹ có con tài năng, các nhà nghiên cứu đã đưa ra phương thức phát triển hiệu quả năng khiếu của trẻ dựa theo hai khía cạnh nền tảng nói trên.

Những điều nên làm

1. Tham gia vào quá trình phát triển năng khiếu của trẻ. Ví dụ, khi con chơi đàn, bạn có thể ngồi bên lắng nghe, vỗ tay ủng hộ hoặc khen ngợi. Nếu cha mẹ luôn ở bên cạnh, con sẽ có động lực để phát huy tài năng của mình.

2. Cần nhấn mạnh tầm quan trọng của sự khó khăn. Ngay cả những tài năng giỏi nhất cũng chỉ có thể thành công thông qua quá trình rèn luyện khó khăn. Vì vậy, bạn hãy luôn nhắc nhở con hoàn thành xong việc trước khi đi chơi hoặc làm việc khác. Nếu trẻ không hứng thú, hãy lấy đó làm bài học của việc vượt qua khó khăn và tưởng tượng thành quả đạt được sau khi vượt qua. Điều này sẽ tạo nên những lớp gạch nhỏ trong hành trình con bạn chinh phục khó khăn sau này.

3. Sử dụng thời gian hiệu quả. Một đứa trẻ tài năng phải học cách sắp xếp thời gian hiệu quả, không thể chỉ dành toàn bộ cho lĩnh vực chúng đam mê. 

4. Tạo môi trường đa dạng để phát triển tài năng. Bạn có thể tìm giáo viên giỏi để dạy trẻ hoặc đăng ký cho chúng theo học những ngôi trường tốt nhất trong khả năng của gia đình. Ngoài ra, bạn có thể cho con tham gia các cuộc thi hoặc chương trình tài năng. Đây sẽ là cơ hội để con tìm hiểu về lĩnh vực của mình và cọ xát với những người giỏi trong lĩnh vực đó.

5. Lựa chọn chương trình học vượt cấp. Nếu trẻ có tài năng vượt qua độ tuổi, cha mẹ nên chấp nhận cho con tham gia những chương trình học cao hơn, phù hợp với trình độ của chúng. Không ít phụ huynh cho rằng việc học vượt cấp sẽ đánh cắp tuổi thơ của trẻ, khiến chúng phát triển trái với tự nhiên. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu giáo dục chỉ ra việc tăng tốc thực sự mang lại lợi ích cho trẻ tài năng.

6. Tiếp cận tài năng theo những cách khác nhau. Đọc sách, nghe nhạc hoặc xem phim... là những sản phẩm giải trí, nhưng cũng là cơ hội để trẻ tìm hiểu đa dạng về lĩnh vực của mình.

7. Tạo không gian riêng cho trẻ. Với những gia đình có phòng riêng cho trẻ, hãy biến căn phòng thành nơi trẻ luyện tập và phát triển năng khiếu của mình. Những gia đình chưa có phòng riêng cho trẻ có thể cân nhắc đến việc tạo không gian riêng để trẻ thoải mái rèn luyện.

8. Đánh giá sự tiến bộ, điểm mạnh, điểm yếu của trẻ. Một đứa trẻ tài năng có thể giỏi hơn những người đồng trang lứa nhưng không phải một đứa trẻ hoàn hảo. Vì vậy, phụ huynh hãy luôn theo dõi, bám sát quá trình phát triển của con, tìm ra điểm mạnh, điểm yếu để thay đổi.

9. Trao thưởng và khen ngợi. Nhấn mạnh niềm vui và niềm tự hào của bạn và con khi chiến thắng hoặc đạt thành tích là cách tiếp thêm động lực để trẻ phấn đấu.

10. Thiết lập mục tiêu và ưu tiên. Bạn nên dạy trẻ cách lên kế hoạch, lập mục tiêu và thực hiện các ưu tiên. Hãy nhắc nhở con rằng có tài năng trong thời điểm hiện tại nhưng việc lập mục tiêu và thực hiện kế hoạch sẽ giúp con phát huy tối đa tài năng về sau này.

Kairan Quazi, thần đồng Mỹ vào đại học lúc 9 tuổi. Ảnh: Erika Alvero

Kairan Quazi, thần đồng Mỹ vào đại học lúc 9 tuổi. Ảnh: Erika Alvero

Những điều nên tránh

1. Không thể hiện tình yêu với trẻ. Cha mẹ thường dành quá nhiều sự chú ý cho năng khiếu của con và khiến chúng nghĩ rằng mình được yêu chỉ vì có năng khiếu. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy bất an, sợ rằng sẽ đánh mất tình yêu nếu không đáp ứng mong đợi của bạn. Hãy chứng minh cho con thấy bạn yêu chúng ngay cả khi không có tài năng.

2. Chỉ học lĩnh vực trẻ có năng khiếu. Bạn đừng để trẻ quá tập trung vào năng khiếu mà hãy để làm quen với những lĩnh vực khác. Bằng cách đó, trẻ sẽ tận hưởng tuổi thơ thông qua việc tiếp cận phương pháp kích thích trí tuệ khác nhau.

3. Không tận hưởng cuộc sống. Phụ huynh không nên bắt trẻ làm việc quá nhiều để rèn luyện tài năng. Hãy nhớ rằng con bạn chỉ là một đứa trẻ và nên được tận hưởng thời thơ ấu bằng các hoạt động vui chơi với bạn bè.

4. Khiến trẻ căng thẳng. Trẻ tài năng thường dễ nổi nóng, căng thẳng vì hướng tới sự hoàn mỹ trong công việc và chúng sẽ cảm thấy bất lực khi thất bại. Đừng thêm vào những lời mắng mỏ hay bộc lộ sự thất vọng của bạn khi con không đạt được mong đợi. Thay vào đó, hãy an ủi và nhắc trẻ nhớ rằng giá trị của một con người không nằm ở những thất bại mà người đó nếm trải. Ngoài ra, hãy dạy trẻ rằng thất bại là một phần của cuộc sống, rằng "thất bại là mẹ thành công".

5. Khoe khoang về con cái. Cha mẹ có con tài năng thường cảm thấy hãnh diện và tự hào nhưng việc khoe khoang con là không cần thiết. Điều này sẽ khiến trẻ nảy sinh thói tự mãn về bản thân, lười cố gắng hoặc áp lực phải đạt được kỳ vọng của cha mẹ.

6. Giấu con việc chúng là trẻ tài năng. Nhiều phụ huynh thường gặp khó khăn khi nói với trẻ sự thực chúng là ai và chúng khác với những bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên, dù khó khăn, bạn vẫn nên cởi mở chia sẻ vấn đề này để con nhìn nhận đúng về bản thân. Ngoài ra, hãy luôn trò chuyện cùng con để xây dựng mối quan hệ tình cảm và giúp con nếu gặp vấn đề.

7. Áp đặt cuộc sống của phụ huynh lên trẻ. Giả dụ khi xưa bạn bị cha mẹ cấm học đàn piano và khi thấy con có năng khiếu nghệ thuật, bạn bắt chúng học piano để hoàn thành ước mơ hồi bé của mình. Đây là một sai lầm. Con bạn có cuộc sống riêng. Dù trẻ có thể có năng khiếu trong cùng lĩnh vực với cha mẹ nhưng có lựa chọn riêng và cách riêng để phát huy khả năng của mình.

8. Cố gắng trở thành cha mẹ hoàn hảo. Không bậc phụ huynh nào là hoàn hảo, ngay cả cha mẹ của những đứa trẻ tài năng. Không phải vì con bạn giỏi nên bạn cũng phải xuất sắc mới có thể nuôi dạy chúng. Hãy chấp nhận thực tế rằng trẻ tài năng khó nuôi dạy hơn những đứa trẻ bình thường và những khó khăn, thất bại khi bạn nuôi dạy trẻ tài năng là hoàn toàn bình thường.

9. Nuôi dạy khép kín. Không chỉ trẻ tài năng cần được giao tiếp và trải nghiệm xã hội mà những gia đình của trẻ tài năng cũng cần như vậy. Bạn hãy tìm đến tổ chức, cộng đồng gia đình nuôi dưỡng trẻ tài năng để học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ vấn đề nuôi dạy. Ngoài ra, con bạn cũng sẽ có cơ hội làm quen với những người bạn có trình độ tương đương.

10. Kỳ vọng quá nhiều. Thế giới có rất nhiều người giỏi và con bạn có thể không phải là giỏi nhất. Nếu con bạn đã cố gắng hết sức, hãy thấy hài lòng, thỏa mãn với nỗ lực của trẻ. Bạn đừng nên đặt quá nhiều kỳ vọng, thậm chí những kỳ vọng viển vông vì nó sẽ chỉ khiến bạn và trẻ áp lực, làm rạn nứt mối quan hệ gia đình.

Theo Tú Anh/VnExpress (nguồn Raise Smart Kid)

  • Từ khóa

Giải thể Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục đại học

Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định giải thể Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục đại học.
20:55 - 11/01/2025
83 lượt xem

Công bố danh sách cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng

Bộ GD&ĐT công bố danh sách cơ sở giáo dục đại học và trường cao đẳng sư phạm đã được kiểm định, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.
14:22 - 11/01/2025
141 lượt xem

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học: Bổ sung nhiều điểm mới

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học được Bộ GD&ĐT đăng tải công khai, lấy ý kiến rộng rãi.
09:10 - 11/01/2025
366 lượt xem

Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải việc thi lớp 10 không 'chốt cứng' 3 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu quy định thi lớp 10 với 3 môn toán, văn và tiếng Anh từ năm lớp 6, học sinh chỉ tập trung vào 3 môn thi này, không dành...
16:49 - 10/01/2025
762 lượt xem

Ba đối tượng được dạy thêm, học thêm trong trường

Theo quy định mới về dạy thêm, học thêm, có ba đối tượng được học thêm trong nhà trường. Tuy nhiên, việc dạy thêm, học thêm những đối tượng này thuộc...
14:07 - 10/01/2025
840 lượt xem