Trong bản kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ngày 23/9/2019, PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào, đại diện Trung tâm Công nghệ Giáo dục cho rằng, sách Tiếng Việt và Toán Công nghệ giáo dục đã được đánh giá thẩm định nhiều lần, được cuộc sống lựa chọn sử dụng. Do đó, không nên chỉ đánh giá bộ sách này theo thông tư và những chỉ báo mà Hội đồng thẩm định đang áp dụng.
>>Sách công nghệ bị loại từ vòng 1: Trung tâm của GS Hồ Ngọc Đại gửi kiến nghị đến Thủ tướng
>>Mẹ GS Ngô Bảo Châu: “Đột ngột dừng chương trình SGK Công nghệ là đáng tiếc!”
Khắc phục tình trạng tái mù và ngồi nhầm lớp
Cụ thể, tại bản kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, tập thể cán bộ Trung tâm Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại bày tỏ ý kiến không đồng tình với đánh giá của Hội đồng, với một số lí do.
Bộ sách Công nghệ giáo dục được hình thành và phát triển trong quá trình nghiên cứu và thực nghiệm công phu (trên 40 năm), từ ý tưởng khoa học đến hệ thống lí luận, triết lí giáo dục, đã trở thành một phương án giáo dục mới cho bậc Tiểu học.
Đến nay, những quan điểm của Công nghệ giáo dục đã được áp dụng khá rộng rãi như: lấy học sinh làm trung tâm, mỗi ngày đến trường là một ngày vui, đi học là hạnh phúc, học sinh học tập đảm bảo an toàn, đạt chất lượng cao.
Cùng với đó, bản kiến nghị cũng đưa ra một số dấu mốc chính, đánh giá thành công nhất định mà bộ sách đã trải qua trước đây.
Bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại từng được khuyến khích sử dụng để chống tình trạng lưu ban, ngồi nhầm lớp.
Cụ thể, năm 1979, cải cách giáo dục lần thứ III, cả nước thống nhất học sách cải cách, chỉ có Trường Thực nghiệm học sách của GS. Hồ Ngọc Đại.
Năm 1986, nhận thấy có năm có tới 650.000 học sinh lưu ban trên tổng số gần 2 triệu học sinh lớp 1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình lúc đó đã quyết định khuyến khích các địa phương dùng bộ sách của GS. Hồ Ngọc Đại.
Năm 2000, Bộ GD&ĐT thống nhất một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước theo chương trình 2000. Sách Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại bị đưa ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông.
Năm 2006, ngành Giáo dục phát hiện nạn ngồi nhầm lớp diễn ra phổ biến, có học sinh sáng học lớp 6 chiều học lớp 1 để tập đọc. GS. Hồ Ngọc Đại đưa sách giáo khoa Công nghệ giáo dục quay trở lại qua đề tài nghiên cứu cấp Bộ: “Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số”. Tỉnh Lào Cai đề nghị áp dụng đầu tiên.
Năm 2008, Bộ GD&ĐT quyết định cho thí điểm tiếp ở 5 tỉnh. Đến năm học 2011 - 2012, có 35 tỉnh triển khai thí điểm Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục.
Năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ thuật ngữ “thí điểm”, tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục được xem là một phương án dạy học chính thức để các tỉnh thành lựa chọn.
Từ năm 2016 đến nay, có 48 tỉnh tham gia dạy học sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục trên tinh thần tự nguyện của các địa phương.
Riêng trong năm học 2018- 2019, có hơn 900.000 học sinh đang học chương trình sách giáo khoa công nghệ.
Sách công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại
Có nên đem cuộc sống ra thẩm định?
Cũng tại bản kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào - người đứng tên trên văn bản đã chỉ ra, năm 1990, Hội đồng cấp Nhà nước nghiệm thu, đánh giá tốt và kiến nghị Bộ GD&ĐT cho phép triển khai ở những địa bàn có điều kiện.
Sau đó, được phép triển khai và áp dụng dưới dạng một dự án chuyển giao Công nghệ giáo dục bậc Tiểu học.
Dự án đã được đánh giá nghiệm thu năm 1994, đạt kết quả tốt với những nhận xét: “Đây là dự án triển khai tốt, có hiệu quả, nhằm đưa nền giáo dục tiểu học của nước ta tiếp cận trình độ của khu vực và thế giới.”
Hội đồng đề nghị: “Bộ cho dự án chuyển giao Công nghệ giáo dục bậc tiểu học được tiếp tục”.
Từ sau năm 1994 đến nay, GS. Hồ Ngọc Đại và Trung tâm Công nghệ giáo dục vẫn tiếp tục hoàn thiện bộ sách tiểu học.
Gần đây nhất, liên tiếp trong hai năm 2017 - 2018, bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục đã được Hội đồng thẩm định Quốc gia do Bộ GD&ĐT thành lập thẩm định lại, các nhà chuyên môn đánh giá cao.
Sách Công nghệ giáo dục không sinh ra từ chương trình cải cách giáo dục lần thứ III, cũng không dựa vào chương trình đổi mới năm 2000.
Trong khi sách giáo khoa chính thống đến nay phải qua hai đợt cải cách, thì sách Công nghệ Giáo dục đã qua ba lần thẩm định (năm 1990, năm 2017 và năm 2018) mà chưa phải cải cách lần nào.
Trong khi sách giáo khoa chính thống đến nay phải qua hai đợt cải cách, thì sách Công nghệ Giáo dục đã qua ba lần thẩm định (năm 1990, năm 2017 và năm 2018) mà chưa phải cải cách lần nào, chỉ chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để phát triển.
“Bộ sách này không giống sách cải cách giáo dục được triển khai trên phạm vi cả nước năm 1981, không giống sách của chương trình tiểu học năm 2000.
Nó góp phần tích cực làm lành mạnh và phát triển giáo dục tiểu học trong thập niên 90 của thế kỉ trước cũng như giai đoạn từ năm học 2006 – 2007 đến nay.
Bộ sách này không cần thay mới như sách cải cách hay sách của chương trình tiểu học năm 2000, mà là bộ sách mới được cuộc sống lựa chọn sử dụng”, văn bản nêu.
Chính vì thế, bản kiến nghị cho rằng, sách Tiếng Việt và Toán Công nghệ giáo dục đã được đánh giá thẩm định nhiều lần. Vì vậy, không nên đánh giá sách giáo khoa Công nghệ giáo dục theo thông tư và những chỉ báo mà Hội đồng thẩm định đang áp dụng.
PGS. TS Trần Lưu Vân Hiền, mẹ của GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ, nếu đột ngột dừng chương trình sách công nghệ giáo dục quả là đáng tiếc.
Cũng theo PGS Hiền, hiện tại chương trình Công nghệ Giáo dục đã mở rộng ra mấy chục tỉnh có trường thực nghiệm, áp dụng chương trình Công nghệ Giáo dục, được đón nhận. Thậm chí, có cô giáo dạy trường Thực nghiệm Hà Nội khi về hưu mở trường Công nghệ giáo dục, chỉ sau một năm đã rất đông phụ huynh cho con theo học.
Bà cho rằng, có thể thấy cách dạy, cách học ấy khiến phụ huynh tin tưởng chứ không phải vì cá nhân nào như Ngô Bảo Châu mới tạo ra sức hút như vậy.
Theo Mỹ Hà/Dân trí