Từ câu chuyện sách của GS Hồ Ngọc Đại bị loại, câu hỏi đặt ra là sách giáo khoa được chọn theo tiêu chí nào? Đa số ý kiến cho rằng các tiêu chí quan trọng là gần gũi, phù hợp lứa tuổi, không gây quá tải...
Sách tiếng Việt công nghệ giáo dục: 'Nói khó, hãy hỏi trẻ con'
Sách giáo khoa Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại bị loại khỏi vòng thẩm định
Sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại bị loại: Nên lấy thực tế làm tiêu chí thẩm định
Soạn sách: thống nhất hay duy nhất?
Gần gũi, phù hợp lứa tuổi, không "quá tải"... là những yêu cầu của SGK qua nhiều góc nhìn - Ảnh: NHƯ HÙNG
Điều quan trọng là SGK không gây khiến học sinh và giáo viên quá tải, do đó rất cần bám sát nội dung chương trình và kết quả học tập kỳ vọng (chuẩn đầu ra)".
— TS Hoàng Ngọc Vinh —
Để đánh giá lựa chọn sách giáo khoa, mỗi quốc gia có các tiêu chí cụ thể khác nhau, nhưng về tổng thể thì thường đánh giá về nội dung, việc dạy và học, cấu trúc và tổ chức sách giáo khoa, ngôn ngữ, trình bày.
Ở Việt Nam, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư số 33/2017 chia ra 13 tiêu chí đánh giá sách giáo khoa (SGK), căn cứ vào đó để Hội đồng thẩm định SGK xem xét. Tuy nhiên, so với một số quốc gia khác, họ chia nhỏ các tiêu chí ra làm các nội dung khá cụ thể.
Theo ADB (Những chính sách về sách giáo khoa ở Asia, 2018), những biểu hiện chung của SGK bao gồm:
1. Đặc trưng và chức năng của một cuốn SGK chất lượng cao cần bám sát vào chương trình do các chuyên gia môn học biên soạn và được đánh giá bởi các giáo viên chuyên nghiệp (teacher-experts).
2. SGK có thể cung cấp phương pháp sư phạm phù hợp. SGK cần cung cấp những trải nghiệm học tập phù hợp với kiến thức và các năng lực được dạy. Nhờ đó mà học sinh có thể phát triển theo thời gian và đủ để giáo viên theo dõi, hỗ trợ tất cả học sinh qua đánh giá việc học của học sinh.
3. Tính sư phạm của SGK phù hợp với môn học và trình độ để giúp cho việc thiết kế chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.
4. Tài liệu hướng dẫn giáo viên cần:
- Chủ đề sẽ được dạy và phương pháp cần khuyến khích với mối liên hệ chặt chẽ với chương trình và đề cương của SGK.
- Có giải thích mối liên hệ chủ đề trước và sau để kế hoạch dạy học tổng thể là nhất quán và theo trình tự tốt.
- Các bước dạy thực hành.
Để cụ thể hơn tiêu chí về nội dung SGK, người ta nhấn mạnh phải bám sát chương trình giáo dục về các bình diện: mục tiêu, nội dung, chiến lược dạy và học, kiểm tra đánh giá.
Nội dung SGK phải đảm bảo đủ để đạt được mục tiêu mà không cần tài liệu bổ sung và phản ánh nội dung cốt lõi của chương trình môn học, không có thông tin thừa. Thông tin hay số liệu phù hợp và chính xác, cần chỉ rõ nguồn.
Những khái niệm rõ ràng và chuẩn xác cùng các ý gắn kết với nhau. Những ví dụ hoặc minh họa trong SGK phải có tác dụng thu hút sự quan tâm của học sinh và phù hợp với trải nghiệm của học sinh. Những khái niệm mới đưa ra cần có sự dẫn dắt kết nối với khái niệm cũ. Đảm bảo sự hài hòa độ sâu và rộng của kiến thức.
Nội dung trình bày đi từ cụ thể đến trừu tượng và mức độ khó tăng dần đảm bảo sự chuyển tiếp trơn tru qua các giai đoạn và lớp học khác nhau. Không có sự lặp lại nội dung, đồng thời không có sự phân biệt về giới tính, dân tộc, tôn giáo, chủng tộc... SGK có thể đánh dấu những chỗ liên hệ giữa các chủ đề hoặc các khái niệm liên quan nhau.
Ngoài ra, SGK còn giới thiệu danh mục bài hoặc địa chỉ website nhằm giúp cho học sinh đọc thêm khi cần thiết, và từ ngữ liên quan đến kiến thức hoặc khái niệm mới để dễ tra cứu.
SGK thể hiện được chiến lược dạy và học của giáo viên và học sinh. Sự phát triển các kỹ năng cơ bản sẽ thể hiện ở các hoạt động học tập nhằm giúp cho học sinh cách học đảm bảo chứa đựng sự cân bằng các kỹ năng ở các lớp chứ không chỉ nhấn mạnh vào kiến thức.
Đây là điểm khác với tiêu chí đánh giá SGK của ta vốn chú trọng nội dung kiến thức. Các kỹ năng thông tin cần được thể hiện ở SGK như thu thập thông tin, nhớ, tổ chức, hiểu ý nghĩa, phân tích thông tin và khái quát hóa.
SGK còn phải giúp cho học sinh trải nghiệm học tập của mình qua việc tìm kiếm thông tin từ những nguồn khác nữa và có thể đánh giá, kiểm soát được quá trình tư duy để có những hành động học tập phù hợp. SGK thể hiện những hoạt động học tập sao cho học sinh có thể tích hợp chủ động kiến thức, thực tế và áp dụng kiến thức mới.
Quá trình các hoạt động này liên quan đến nội dung SGK, kết nối chủ đề đã học với chủ đề mới, phản ánh điều đã được học và vận dụng kiến thức sang bối cảnh mới, khuyến khích việc tự học và học suốt đời ở học sinh.
Phụ huynh cùng con đi mua SGK, dụng cụ học tập cho năm học mới - Ảnh: NHƯ HÙNG
Điều quan trọng là SGK không gây ra sự quá tải của học sinh và giáo viên, do đó rất cần bám sát nội dung chương trình và kết quả học tập kỳ vọng (chuẩn đầu ra) khi kết thúc một tiết dạy hay một bài hoặc một môn học trong chương trình.
Việc sắp xếp và bố cục SGK tuân theo logic của chương trình, những từ khóa và khái niệm cơ bản cần được lưu ý và tạo điểm nhấn. Chương, mục, các tiểu đề mục rõ ràng và trình bày tóm lược mục tiêu ở mỗi chương và tóm lược những nội dung trọng tâm nhất ở cuối mỗi chương. Ở những SGK tốt người ta còn có hướng dẫn học sinh sử dụng SGK như thế nào cho hiệu quả.
Việc sắp xếp nội dung và cách trình bày được hầu hết các quốc gia đề cập đến khi đánh giá SGK. Hình ảnh, đồ thị phải chính xác, phù hợp và hiệu quả trong việc khuyến khích học tập, giúp học sinh tập trung vào việc học tập hơn là làm cho học sinh lơ đãng. Đảm bảo sự cân đối giữa hình và chữ.
Ngoài ra, một số quốc gia còn quy định cả việc giảm trọng lượng của SGK, sử dụng giấy tốt và không nên đóng thành quyển sách dày, đóng chắc chắn nhưng dễ mở sách để đọc, giúp học sinh quản lý nguồn thông tin tốt hơn và hài lòng với SGK của mình.
Cuối cùng, SGK tốt phải có khả năng sử dụng lại những thông tin, hình ảnh, bảng biểu thống kê sau này.
* Cô Nguyễn Thị Hòa (nguyên giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.Tân Bình, TP.HCM): Trong hơn 30 năm dạy học, có 19 năm tôi dạy lớp 1 với các SGK có chương trình cải cách, rồi sách công nghệ giáo dục. Với tôi, SGK tốt trước tiên là cuốn sách có nhiều tranh ảnh, hình ảnh bắt mắt gần gũi với học trò, khi dạy hình ảnh có tính bổ trợ cao. Tiếp theo là từ ngữ phải gần gũi. Về nội dung, phải nói đến tính hệ thống. Trong một bài học, đầu tiên học âm tiết, đến tiếng, đến từ, rồi phát triển thành câu có hệ thống, thành đoạn. Trong một chương trình cũng phát triển tương tự, phát huy được năng lực học tập học sinh theo cấp độ thì đó là SGK hay. * Cô Điền Thảo Chân (giáo viên Trường tiểu học Hòa Bình, Q.1, TP.HCM): Theo tôi về hình thức, trước hết SGK cần có tranh ảnh đẹp, bắt mắt, học sinh ở khu vực sinh sống nào khi tiếp xúc cũng dễ hiểu, dễ sử dụng. Chủ đề trong sách gần gũi với học sinh và tâm lý từng lứa tuổi, học sinh không than khó, phụ huynh cũng nắm được, giáo viên thì hứng thú để truyền đạt. * Thầy Đinh Hữu Đắc (hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3, TP.HCM): SGK tốt là sách phục vụ cho học sinh tiếp thu nhanh. Đó là cuốn sách có nội dung hay, hình thức đẹp, được thiết kế theo lứa tuổi cho học trò dễ học, giáo viên dễ truyền đạt. Học sinh nắm được kiến thức một cách nhẹ nhàng, phát huy năng lực học tập theo con đường thông dụng, phổ biến nhất thì đó là cuốn SGK tốt. (T.Thương ghi) |
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh/Tuổi trẻ