Đó là chia sẻ của nhiều địa phương đã triển khai sách tiếng Việt công nghệ giáo dục. Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên tỏ ra bất ngờ, hoang mang khi biết sách bị loại ngay từ vòng đầu thẩm định để thực hiện chương trình mới.
Học sinh Trường tiểu học Minh Tân (Bảo Yên, Lào Cai) học ngữ âm với những viên sỏi. Mỗi tiếng các em nghe, được đánh dấu bằng một viên sỏi - Nguồn: Trường tiểu học Minh Tân
Hãy đi thực tế, hãy hỏi trẻ con
"Muốn đánh giá chính xác thì phải đi, hãy đến những vùng miền khác nhau để hiểu sự gian nan trong dạy tiếng Việt như thế nào, những người ở địa phương phải làm gì, những phương pháp, tài liệu nào hiệu quả với học sinh.
Chứ nếu hời hợt hay chỉ ngồi ở thành phố để "đo" độ khó của học sinh thì tôi nghĩ sẽ không đúng đâu" - ông Nguyễn Viết Chuyên, nguyên trưởng phòng tiểu học Sở GD-ĐT Hà Giang, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Hà Giang triển khai tiếng Việt công nghệ từ năm 2010 đến nay, trong thời gian đó, ông Chuyên với tư cách là trưởng phòng tiểu học đến năm 2017 cũng trực tiếp đến tận các điểm trường để dự giờ, dạy lại cho giáo viên quan sát.
"Khách quan mà nói, nếu giáo viên không quyết liệt, không tâm huyết thì sẽ khó dạy tốt tiếng Việt công nghệ giáo dục. Ở các tỉnh miền núi có rất nhiều yếu tố cản trở, cho dù thực hiện chương trình nào thì cũng có khó khăn.
Với chương trình tiếng Việt công nghệ giáo dục, học sinh lớp 1 chỉ qua tết là đọc thông, viết thạo, không sai chính tả. Chương trình đại trà không làm được như vậy. Thành quả đó là điều không phủ nhận được" - ông Chuyên khẳng định.
Ông Dương Quốc Nam, nguyên trưởng phòng tiểu học Sở GD-ĐT Ninh Bình, cho biết hiện Ninh Bình vẫn triển khai tiếng Việt công nghệ ở 100% trường học.
"Tôi nghe nói hội đồng thẩm định bảo sách GS Hồ Ngọc Đại khó với học sinh tiểu học. Tôi không biết căn cứ vào đâu để nói khó vì thực tế học sinh không gặp khó. Trẻ học vui nhộn lắm vì học sinh được tự thao tác cụ thể để ghi lại, chứ không bị áp đặt bởi thầy cô.
Cái gì tự làm ra sản phẩm thì sẽ ghi nhớ lâu, sẽ thành thạo. Tôi thấy hội đồng thẩm định sách giáo khoa nên đi, xem thực tiễn người ta dạy học thế nào.
Hãy hỏi trẻ con xem chúng học có hiểu không, có thấy khó, thấy khổ không. Hãy hỏi cha mẹ học sinh xem con đi học về như thế nào, thế là chính xác nhất" - ông Nam nói.
'Những điều chương trình mới đặt ra, GS Hồ Ngọc Đại đã làm rồi'
Ông Nông Trọng Trình, trưởng phòng tiểu học Sở GD-ĐT Cao Bằng, chia sẻ theo phương pháp và tài liệu tiếng Việt công nghệ giáo dục, học sinh học tới đâu chắc tới đó mà vẫn nhẹ nhàng.
Nhược điểm chỉ ở chỗ nếu học sinh nghỉ học 1-2 buổi, không liền mạch sẽ gặp khó, phải dạy lại và giáo viên không dễ dạy nếu không được tập huấn kỹ. Nhưng Cao Bằng vẫn đang thực hiện với trên 70% học sinh.
Phải chăng phụ huynh phải thẩm định lại mình để có thể phù hợp với chương trình mới thay vì chương trình mà mình đã rất hài lòng khi chọn cho con?
Một phụ huynh ở Thái Bình hoài nghi
Còn ông Dương Quốc Nam nhận xét: "Tôi có nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông mới ở tiểu học, cũng đọc kỹ 13 tiêu chí thẩm định sách giáo khoa, tôi vẫn không hiểu được vì sao tiếng Việt công nghệ giáo dục bị loại vì mục tiêu của chương trình mới là phát triển năng lực học sinh qua hoạt động học tập thì GS Hồ Ngọc Đại đã làm rồi".
"Tôi trực tiếp dạy lớp 1 với tiếng Việt công nghệ giáo dục từ năm đầu triển khai. Phương pháp này thực sự đưa học sinh đúng ở vị trí trung tâm, người thầy đóng vai trò dẫn dắt, quan sát, hướng dẫn học sinh để trẻ tự học, tự làm ra sản phẩm của mình.
Phương pháp, tài liệu hướng dẫn học như thế đã đúng với tinh thần chương trình giáo dục phổ thông mới bây giờ chưa?” - cô Phan Thị Ánh Hồng, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thái Học 1, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, trao đổi.
Cô Ánh Hồng cho biết cũng có những năm tiếng Việt công nghệ giáo dục bị dừng nhưng cô vẫn dùng tài liệu này để dạy ở lớp học tình thương cho trẻ khó khăn vì nó rất hiệu quả.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, thầy Trịnh Đình Huynh - trưởng phòng tiểu học Sở GD-ĐT Hà Giang, người kế nhiệm của thầy Nguyễn Viết Chuyên - cho biết "nhà báo muốn khách quan thì nên hỏi phụ huynh học sinh học tiếng Việt công nghệ thì sẽ có niềm tin hơn là chúng tôi - những người thực hiện nói ra.
Tôi chỉ nói với tư cách một phụ huynh. Con tôi học tiếng Việt công nghệ, cháu đọc, viết thông thạo và đúng chính tả trong thời gian rất nhanh, không phải học thêm. Đặc biệt có tư duy tốt hơn".
Theo Vĩnh Hà/Tuổi trẻ