Để Việt Nam có nhiều trường ĐH đạt đẳng cấp quốc tế cần có quy định rõ ràng trong hợp tác với doanh nghiệp và quy định tự chịu trách nhiệm trong đào tạo.
Đổi mới cơ chế quản lý theo hướng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị giáo dục đại học (ĐH) công lập là phù hợp với chủ trương, đường lối mở cửa hội nhập của Đảng và Nhà nước ta. Thời gian qua, việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường ĐH công lập ở Việt Nam đã được triển khai thí điểm và có những kết quả ban đầu.
Khi tự chủ ĐH, sinh viên tài năng và có hoàn cảnh khó khăn vẫn được hỗ trợ học phí thông qua học bổng (ảnh minh họa).
Tuy nhiên, để các trường ĐH tự chủ một cách hiệu quả và mạnh mẽ hơn rất cần những giải pháp thiết thực. Vậy nên trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH như thế nào để vừa nâng cao chất lượng giáo dục, vừa đảm bảo an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người nghèo được tiếp cận trình độ cao và đặc biệt hơn là Việt Nam có được những trường đạt tiêu chuẩn đẳng cấp quốc tế?
Đây là vấn đề mà nhà trường, xã hội rất quan tâm cần sớm có hướng hỗ trợ và giải quyết.
Tự chủ ĐH: Sinh viên tài năng, nghèo vượt khó vẫn được hỗ trợ
Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) đã quy định sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng giáo dục, tạo môi trường học tập tốt hơn cho sinh viên. Tuy nhiên, nhiều sinh viên và dư luận xã hội quan tâm là mức học phí của các trường ĐH đưa ra sau khi được tự chủ.
Các trường ĐH mong chờ một cơ chế tự chủ sát với nhu cầu thực tế, không chồng chéo.
Là một trường ĐH được tự chủ, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, việc cân nhắc học phí ở mức như thế nào là điều hết sức quan trọng để vừa nâng cao chất lượng đào tạo và khả năng tiếp được học ĐH của người học ở những vùng, miền khác nhau.Để làm được việc này, nhà trường đã có những chương trình đào tạo với mức học phí khác nhau. Bên cạnh đó, trường cũng có chính sách học bổng để hỗ trợ cho sinh viên nghèo vượt khó, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc.
PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân |
Còn theo PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, là một trường thực hiện cơ chế tự chủ một phần cho đến toàn phần như hiện nay, nhà trường đã tự lo được kinh phí chi trả thường xuyên từ học phí của sinh viên.Để sinh viên không khỏi bất ngờ, nhà trường đã công khai mức học phí cho toàn khóa từ đầu năm học để các em biết. Ví dụ như mức học phí cho sinh viên chính quy từ 15-18,5 triệu/năm. Mức tăng không quá 10%/năm.
Ngoài ra, hàng năm, ĐH Kinh tế Quốc dân dành ra hơn 30 tỷ đồng để hỗ trợ học sinh tài năng, học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Vì vậy, có sinh viên thực sự giỏi, có tài năng đã được hỗ trợ học bổng cho cả khóa 4 năm (mỗi năm 50 triệu đồng) nên đều đủ chi trả học phí và sinh hoạt phí.
Quy trình, thủ tục hợp tác với doanh nghiệp còn rườm rà
Với những kết quả bước đầu của quá trình thực hiện tự chủ như chất lượng đào tạo đã được nâng cao, các trường ĐH vẫn còn phải tiếp tục phấn đấu để đạt được tiêu chuẩn đẳng cấp quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, hiện các trường đang gặp phải một số vướng mắc cần sớm được hỗ trợ giải quyết.
Theo ông Phạm Hồng Chương, với mức học phí như hiện nay, ĐH Kinh tế Quốc dân hoàn toàn có thể đảm bảo chi phí chi thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo.Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào mức học phí thì các trường ĐH được tự chủ sẽ khó có bước đột phá trong nghiên cứu khoa học, để trở thành trường đạt tiêu chuẩn đẳng cấp quốc tế. Vì vậy, chúng ta phải có chiến lược lâu dài về vấn đề tài chính.
Hoạt động của nhiều trường ĐH trên thế giới được chia làm 3 phần. Một là từ nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Hai là từ nguồn học phí và ba là từ nguồn xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, các trường ĐH muốn có chất lượng đào tạo tốt thì phải được đầu tư về chiều sâu. Do đó, mức học phí có thể tiếp tục tăng lên một phần.
Ngoài ra, chính sách pháp luật phải quy định rõ tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH trong lĩnh vực tài chính để các trường có thể công khai minh bạch các khoản thu-chi, sử dụng nguồn tiền vào đúng mục đích.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội. |
Đồng ý với quan điểm trên, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội nêu quan điểm, để các trường ĐH đạt được đẳng cấp quốc tế, việc nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư nhiều hơn nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ không chỉ trông chờ vào việc tăng học phí. Vì vậy, rất cần sự hợp tác của các doanh nghiệp với nhà trường.
Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) cũng có quy định, nhà nước hỗ trợ các trường thông qua cơ chế cạnh tranh, đặt hàng và giao nhiệm vụ.
Hy vọng quy định này sớm được thực hiện để cho các trường có cơ hội nâng cao nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Ông Hoàng Minh Sơn cho biết, hiện nay, một số trường ĐH, trong đó có ĐH Bách Khoa Hà Nội có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp mong muốn được hợp tác, đầu tư trong đào tạo, nghiên cứu như xây dựng khu giảng đường, phòng thí nghiệm...
Tuy nhiên, quy trình, thủ tục hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp chưa được hướng dẫn cụ thể nên nhiều nhà đầu tư đã nản lòng. Vì lý do bất cập này, Bộ GD-ĐT và các ban ngành liên quan cần có chính sách, quy định rõ ràng để cho các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, tập đoàn khi đầu tư vào trường ĐH có trách nhiệm và được hưởng lợi ích rõ ràng./.
Theo Bích Lan/VOV.VN