Cách trung tâm TPHCM 30km về phía Bắc có một ngôi trường khá đặc biệt bởi ở đó hơn 50% học viên có độ tuổi từ 50 trở lên và người lớn tuổi nhất cũng đã 81 tuổi. Hơn hết, ngôi trường này là một minh chứng rõ nhất cho tinh thần học tập suốt đời, hiếu học của người Việt ta
Những “cụ học sinh” mê học chỉ vì để giúp người
Có mặt tại Trường Trung cấp Tây Sài Gòn, xã Tân Thông Hội, Củ Chi (TPHCM) vào một ngày cuối tuần, nhiều người không khỏi bất ngờ trước tinh thần học tập hăng say của những học viên ở tuổi U60-70. Rất nhiều học viên không ở gần trường mà ở tận các tỉnh thành cách xa cả hàng trăm cây số vẫn chịu khó đến trường.
Bác Trần Thị Dừng, 59 tuổi theo học hơn một năm nay
Các lớp học ở đây có nhiều người mới bắt đầu học với mong muốn đóng góp sức mình cho việc bảo tồn nghề y cổ truyền và giúp đời.
Vừa nghỉ hưu đầu năm 2018, ông Lê Văn Sen, nguyên Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Tịnh Biên (An Giang) đã đăng ký học lớp Y sĩ y học cổ truyền. Chia sẻ về lý do đi học của mình, ông Sen cho biết vùng đất Thất Sơn, tỉnh An Giang có nhiều cây thuốc Nam, dược tính tốt. Người xứ khác còn về đây tìm thuốc, tại sao người tại chỗ không phát huy để cứu chữa cho người dân của mình. Theo ông Sen: “Dân vùng này còn nghèo, không ít người không đủ tiền chữa bệnh, nhiều người bị Tây y trả về chờ chết trong đau đớn. Có những bệnh Đông y có thể chữa được hoặc hỗ trợ cùng Tây y, chi phí thấp, phù hợp với điều kiện của bà con nghèo. Dù không chữa dứt được nhưng cũng có thể giúp họ đỡ đau đớn hơn, chí ít cũng tạo thêm niềm tin và động lực sống cho họ”.
Lớp học có nhiều học trò với mái đầu bạc. Và tuổi cao không phải là chướng ngại để những người yêu nghề y học cổ truyền đến lớp
Đến trường, chúng tôi cũng gặp chú Trịnh Văn Tính, quê ở huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh là một học viên theo học ở đây hơn nửa năm. Ở tuổi 62, sắp về hưu nhưng cứ cuối tuần chú Tính lại chạy xe máy từ Tây Ninh xuống học. Mỗi lần đi mất gần 2 tiếng và lúc về cũng mất ngần ấy thời gian nhưng hiếm khi nào chú bỏ buổi học.
Chú Tính bộc bạch: “Lĩnh vực Đông y cũng có nhiều cái khó, nhất là liên quan đến giải phẫu sinh lý các cơ quan trong cơ thể người, rồi ở phần bấm huyệt, châm cứu cũng đòi hỏi hết sức cẩn thận, người học phải học đủ mới làm được. Do đó, nếu không vì hoàn cảnh bắt buộc thì tôi không bỏ học bữa nào, hôm nào mệt thì đi xe buýt còn không thì tự chạy xe máy xuống trường”.
Thắc mắc về lí do đi học ở độ tuổi không còn trẻ khoẻ, chú Tính cho biết: “Tôi đi học xuất phát từ đam mê với nghề Đông y và hơn nữa học nghề này cũng cho tôi điều kiện để làm từ thiện. Mình cũng có tuổi rồi, học xong về có thể tham gia cứu chữa người. Với lại tôi cũng thấy tuổi mình vẫn còn học được, còn tiếp thu được nên cố gắng học thôi”. Học viên 62 tuổi này cũng chia sẻ rằng “khó khăn lớn nhất có lẽ là tuổi tác cũng lớn nhưng đó không còn là trở ngại cho tôi vì mình đã quyết tâm theo học đến cùng”.
Quê gốc ở Củ Chi, lập nghiệp tận huyện Bù Đốp, Bình Phước nhiều năm nay nhưng cô Trần Thị Dừng, 59 tuổi đã theo học tại trường được hơn 1 năm.
“May mắn trường bố trí lịch học vào hai ngày cuối tuần nên tôi cũng sắp xếp về học. Các con trong gia đình mở phòng khám Đông y, nếu không có kiến thức Đông y thì mình không giúp được nên tôi quyết tâm theo học. Càng học càng mê vì mỗi lần đến trường các thầy cô lại giúp mình mở mang thêm nhiều kiến thức mới”, cô Dừng kể. Đơn giản là càng học càng mê nên cô không ngại đường xa, cứ chiều thứ 6 hàng tuần lại bắt xe đò từ Bình Phước vượt cả trăm km về học.
Cụ bà Lê Thị Mỹ, 74 tuổi cũng là một học viên "đáng nể" ở ngôi trường này. Quan sát cụ học mới thấy sự chuyên tâm và ý thức học tập rất cao của một học sinh dù cao tuổi. Không chỉ nghe thầy giảng bài, cụ còn dùng diện thoại smart phone chụp lại bài giảng để về nhà xem lại cho kỹ. Khi hỏi lí do đi học, cụ Mỹ cười hào sảng: “Đi học vì vui!”. Niềm vui của cụ là học để khám phá thêm nghề Đông y, hơn nữa học cùng nhiều bạn học viên nhỏ tuổi hơn nên hỗ trợ mình rất nhiều.
Cụ bà Lê Thị Mỹ ở tuổi 74 vẫn đam mê đến lớp học
Cụ Mỹ kể, nhà cách trường hơn 12km nhưng cụ vẫn tìm cách tự chạy xe đi học nên ban đầu các cháu trong gia đình phản đối nhiều vì lo sự an toàn cho cụ. Mãi sau nhìn thấy sự đam mê của cụ Mỹ, cộng thêm có bạn học đưa đón nên sau đó gia đình hoàn toàn ủng hộ. Cụ Mỹ hớn hở khoe thêm: “Đến nay tôi biết tự xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, hiểu về các vị thuốc. Mình học những kiến thức này thật sự cũng chỉ nhằm giúp bản thân mình, nếu biết thêm thì có thể giúp được cho người thân trong gia đình”.
Ngôi trường duy nhất làm lễ mừng thọ học sinh
Ông Trần Văn Thanh, phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Sài Gòn cho biết, trường có hơn 1.500 học viên theo học, trong đó khoảng 60% học sinh có độ tuổi từ 50 trở lên, hơn 300 học sinh có tuổi đời trên 60.
“Kiến thức là vô biên nên việc học không bao giờ đủ. Việc học đối với người lớn tuổi có thể khó khăn hơn các bạn trẻ nhưng các cụ vẫn học tập rất nghiêm túc. Đó là điều rất đáng trân trọng. Cuối năm ngoái, nhà trường làm lễ mừng thọ không chỉ là truyền thống “kính lão” mà còn là sự ghi nhận tinh thần học tập suốt đời của các cụ. Chí ít đó cũng là tấm gương để con cháu các cụ noi theo” - ông Thanh chia sẻ.
Trường Trung cấp Tây Sài Gòn tổ chức lễ mừng thọ cho học viên.
Ông Thanh kể: “Năm 2015, chúng tôi đi khảo sát nhu cầu về ngành học ở nhiều tỉnh thành. Ở nhiều tỉnh, nhiều người làm thuốc Đông y giỏi tay nghề, nhưng họ học nghề theo phương pháp “cha truyền con nối”, chưa hiểu biết một cách căn bản và hệ thống các nguyên lý, cũng như những phương pháp khoa học trong việc khám chữa bệnh. Nhiều người cũng đã theo học chính quy ở nhiều nơi nhưng vì thời gian chưa phù hợp nên giữa chừng lại bỏ. Bên cạnh đó, xã hội hiện đại không chấp nhận thầy thuốc không có bằng cấp tham gia chữa trị sức khỏe cho người dân. Vậy là chúng tôi quyết định đầu tư cơ sở vật chất, chương trình và đội ngũ để mở ngành Y sĩ y học cổ truyền. Rất bất ngờ khi phần lớn học viên là người lớn tuổi".
Cũng theo vị phó hiệu trưởng này, do đa số học viên lớn tuổi, trí nhớ giảm sút, họ còn chịu nhiều áp lực của cuộc sống cơm gạo áo tiền, vì vậy phương pháp giảng dạy cũng được thiết kế phù hợp. “Chúng tôi chú trọng đào tạo nghề cho họ, giảm thiểu tối đa lý thuyết, kiểm tra kết thúc môn và thi tốt nghiệp chủ yếu là kiểm tra tay nghề của họ. Cụ thể nhà trường đã xây dựng chuẩn đầu ra tay nghề Y học cổ truyền mà tất cả học viên phải đạt được theo công thức riêng. Trong đó, học viên phải biết được 80 cây thuốc, tối thiểu 60 huyệt cơ bản và các kỹ thuật châm cứu trên cơ thể người, 40 động tác dưỡng sinh, 30 thủ thuật xoa bóp và ấn huyệt, 30 bài thuốc tân phương, 30 bài thuốc cổ phương, chữa được 20 bệnh thường gặp bằng phương pháp y học cổ truyền và phải làm được 10 bệnh án”, ông Thanh chia sẻ.
Ngoài ra, học viên sẽ có 6 tháng thực tập bao gồm 2 tháng thực tập cộng đồng, 2 tháng thực tập bệnh học và 2 tháng thực tập tốt nghiệp tại bệnh viện. Đây là học phần giúp học viên thực hiện khám và chữa bệnh trong môi trường chuyên nghiệp thực tế để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
Ông Thanh cũng cho biết thêm, ngoài đối tượng học sinh phần lớn là người cao tuổi, trường này cũng có nhiều điều “lạ lùng thú vị” khác. Có 5 tiến sĩ theo học trung cấp, 2 người đã tốt nghiệp. 19 thạc sĩ, 15 bác sĩ và hơn 600 học viên hành nghề Đông y trên khắp cả nước theo học. Ngoài ra, trường còn nhiều trường hợp thú vị khác, như gia đình gồm 15 người gồm anh em, vợ chồng và các cháu cùng theo học; 4 cha con học chung lớp, 3 mẹ con cùng học một lớp, 3 chị em cùng lớp, 17 cặp vợ chồng là học sinh của trường…
Theo Lê Phương/Dân trí