Từ năm 1975 đến nay, Việt Nam đã trải qua 7 lần cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng đến nay, các kỳ thi vẫn chưa bớt những căng thẳng, lo âu.
Đây là ý kiến của các đại biểu đưa ra tại Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế và mô hình đánh giá để công nhận tốt nghiệp THPT cho Việt Nam do Viện Đo lường đánh giá phát triển giáo dục – Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Xuân Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 và 2018 đã mang lại được những thay đổi tích cực lớn cho xã hội nói chung, cộng đồng đều hài lòng với những kết quả này. Tuy nhiên, đó vẫn là một kỳ thi quốc gia đòi hỏi sự huy động cùng lúc nhiều nguồn lực phục vụ cho một kỳ thi chung toàn quốc và chưa đảm bảo loại bỏ được một vài yếu tố tiêu cực can thiệp vào kết quả thi.
Theo ý kiến của một số Sở GD-ĐT, cách tổ chức kỳ thi như hiện nay đang để Sở gánh quá nhiều việc, dễ tạo ra kẽ hở dẫn đến tiêu cực
“Liệu chúng ta có cần duy trì một kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức như hiện hành? Nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi mọi ngành nghề, mọi hệ thống phải thay đổi căn bản về tư duy và các phương pháp làm việc. Bên cạnh đó, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học…”, ông Thanh nêu quan điểm.
Với tư cách là người thực hiện trực tiếp, Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh nhiều lần nhắc tới cụm từ “rủi ro kinh khủng” khi nhận định về cách thức tổ chức kỳ thi như hiện nay.
Ông Dũng cho rằng Bộ đã rất cố gắng để cải tiến kỳ thi nhưng vẫn còn hạn chế như chi phí công tăng, phân luồng không hiệu quả.
"Với phương án thi như hiện nay, ngân sách địa phương tăng lên 39% (2017-2018). Hiện nay Thủ tướng đã phê duyệt đề án 522 về phân luồng hướng nghiệp, nhưng nếu với cách thi hiện nay, thí sinh Hà Tĩnh sẽ xét tuyển hết vào đại học, không trường này thì trường khác. Mục tiêu của đề án này khó mà thực hiện được.
Hơn nữa, cách tổ chức thi THPT quốc gia như hiện nay chứa nhiều rủi ro. Lãnh đạo Bộ thì lo không biết các Sở tổ chức kỳ thi ra sao, còn các Giám đốc Sở lại lo không biết điểm thi làm thế nào. Hơn nữa địa phương cũng rất áp lực vì tổ chức kỳ thi với mục đích 2 trong 1", ông Dũng nói.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, Bộ nên xem xét phương án giao việc xét tốt nghiệp cho các Sở, còn việc tuyển sinh trả về cho các trường đại học.
"Hiện nay chúng tôi được giao quá nhiều việc, nhiều nơi đã lợi dụng điểm này, coi đây là cơ hội", ông Dũng chỉ rõ.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Trào, Hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội, với mục tiêu để xét công nhận tốt nghiệp thì hằng năm chi rất nhiều tiền và kèm theo đó là tổn hao về tâm lý, trí tuệ của toàn xã hội để rồi tìm ra một vài phần trăm trượt tốt nghiệp liệu có đáng? TS Trào đặt câu hỏi, tại sao không tính đến phương pháp khác? Các quốc gia không tổ chức thi để công nhận tốt nghiệp nhưng người ta vẫn có công cụ khác, hình thức khác để xem năng lực học sinh phổ thông ở thứ hạng bao nhiêu so với chuẩn chung của thế giới.
Đề xuất thay đổi thi THPT quốc gia
Từ tình hình thực tiễn, PGS.TS Nguyễn Phương Nga, Viện trưởng Viện đo lường đánh giá chất lượng giáo dục làm chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu đề xuất phương án đánh giá xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học đáp ứng yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông mới” đã giới thiệu mô hình công nhận thi tốt nghiệp THPT được đề xuất.
Phương án 1, các trường THPT sẽ cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT cho những học sinh đã học xong chương trình THPT và đạt các điều kiện quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Học sinh đã có Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình học THPT sẽ đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia để được cấp Bằng tốt nghiệp THPT của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Kỳ thi được tổ chức 2 lần/năm và có thể 3 lần/năm do Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm tổ chức thi. Theo đó, thí sinh được lựa chọn thời điểm thi phù hợp với kế hoạch cá nhân. Kỳ thi được tổ chức tại các Trung tâm Khảo thí đặt tại các tỉnh, thành phố.
Với kỳ thi này, thí sinh chỉ phải thi 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn (tiếng Việt) và Ngoại ngữ nằm trong chương trình học lớp 12.
Phương án 2, các trường THPT tổ chức thi tại trường cho những học sinh đã học xong chương trình THPT theo các đề thi do Trung tâm Khảo thí chuyên nghiệp của Bộ GD-ĐT thiết kế.
Các đề thi này là những “đề thi thử nghiệm” để đánh giá năng lực của học sinh. Đồng thời cũng là điều kiện để Trung tâm Khảo thí chuyên nghiệp tạo lập ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa.
Ở phương án 2, thời điểm thi do trường bố trí phù hợp với khung thời gian của nhà trường. Học sinh đạt điểm theo quy định sẽ được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT.
Theo đó, học sinh đã có Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình học THPT, sẽ đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia để được cấp bằng tốt nghiệp THPT của Sở GD-ĐT.
Kỳ thi này được tổ chức 2 lần/năm và có thể 3 lần/năm do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Đồng thời, thí sinh được lựa chọn thời điểm thi phù hợp với kế hoạch cá nhân.
Kỳ thi được tổ chức tại các Trung tâm Khảo thí đặt tại các tỉnh, thành phố.Thí sinh chỉ phải thi 3 môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn (tiếng Việt) và Ngoại ngữ nằm trong chương trình học lớp 12.
Bà Nga cũng đề xuất, mô hình mới này được đề xuất thực hiện ở giai đoạn 2024 – 2025 thi trên giấy tại các Trung tâm Khảo thí chuyên nghiệp đặt tại các tỉnh/thành. Sẽ thí điểm thi trên máy tính với những địa phương, khu vực có điều kiện và tự nguyện thí điểm.
Từ giai đoạn 2026 trở đi, thi đại trà trên phạm vi cả nước theo Mô hình mới trên máy tính. Với những đối tượng đặc thù như học sinh khuyết tật, vùng sâu vùng xa vẫn tổ chức thi trên giấy riêng.
"Mọi kỳ thi trên giấy, dù có chặt chẽ đến đâu, đều có thể bị can thiệp bởi con người, còn thi trên máy tính, với mỗi người một đề thi, thì không thể can thiệp. Khi đó sẽ rất nhàn cho xã hội, cho các cơ quan quản lý giáo dục, nhưng phải đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, việc đầu tư ban đầu này nếu là hợp lý nếu so với chi phí tổ chức kỳ thi mỗi năm như hiện nay,” bà Nga nói.
Bà Nga cũng nhấn mạnh đây chỉ là nghiên cứu, xây dựng mô hình của nhóm nghiên cứu, đang trong quá trình hoàn thiện, lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia và các tổ chức, cá nhân, cơ quan liên quan./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN