Đó là ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ông Phan Thanh Bình tại buổi làm việc với Bộ GD&ĐT và Bộ Công an về vấn đề xử lý vi phạm kỳ thi THPT quốc gia 2018 & công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia 2019 vào chiều ngày 23/4.
>>Thí sinh Hòa Bình, Sơn La "gian lận" điểm thi 2018 vẫn được dự thi THPT quốc gia 2019
>>Gian lận điểm thi chấn động Sơn La: Có thí sinh được nâng đến 26,55 điểm!
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, trong buổi làm việc, Ủy ban muốn nghe đại diện Bộ GD&ĐT, Bộ Công an, các đại biểu tham dự thảo luận và thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần xử lý trước mắt đối với kỳ thi trung học phổ thông quốc gia hiện nay nhằm bảo đảm nghiêm túc, công bằng.
Toàn cảnh buổi làm việc
Thưa ông, trong cuộc họp này, 2 bộ đã báo cáo thông tin về việc xử lý gian lận điểm thi như thế nào?
Tại cuộc họp, Bộ GD&ĐT đã báo cáo về số thí sinh, số lượng bài thi, được phát hiện sửa, nâng điểm tại tỉnh Hòa Bình và Sơn La...
Như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trả lời, hiện có 12 thí sinh có trong danh sách sửa, nâng điểm thi nhưng khi chấm thẩm định vẫn đủ điểm trúng tuyển vào trường. Do vậy, trước mắt các em đủ điểm trúng tuyển vẫn được theo học. Sau khi có kết quả điều tra điểm xong thì mới xác nhận được sai phạm đến đâu xử lý đến đó.
Việc sửa, nâng điểm có thể có cháu biết, có thể có cháu không biết nên phải xác định rõ chứ ép cho thôi học ngay là không được.
Năm 2018, Quy chế thi không đặt ra quy định xử lý hành vi trong việc sửa, nâng điểm thi đối với thí sinh. Do đó, phải có kết luận của cơ quan điều tra thì mới xử phạt được.
Tại cuộc họp, các ý kiến đặt ra nhiều vấn đề xử lý gian lận điểm thi nhưng hiện nay đang trong quá trình điều tra nên phải tôn trọng nguyên tắc làm việc của cơ quan điều tra, chưa công bố được thông tin cụ thể hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu
Sự việc đã xảy ra hơn 9 tháng rồi, Bộ Công an có báo cáo gặp khó khăn gì không, thưa ông?
Hành trình đi tìm điểm thi gốc rất khó khăn, phức tạp. Hiện nay, cơ quan điều tra vẫn chưa làm xong, mới khôi phục được điểm vì trắc nghiệm nên không biết khoanh tròn nào là của học sinh, khoanh tròn nào là của người sửa bài.
Việc tìm ra điểm thật, tìm ra bài thí sinh được nâng sửa điểm là căn cứ quan trọng để điều tra tiếp những vi phạm liên quan.
Ủy ban yêu cầu khẩn trương điều tra xong sớm trong thời hạn một năm, tính từ thời điểm cơ quan điều tra vào cuộc. Như vậy, còn 3 tháng nữa là phải công bố kết quả.
Quan điểm của Ủy ban là làm đúng luật, sai đến đâu, xử lý đến đó, không có vùng cấm. Các ý kiến của cuộc họp cũng thống nhất như vậy.
Hà Giang là địa phương phát hiện gian lận đầu tiên, điều tra vào cuộc sớm nhất, nhưng đến nay vẫn chưa có công bố đầy đủ, công khai khiến dư luận bức xúc, cuộc họp có đưa vấn đề này ra không thưa ông?
Vấn đề sai phạm ở Hà Giang đã xử lý rồi. Tuy nhiên, Ủy ban cũng có yêu cầu rà soát lại dữ liệu ở Hà Giang.
Việc thí sinh đủ điểm hay không đủ điểm, thí sinh có biết mình được sửa điểm hay không biết mình sửa điểm thì phải do cơ quan điều tra kết luận. Vấn đề này phải có xác nhận của thí sinh. Muốn kết tội thì phải có bằng chứng. Theo tôi, đây là vấn đề cực khó để xác nhận.
Ở đây cần phải làm rõ, năm vừa qua quy chế thi không có đặt ra việc xử lý gian lận điểm thi. Giờ phải xác nhận những thí sinh đó có sai phạm hay không?, sai phạm như thế nào? Sai phạm ít hay nhiều? thí sinh có biết mình nâng điểm?... vẫn phải chờ cơ quan điều tra mà thời hạn điều tra trong vòng một năm.
Nhiều ý kiến cho rằng, thí sinh gian lận chỉ cần 1 môn cũng phải hủy tốt nghiệp kỳ thi THPT quốc gia, ý kiến ông thế nào?
Vấn đề này phải theo Quy chế thi năm 2018. Nếu xác nhận được là bài thi gian lận thì hủy nhưng nếu chưa xác nhận được gian lận thì sao?, Họ nói tôi không biết thì rất khó xử lý.
Như trên tôi đã nói, quy chế thi năm 2018 không đặt ra vấn đề xử lý gian lận về điểm thi mà chỉ đặt ra xử lý theo hành vi mà khi xử lý thì phải theo hành vi và minh chứng.
Cuộc họp đã yêu cầu các bộ làm rõ vấn đề này. Quan điểm của Ủy ban là phải xử lý nghiêm khắc những sai phạm.
Ủy ban cũng đề nghị Bộ GD &ĐT phải nghiên cứu sửa đổi Quy chế thi THPT quốc gia 2019 để giải quyết những vướng mắc, bất cập như vừa qua.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Được biết, trong cuộc họp này, các thành viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã yêu cầu Bộ GD&ĐT xem xét trách nhiệm của mình đối với các đơn vị trong ngành, việc xử lý các cán bộ trong ngành có liên quan như thế nào. Ủy ban cũng đề nghị Bộ Công an trong quá trình điều tra phải đặc biệt chú ý tới các hành vi, hậu quả sai phạm, xác định rõ đối tượng liên quan. Đặc biệt đối tượng phụ huynh có chức vụ, có con trong danh sách nâng điểm thi. Đồng thời, làm rõ có hay không việc đưa - nhận hối lộ. |
Theo Hồng Hạnh/Dân trí