Các trường ĐH vẫn lúng túng trong việc chia sẻ nguồn lực, gây lãng phí lớn mà không tạo được hiệu quả trong nghiên cứu khoa học
Các đại biểu thảo luận tại hội nghị - Ảnh: HUY LÂN
Ngày 22-4, tại TP HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội thảo xây dựng cơ chế chính sách phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học (ĐH). Hội thảo bàn về việc sử dụng chung phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong trường ĐH.
Tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học
PGS-TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết so với các nước trong khu vực, cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam mới chú trọng phần đào tạo còn phần nghiên cứu khoa học (NCKH) còn yếu. Đa phần các ĐH hiện nay dựa vào học phí, kể cả trường có nghiên cứu mạnh. Do vậy, cần có bước chuyển mạnh mẽ, trong đó ít nhất nguồn thu từ khoa học công nghệ chiếm tỉ trọng đáng kể trong tổng nguồn thu.
“Làm thế nào để hợp tác các trường với nhau chứ không thể trường nào khư khư giữ trường đó. Chúng tôi cần cơ chế để làm việc hơn là cần tiền” - PGS-TS Đỗ Văn Dũng nói. |
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng cần đầu tư mạnh cho phòng nghiên cứu, gắn với thế mạnh nghiên cứu của từng trường. Bộ GD-ĐT khuyến khích phòng thí nghiệm dùng chung để phát huy hết hiệu quả và tránh lãng phí.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết các trường ĐH lâu nay vẫn lúng túng trong việc sẻ chia nguồn lực. Đang có sự lãng phí rất lớn vì các trường chạy đua mà sử dụng không hết công năng.
Sinh viên Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) nghiên cứu khoa học - Ảnh: DUY TÂN
PGS-TS Nguyễn Văn Phúc cho rằng Luật Giáo dục ĐH sửa đổi có hiệu lực từ tháng 7-2019 vẫn không thể tháo gỡ hết khó khăn cho các trường ĐH vì hoạt động của các trường vẫn bị chi phối bởi các luật khác như luật tài sản công. Còn theo ông Đỗ Văn Dũng, điểm vướng hiện nay là không hợp tác được với các tập đoàn mạnh của nước ngoài trong khi các trường không thể lấy học phí để đầu tư phòng thí nghiệm.
Giáo viên bị ép mới làm
GS-TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội, cho rằng xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu trong trường ĐH có ý nghĩa then chốt để nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ và chất lượng đào tạo của nhà trường.
GS-TS Nguyễn Đình Đức - Ảnh: HUY LÂN
Dẫn báo cáo của Bộ GD-ĐT, GS-TS Nguyễn Đình Đức cho biết tính đến hết năm học 2016-2017, đã có 491 nhóm giảng dạy - nghiên cứu được thành lập tại các cơ sở đào tạo. Trong đó, cơ sở đào tạo có nhiều nhóm giảng dạy - nghiên cứu nhất là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, các trường ĐH ở Tây Nguyên (42 nhóm), ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, ĐHQG TP HCM, ĐHQG Hà Nội. Các nhóm nghiên cứu gặp hạn chế như: số lượng các công bố quốc tế còn khiêm tốn, thiếu cán bộ đầu ngành dẫn dắt, nguồn lực đầu tư còn hạn chế và cấp chậm; đặc biệt là chưa có cơ chế chính sách mạnh để hỗ trợ và thúc đẩy nhóm nghiên cứu trong trường.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho biết khi giáo viên tham gia nhóm nghiên cứu khoa học thì chất lượng giáo viên được tăng lên. Tuy nhiên, nhiều giáo viên vẫn chưa quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học, nói một cách hình ảnh là "không ép thì không đẻ".
Phát triển nhóm nghiên cứu thành nhóm nghiên cứu mạnh vẫn còn nhiều rào cản cần gỡ bỏ. PGS-TS Nguyễn Văn Phúc cho rằng việc này không thể làm trong một sớm một chiều nhưng trước mắt cần có các ý kiến đóng góp để xây dựng hành lang pháp lý. Nhiều ý kiến khác cho rằng để phát triển nghiên cứu khoa học trong cơ sở đại học cần có các cơ chế chính sách tốt, đặc biệt thu hút được nhân tài vào nhóm nghiên cứu mạnh.
Theo Huy Lân/Người Lao động