Cách sắp xếp phòng thi hiện nay theo Quy chế thi THPT quốc gia đưa đến hiện tượng đa phần học sinh các trường THPT ở các quận, huyện, thị xã vẫn ngồi thi tại cùng một điểm thi, thậm chí ngay tại chính trường mình học.
Chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là đến thời điểm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT) đã công bố để xin ý kiến góp ý rộng rãi dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT, bao gồm nhiều giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục tối đa tiêu cực có thể xảy ra.
Không phân biệt
Về việc xếp thí sinh (TS) tại các điểm thi và phòng thi, dự thảo quy chế được sửa đổi, bổ sung như sau (điểm a khoản 2 điều 9): "TS tự do, TS giáo dục thường xuyên (GDTX) được bố trí dự thi tại một số điểm thi cùng với TS giáo dục THPT là học sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi và do giám đốc sở GD-ĐT quyết định. Tại các điểm thi đó, việc lập danh sách để sắp xếp phòng thi không phân biệt TS tự do, GDTX hay học sinh phổ thông".
Trường hợp thí sinh cùng trường, cùng lớp thi cùng phòng khá phổ biến tại kỳ thi THPT quốc gia. (Ảnh: Tấn Thạnh)
Ở những năm trước đây, đặc biệt là năm 2017, 2018, TS tự do thường được xếp vào điểm thi riêng do có sự thay đổi về đề thi (từ năm 2017, TS được xét tốt nghiệp theo bài thi chứ không theo môn thi, trong khi các TS tự do đã tốt nghiệp từ những năm trước chỉ thi lại một số môn để xét tuyển ĐH).
Lý giải về sự thay đổi này, một lãnh đạo của Bộ GD-DT cho biết: "Việc các nhóm TS không ngồi thi riêng như những năm trước mà được xếp ngồi chung để bảo đảm bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử nào giữa TS tự do, GDTX hay THPT".
Dù chưa có những thống kê đầy đủ nhưng trên thực tế những năm thi tốt nghiệp trước đây, các vi phạm quy chế thi thường xảy ra nhiều hơn ở các điểm thi dành riêng cho TS tự do và TS thuộc hệ GDTX. Do vậy, việc hòa lẫn TS tự do và TS thuộc hệ GDTX với TS thuộc hệ THPT là điều cần thiết để tăng cường sự nghiêm túc trong khâu coi thi.
Kỳ thi quốc gia không phải là thi học kỳ!
Hằng năm, số TS tự do và TS thuộc hệ GDTX chiếm khoảng 10% tổng số TS dự thi THPT quốc gia. Như vậy, trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, dự báo có khoảng 80.000 TS thuộc hệ GDTX và TS tự do sẽ chịu tác động của quy chế thi mới là ngồi thi chung với TS thuộc diện học sinh THPT chưa tốt nghiệp.
Tuy nhiên, nếu xem lại cách sắp xếp TS trên thực tế của nhiều địa phương hiện nay sẽ thấy rằng hiện tượng "ngồi thi riêng" lại phổ biến rải rác trong chính hệ giáo dục phổ thông.
Khi còn được tổ chức riêng biệt với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, trong giai đoạn 2009 - 2011, Bộ GD-ĐT cũng đã quy định "thi theo cụm và chấm chéo" trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, khi đó học sinh từ 2 đến 7 trường THPT sẽ được "trộn lẫn" để thi chung với nhau. Nhưng do không thuận lợi trong việc đi lại của TS, trên thực tế vẫn có hơn 10% điểm thi tổ chức theo các điểm riêng của một trường THPT. Tuy nhiên, sau khi có vụ việc 11 tỉnh ĐBSCL "bắt tay" nhau trong mùa thi tốt nghiệp THPT 2011 để nới lỏng chấm thi nhằm có kết quả tốt nghiệp đẹp cho địa phương, quy định về thi theo cụm và chấm chéo lại bị bãi bỏ.
Cách sắp xếp phòng thi hiện nay theo Quy chế thi THPT quốc gia đưa đến hiện tượng đa phần học sinh các trường THPT ở các quận, huyện, thị xã vẫn ngồi thi THPT quốc gia tại cùng một điểm thi, thậm chí ngay tại chính trường mình học. Và do việc xếp số báo danh chỉ căn cứ trên thứ tự abc… của danh sách TS tại điểm thi nên dẫn đến sẽ có khá nhiều hiện tượng học sinh cùng trường, cùng lớp nay lại ngồi thi THPT quốc gia cùng phòng thi, thậm chí ngồi cạnh nhau.
Những điều này đặt ra yêu cầu phải có các giải pháp kỹ thuật như xếp phòng thi, phân tách và xáo trộn TS tại các phòng thi chứ không chỉ trông cậy vào nỗ lực coi thi nghiêm túc của các cụm thi.
Trông cậy vào coi thi Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 (kỳ thi tốt nghiệp cuối cùng trước khi chuyển sang kỳ thi THPT quốc gia), cả nước có hơn 900.000 TS đăng ký dự thi, trong đó hệ THPT có hơn 800.000 TS; GDTX có hơn 80.000 TS nhưng cả nước chỉ có 11 TS vi phạm quy chế do mang điện thoại vào phòng thi. Ở kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên năm 2015 với xấp xỉ 1 triệu TS, điều đáng kinh ngạc là số lượng vi phạm kỷ luật phòng thi từ khiển trách, cảnh cáo đến đình chỉ thi lại tăng gần 70 lần so với kỳ thi tốt nghiệp năm 2014 (760 vụ). Tất nhiên, hầu hết các vụ vi phạm kỷ luật phòng thi đều xảy ra trong các buổi thi môn tự luận nhưng điều đáng nói là phần lớn những trường hợp vi phạm kỷ luật phòng thi đều chỉ được phát hiện và xử lý tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Rõ ràng coi thi là một yếu tố quyết định để chống tiêu cực tại chính phòng thi. |
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa
Người Lao Động